Họ là những mỹ nhân Hà Thành được mệnh danh là giai nhân Việt xưa, bởi vẻ đẹp nức tiếng thời đó. Phụ nữ Việt xưa dù nghèo khó nhưng vẫn nổi tiếng khắp Đông Dương bởi nét đẹp thanh tao và hiền dịu. Đặc biệt là những người phụ nữ Hà Nội cổ xưa, họ có được làn da trắng mịn màng và khuôn mặt nhỏ nhắn, dịu dàng mà kiêu sa.
Trong số rất nhiều phụ nữ đẹp đó, những cái tên vẫn được nhiều người nhắc tới cho đến bây giờ đó chính là bà Phượng Hàng Ngang; Hoa hậu đầu tiên của Việt Nam - bà Thu Trang; bà Bạch Thược; bà Nghiêm Thúy Băng và bà Đỗ Thị Bính.
Bà Vương Thị Phượng (Cô Phượng Hàng Ngang)
Vương Thị Phượng là con gái cưng của thương gia Vương Toàn Thắng, một nhà buôn bán tơ lụa giàu có ở phố cổ.
Đã có không ít văn nhân, ký giả đương thời khi được diện kiến cô Phượng đã phải thốt lên: "Tây Thi khiếp vía, Hằng Nga giật mình ". Nhưng cuối cùng cô Phượng lại lấy chồng hạng công tử "tốt mã giẻ cùi" ở Hàng Ngang, nghiện cờ bạc, rượu chè có tính ghen tuông, thường đánh cô và đòi ly dị.
Cô Phượng đã trải qua nhiều cuộc tình không theo ý mình, cùng những cảnh ngộ đau thương và bi kịch được người đời ví như nàng Kiều của phố cổ Hà Nội. Cô qua đời tại nhà thương làm phúc. Đám tang cô chỉ có một người tình cũ rủ lòng thương, khắc cho cô một tấm bia đề: "MỘ NGƯỜI BẠC MỆNH VƯƠNG THỊ PHƯỢNG"
Hoa hậu Thu Trang (hoa hậu đầu tiên của Việt Nam)
Bà tên là Công Thị Nghĩa (tức Thu Trang), sinh năm 1932, quê gốc Hà Nội. Học xong cấp tiểu học, bà Nghĩa theo gia đình vào Sài Gòn sinh sống. Ngày 20-5-1955, nhân lễ kỷ niệm Hai Bà Trưng, tại rạp LIDO bà đã xuất sắc vượt qua hàng loạt nhan sắc giành vương miện Hoa Hậu đầu tiên ở Việt Nam. Bà có thân hình rất lý tưởng với chiều cao 1,61m cùng số đo 3 vòng là 86-62-88.
Bà Bạch Thược
Mang tên của một loài hoa đẹp, sinh năm 1935, bà là một trong những nhan sắc nức tiếng ở phố cổ Hà Nội thuở bấy giờ. Nhà bà ở phố Ngõ Trạm, Phùng Hưng. Lớn lên có vẻ đẹp thuần khiết, mang nhiều cá tính của cô gái Hà Nội, bà đã khiến bao chàng trai ngày đó mê mẩn.
Bà có năng khiếu văn nghệ, tham gia diễn nhiều vở của trường như "Quán Thăng Long", "Lý Chiêu Hoàng" nên vẻ đẹp của bà càng có dịp tỏa sáng. Năm nay đã 81 tuổi, nhưng nét đẹp sắc sảo mặn mà, đài các của một người con gái Hà Thành xưa vẫn còn vương lại trên khuôn mặt bà. Hiện bà sống một mình ở trong căn tập thể khu Nam Thành Công.
Bà Nghiêm Thúy Băng
Bà được thừa hưởng nhan sắc từ người mẹ, cũng là con của người đại tư sản thời đó. Cuộc sống giầu sang và nhan sắc rực rỡ của Thúy Băng đã khiến cho bao chàng trai tốt nghiệp bác sĩ, kỹ sư ở bên Pháp về phải si mê và cho người đến dạm ngõ nhưng Thúy Băng vẫn không rung động trước một ai.
Năm nay bà đã bước sang tuổi 86, nhưng gương mặt của bà vẫn còn lưu lại những nét đẹp xưa của một giai nhân Hà Thành. Đó là vẻ đẹp sang trọng, đài các và nền nã của một cô con gái được sinh ra trong gia đình giầu có. Bà hiện sống trong căn nhà nhỏ phố Yết Kiêu, ngôi nhà còn lưu giữ rất nhiều ký ức về người chồng tài hoa của bà.
Bà Đỗ Thị Bính (Cô Bính Hàng Đẫy)
Bà sinh năm 1915, ở ngôi nhà số 37 Hàng Đẫy (bây giờ đổi thành 67 Nguyễn Thái Học), bà là người đẹp được xếp vào cả 2 bảng phong thần. Bà là con nhà tư sản Đỗ Lợi, nhà thầu khoán thuộc hàng lớn nhất Hà Nội. Vì có thói quen mặc áo dài đen, giai nhân được nhà thơ đa tài Nguyễn Nhược Pháp thầm yêu trộm nhớ và đặt tên là " Người đàn bà áo đen ".
Là hình tượng mẫu người con gái trong bài thơ tuyệt tác, để lại cho đời sau "Chùa Hương", người đẹp cũng hiểu được tình cảm của công tử Nguyễn Nhược Pháp. Nhưng tình thì có mà duyên thì không, Nguyễn Nhược Pháp đột ngột ra đi ở tuổi 24, vào năm 1938. Sau khi Nguyễn Nhược Pháp mất được một năm, gia đình thuyết phục cô Bính lấy một chàng kỹ sư phong lưu mã thượng học ở Pháp về tên là Bùi Tường Viên, em trai út của Luật sư nổi tiếng Bùi Tường Chiểu.
Năm 1992, người đẹp Đỗ Thị Bính qua đời, hưởng thọ 77 tuổi
Bà Hồng Minh
Bà thuộc lớp giai nhân cuối cùng của Hà thành xưa mà nhan sắc từng tạo nên cơn sốt thập niên 70, 80 thế kỉ XX. Người ta không tiếc lời ca tụng có cánh dành cho bà: "Đôi mắt đốt cháy cả một binh đoàn, vẻ đẹp làm lu mờ người khác, nhan sắc có thể biến một người máu lạnh thành kẻ dở điên dở dại vì yêu".
Nhưng khác hẳn với những giai nhân đất Tràng An xưa mang nét đẹp chuẩn mực của sự dịu dàng, khuôn phép, người đẹp Hồng Minh dám đương đầu với dư luận để sống với bản năng thật của mình.
Với bà, đàn bà đẹp không nhất thiết phải khoác lên mình chiếc áo nghiêm túc và ngay ngắn. Bà quan niệm hút thuốc, uống rượu suy cho cùng cũng chỉ là một cách để giải thoát con người khỏi nỗi cô đơn, để tâm hồn được chạm đến cõi phiêu linh.