Trần Hành Triết là một nhân vật lỗi lạc trong lịch sử Trung Quốc hiện đại và được tôn vinh vì những đóng góp sâu sắc của bà cho Văn học cũng như sự lãnh đạo trong Phong trào Văn hóa Mới. Bà là nữ nhà văn đầu tiên và là nữ giáo sư đầu tiên trong lịch sử hiện đại Trung Quốc, theo Website Bảo tàng Lịch sử Đại học Thanh Hoa.
Thách thức quy ước thông thường
Trần Hành Triết sinh năm 1890 tại huyện Vũ Tiến, tỉnh Giang Tô. Cha mẹ khuyến khích bà đi theo truyền thống học giả của gia đình nhưng bà gặp phải một số vấn đề nên không thể theo học chính thức tại một ngôi trường.
|
Trần Hành Triết khi còn trẻ. |
Thời còn trẻ, Hành Triết chịu ảnh hưởng sâu sắc từ người chú từng du học ở nước ngoài- người rất quan tâm đến khoa học và công nghệ phương Tây, đặc biệt là y học. Năm 13 tuổi, bà theo chú đến Quảng Châu để học trường y nhưng không được nhận vì chưa đủ 18 tuổi. Năm 1911, Hành Triết đến Thượng Hải và theo học tiếng Anh tại Trường Nữ sinh Yêu nước.
Năm 17 tuổi, cha gọi bà về và bàn về việc đính hôn cho con gái. Không chấp nhận việc “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, bà đã chuyển sang sống cùng với dì ruột. Dì cũng giúp Hành Triết tìm kiếm một công việc để tự lập kiếm tiền.
Khi biết ĐH Thanh Hoa tổ chức các kỳ thi ở Thượng Hải để gửi sinh viên ra nước ngoài học tập, bà đã đăng ký theo học tại đây.
Bất chấp sự miễn cưỡng ban đầu của chính phủ Trung Quốc trong việc gửi nữ sinh ra nước ngoài, bà đã xuất sắc vượt qua kỳ thi vào năm 1914 cùng với 10 phụ nữ khác. Hành Triết trở thành thế hệ nữ sinh đại học Trung Quốc đầu tiên được chọn để sang Mỹ du học.
Tại đây, bà đã nghiên cứu lịch sử phương Tây và theo học tại ĐH Phụ nữ Vassar (New York), lấy bằng cử nhân văn học năm 1918. Sau đó, bà tiếp tục theo học tại ĐH Chicago và lấy bằng thạc sĩ văn học Anh năm 1920.
Nữ giáo sư đầu tiên của Trung Quốc
Tháng 9/1920, Trần Hành Triết trở về Trung Quốc. Bà được tuyển dụng làm giảng viên dạy môn Lịch sử phương Tây và đảm trách các khóa học tiếng Anh tại ĐH Bắc Kinh nhờ chính sách tuyển dụng cởi mở. Bà đã trở thành nữ giáo sư đầu tiên tại ĐH Bắc Kinh và là nữ giáo sư đầu tiên ở Trung Quốc.
Ngay từ khi du học, Trần Hành Triết cũng xuất bản những bài thơ gây được tiếng vang. Ý thơ tao nhã và mang phong cách đối thoại đã ghi dấu ấn sâu sắc trong nền tảng văn học Trung Quốc, đặc biệt là bài “Kênh đào và sông Dương Tử”.
|
Trong chuyến thăm ĐH Cornell năm 1916, Trần Hành Triết gặp người chồng tương lai của mình |
Trần Hành Triết cũng rất quan tâm và tích cực ủng hộ phong trào nữ quyền. Bà từng chỉ trích hiện tượng phụ nữ thời đó lấy chồng phải đổi họ nhà chồng. Sau khi Chiến tranh chống Nhật bùng nổ, Trần Hành Triết đến Tứ Xuyên cùng với chồng và làm giáo sư tại ĐH Tứ Xuyên.
Trong thời gian này, bà liên tục đăng các bài báo trên Tạp chí Độc lập, chỉ trích tình trạng tham nhũng ở Tứ Xuyên, đặc biệt là hiện tượng nữ sinh lúc bấy giờ ganh đua làm vợ lẽ của các nhân vật thượng lưu với lý do “thà được làm vợ lẽ của các nhân vật thượng lưu, vợ lẽ của một anh hùng hơn là vợ của một người tầm thường”.
|
Trần Hành Triết cùng chồng cũng là GS và hiệu trưởng ĐH Tứ Xuyên |
Zhang Li, giáo sư tại ĐH Sư phạm Bắc Kinh, nhận xét về Trần Hành Triết: “Những cô gái sinh vào cuối thời nhà Thanh sẽ luôn phải đối mặt với nhiều sự lựa chọn liên quan đến số phận của mình trong cuộc đời. Ví dụ như có nên bó chân hay không, có nên đến trường hay không, nên kết hôn theo ý muốn của cha mẹ hay không?
Nhờ trí thông minh bẩm sinh và sự nhanh nhạy của mình, Trần Hành Triết đã học cách tự đưa ra quyết định ngay từ khi còn trẻ và mọi quyết định bà đưa ra đều hướng tới sự tiến bộ. Đây cũng chính là lý do khiến bà sớm vươn tới đỉnh cao học thuật và hoàn thành những bước biến đổi đáng kinh ngạc đó”.
Sau khi nước Trung Quốc mới được thành lập, Trần Hành Triết là thành viên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân thành phố Thượng Hải. Năm 1976, bà qua đời vì bệnh viêm phổi ở tuổi 86.
Nhạy cảm và thông minh, bằng nỗ lực của bản thân, cuối cùng bà cũng có thể thoát khỏi xiềng xích của chế độ phong kiến và tìm được sự nghiệp, tình bạn và tình yêu ở bên kia đại dương. “Đừng lo lắng về số phận của mình, đừng phàn nàn về số phận của mình, bạn phải tự tạo ra số phận của mình”, nữ GS đã từng nói, theo China News.
Cuộc đời và sự nghiệp của Trần Hành Triết là minh chứng cho sức mạnh biến đổi của việc theo đuổi trí tuệ, ủng hộ cải cách xã hội và di sản lâu dài của những người dám thách thức quy ước. Là một nhà văn tiên phong, một nhà lãnh đạo trong Phong trào Văn hóa Mới và là nữ giáo sư đầu tiên tại một trường đại học Trung Quốc, bà đã mở đường cho các thế hệ phụ nữ và trí thức tương lai ở Trung Quốc.