Vào cuối tháng 9/2024, một số trang sức, cổ vật triều Nguyễn đã được đấu giá thành công trong phiên đấu gia mang chủ đề “Nghệ thuật châu Á” của nhà đấu giá Aguttes (Pháp). Trong số đó, một cổ vật bằng vàng có trang trí hình “rồng khênh kiệu mặt trời” được trả giá cao nhất cả phiên: 63.000 euro (hơn 1,7 tỷ đồng).
Giá về tay sau khi cộng thêm các chi phí liên quan ước tính lên đến 2,3 tỷ đồng. Bỏ xa giá ước tính ban đầu, đây là kết quả gây bất ngờ cho cho ban tổ chức cuộc đấu giá.
Món quà quý vua nhà Nguyễn trao tặng bác sĩ Pháp
Theo thông tin hãng đấu giá cung cấp, hiện vật được đề cập ở đây làm bằng vàng 18K xuất hiện từ năm 1921, là giá đỡ dùng để bày biện trong thư phòng. Tổng trọng lượng của hiện vật là 172 g. Các chi tiết trên món đồ hơn trăm tuổi được tạo tác tinh xảo mang phong cách thời vua Khải Định, Bảo Đại.
Cụ thể, giá đỡ có hình cổng vòm, tạo hình hai con rồng vươn mình nâng đỡ viên ngọc có vòng lửa xung quanh, tựa như mặt trời. Mặt sau là biểu ngữ dập nổi dòng chữ “Thăng cấp sĩ quan - Quân đoàn danh dự - tháng 1”.
|
Giá đỡ hình “rồng khênh kiệu mặt trời” được đấu giá thành công ở Pháp. Ảnh: Invaluable.com. |
Người đầu tiên sở hữu chiếc giá đỡ này là bác sĩ người Pháp Laurent Joseph Gaide (1870-1960) là Giám đốc Sở Y tế Đông Dương. Ông được phong làm Sĩ quan Bắc đẩu bội tinh vào đầu năm 1921 - trùng với thời gian xuất hiện chiếc giá đỡ bằng vàng. Món đồ này có thể coi là phần thưởng mà nhà vua trao cho bác sĩ Laurent Gaide.
Nhà nghiên cứu, nghệ nhân Vũ Kim Lộc phân tích, hiện vật có đề tài rồng khênh kiệu mặt trời, trong đó hình hoa cũng vừa là kiệu. Tạo tác được thể hiện rất rõ có chân quỳ đặt trên đòn khênh, còn hai rồng phóng lên từ mặt nước. Tất cả họa tiết nhằm nêu bật ý đồ là tôn vinh mặt trời, mang hàm ý sùng kính vua triều Nguyễn (mặt trời là biểu tượng của vua triều Nguyễn). Rất có thể hiện vật được thiết kế và chế tác bởi Nội kim tượng cục của triều Nguyễn.
Theo ông Vũ Kim Lộc, nói về các cổ vật bằng vàng của Việt Nam thì triều Nguyễn là triều đại mà các hiện vật còn được gìn giữ với số lượng nhiều nhất. Kho báu của triều Nguyễn mà vua Bảo Đại khi thoái vị đã bàn giao cho chính quyền Việt Minh năm 1945 có hơn 2.500 bảo vật bằng vàng, bạc, ngọc, ngà, trong đó có hơn 100 ấn vàng (có ấn nặng hơn 10 kg), hơn 100 sách vàng (có sách cũng nặng tới 10 kg).
Ngoài ra, còn rất nhiều bảo vật bằng vàng khác như kiếm, bát, đĩa, chậu rửa mặt, cành vàng lá ngọc... Đặc biệt là 4 chiếc mũ bằng vàng của vua mà nghệ nhân Vũ Kim Lộc đã vinh dự được mời phục chế năm 2008. Đó là chưa kể vô vàn bảo vật bằng vàng, bạc, ngọc, ngà mà người Pháp đã lấy đi trong thời gian đô hộ, nhất là sự kiện năm 1885 khi kinh thành Huế thất thủ.
Hiện nay, số hiện vật của triều Nguyễn trôi nổi trên thị trường thế giới rất nhiều, và đã được đem ra đấu giá. Điển hình nhất là chiếc ấn "Hoàng đế chi bảo" đã được một tư nhân mua và chiếc mũ của quan Đại thần triều Nguyễn được Công ty cổ phần tập đoàn Sunshine đấu giá thành công, sau đó hiến tặng cho tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Những cổ vật bằng vàng ròng tiêu biểu của nhà Nguyễn
Mặc dù đã mất mát một lượng lớn do những biến động của thời cuộc, nhiều cổ vật bằng vàng của nhà Nguyễn vẫn còn được lưu giữ ở Việt Nam. Những hiện vật này luôn gây ấn tượng đặc biệt cho những ai có cơ hội chiêm ngưỡng vì chúng có giá trị cao và được chế tác hết sức tinh xảo.
Xin được giới thiệu một số cổ vật bằng vàng tiêu biểu của triều Nguyễn, hiện được bảo quản và trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam:
1. Ấn vàng “Đại Việt Quốc Nguyễn Chúa vĩnh trấn chi bảo”
Ấn vàng “Đại Việt Quốc Nguyễn Chúa vĩnh trấn chi bảo” là chiếc bảo ấn cổ nhất của nhà Nguyễn. Ấn do chúa Nguyễn Phúc Chu cho đúc làm quốc bảo vào năm Vĩnh Thịnh thứ 5 (1709). Đến thời vua Gia Long (1802 – 1819), bảo ấn này được chọn làm báu vật truyền ngôi của vương triều Nguyễn.
|
Ấn vàng “Đại Việt Quốc Nguyễn Chúa vĩnh trấn chi bảo”. Ảnh: Quốc Lê. |
Về tổng thể, ấn có hình vuông, chiều cao cả quai 6,3 cm, cạnh 10,84 cm, dày 1,10 cm, có quai đúc theo hình tượng lân vờn ngọc, đầu quay về trái. Mặt ấn đúc nổi 9 chữ triện phong cách thế kỷ 17 – 18, nét chữ vuông vức uốn nhiều góc, nội dung là "Đại Việt Quốc Nguyễn Chúa Vĩnh Trấn chi bảo". Dịch nghĩa: Bảo vật của Chúa Nguyễn nước Đại Việt trấn giữ lâu dài.
Trong 300 năm tồn tại, bảo ấn “Đại Việt Quốc Nguyễn Chúa vĩnh trấn chi bảo” đã thất lạc nhiều lần trong các cuộc chiến tranh, từng lưu lạc tới tận Thái Lan cùng chúa Nguyễn Ánh. Các nhà nghiên cứu đánh giá đây là một bảo vật vô giá của tiền nhân để lại.
2. Ấn vàng "Quốc Gia Tín Bảo"
Được đúc vào thời vua Gia Long, ấn vàng "Quốc Gia Tín Bảo" được coi là chiếc ấn có uy lực nhất đối với quân đội nhà Nguyễn. Chiếc ấn này được dùng cho các văn kiện triệu tập các tướng lĩnh, phát động binh sĩ, trưng binh nhập ngũ và các văn kiện hành chính quan trọng.
|
Ấn vàng "Quốc Gia Tín Bảo". Ảnh: Quốc Lê. |
Theo đo đạc, ấn có hình vuông cạnh 11,7 x 11,7 cm, cao 9 cm, dày 1,65 cm. Núm cầm đúc hình rồng năm móng ngậm ngọc. Hình tượng rồng được chế tác rất tỉ mỉ trong từng chi tiết. Mặt ấn khắc bốn chữ “Quốc gia tín bảo” khắc theo lối triện thư, nét chữ ngắn, dễ đọc.
Có thể nói, ấn Quốc gia tín bảo là một hiện vật đặc sắc phản ánh cách thức vận hành của nền hành chính trong quân đội thời nhà Nguyễn. Bên cạnh đó, chiếc ấn này còn mang nhiều giá trị tiêu biểu về mỹ thuật, kỹ thuật chế tác kim hoàn của nghệ nhân Việt xưa.
3. Kim sách niên hiệu Gia Long thứ 5 (1806)
Kim sách (sách bằng vàng) là loại hình cổ vật đặc biệt quý giá của nhà Nguyễn. Trong các kim sách hiện tồn, cuốn kim sách niên hiệu Gia Long thứ 5 (1806), ghi lại việc lên ngôi của vua Gia Long được đánh giá là có lời văn hay bậc nhất.
|
Kim sách niên hiệu Gia Long thứ 5 (1806). Ảnh: Quốc Lê. |
Quay về với thời điểm hơn hai thế kỷ trước, vào tháng 5 năm Bính Dần (1806), vua Gia Long (1762-1820) lên ngôi Hoàng đế ở điện Thái Hòa, Huế. Nhân dịp trọng đại này, bá quan văn võ đã dâng sách vàng ròng ca tụng công lao của ngài. Kim sách có đoạn ghi: "...Lớn thay nước Việt ta, từ xưa trấn giữ phương Nam, tiên vương mở rộng cơ đồ công đức tích lũy, như trời cao vô cùng. Liệt thánh hết sức chăm lo, ơn huệ sâu dày, cho người nhớ mãi...".
Theo quy định của triều đình, kim sách dành cho vua làm chín tờ bằng vàng mười tuổi, hai tờ trước, sau khắc rồng, mây, bảy tờ giữa sách văn; dài sáu tấc ba phân, ngang ba tấc sáu phân, dày hai li; bốn khuyên tròn bằng vàng.