Xuân về - Tết đến, người người có nhiều điều để suy nghiệm, còn nhiều việc để làm. Tất cả để đón mừng năm mới. Mãi đến giờ phút trang trọng, thiêng liêng nhất là giây phút đón giao thừa. Dọn mình thật sạch, lắng hồn thật trong để tế cáo trời đất, kính trình tổ tiên. Thời khắc ấy, chợt nhớ lại đôi câu đối Tết của người xưa mà ngẫm nghĩ rồi tự vui chính mình.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Infonet. |
Trước tiên nghĩ đến danh nhân , dằng dặc giai thoại về cách ứng xử, quan hệ người với người, nhất là lúc cụ đã cáo lão mà vẫn day dứt nghĩa nước “Đề vào hai chữ trong bia/Rằng quan nhà Nguyễn cáo về đã lâu”. Mà thôi, hãy đến vời tình người của Nguyễn Khuyến, cùng “đùa vui hóm hỉnh” để học cái nhân hậu mà sâu sắc qua
câu đối:
Tứ thời bát tiết, canh chung thủy
Ngạn liễu đôi bồ, dục điểm trang.
Hiểu nôm na theo nghĩa Hán tự : bốn mùa tám tiết đi rồi trở lại. Dặm liễu, đám bồ muốn điểm trang (khoe sắc). Khí vị triết học như ngụ ý gì đây? Vòng tuần hoàn đất trời, xuân đi rồi xuân lại đến làm vạn vật bừng sáng, khai sinh sức sống mới tinh khôi sau những ngày đông giá. Lòng người vụt dậy niềm lạc quan năm mới, vận hội mới, hân hoan chúc tụng nhau mọi điều tốt lành. Bác học quá! Nhưng tương truyền câu đối này, Nguyễn Khuyến đề tặng cho người hàng xóm bán thịt lợn (?). Nếu thế thì có ý nghĩa gì đối với người được nhận? Té ra, còn lớp nghĩa thuần Việt (Nôm). Nếu không ngập ngừng vì dấu phẩy mà đi liền một mạch sẽ nhận ra : bát tiết canh – đôi bồ dục (quả cật). Chả là thường ngày hay thi thoảng, người hàng xóm thịt lợn mang sang biếu cụ để bày tỏ lòng kính trọng, thắt chặt tình làng nghĩa xóm, chuyện vui buồn đều chia sẻ nhau. Có đi có lại, trước sau như một, nghĩa tình thủy chung nên cụ mới tặng anh ta câu đối nhân dịp Tết đến là vậy. Chắc là vợ chồng anh thịt lợn vui lắm, hãnh diện lắm vì được bậc Đại thần tặng mình câu đối, gửi gắm nghĩa tình, quan tâm công việc thường ngày anh ta. Kể chi nhịp điệu, sá gì Hán tự. Chỉ biết rằng : bát tiết canh – đôi quả cật, thế là sung sướng lắm rồi! Thật hóm hỉnh mà sâu sắc đến tận cùng! Càng ngẫm nghĩ càng vui lây niềm vui người nhận – người cho. Càng thêm bội phần kính phục bởi “Trí”, “Tâm”, “Tình” của Tam Nguyên Yên Đổ: Hán với Nôm, triết học với đời thường, bác học với dân dã; vừa trịnh trọng vừa đùa vui thân tình. Tất thảy đều hòa hợp ở bậc đại quan khi trở về nơi “vườn Bùi chốn cũ”. Không biết hậu thế, mấy ai có được phong cách sống như Nguyễn Khuyến xưa?
Tiếp đến, không thể không tự cười vì cảm quan chính mình khi nghĩ về câu đối của nữ sĩ Hồ Xuân Hương:
Tối ba mươi, khép cánh càn khôn, đóng chặt lại kẻo ma vương đưa quỷ tới.
Sáng mồng một, lỏng then tạo hóa, mở toang ra cho thiếu nữ đón xuân vào.
Lại thêm một lần rối rắm về lớp nghĩa thanh tao trong “tục” mà không “tĩu” ở phong cách Bà Chúa thơ Nôm. Nghĩa hao hao như lời dặn, nhắc nhở, dặn mình hay nhắc nhở người đời: Cảnh đón xuân của người thiếu nữ. Hãy cẩn trọng, canh chừng “ kẻo ma vương đưa quỷ tới”. Hãy dọn mình thật trong, thật sáng để đón xuân sang. Nhưng sao cứ ỡm ờ, úp mở “cánh càn khôn”, “then tạo hóa” ban tặng người thiếu nữ(!) Dám đem cái “thiếu nữ” mà chống chọi với “ma vương”, dám đem thân nữ nhi mà sánh ngang trời đất. Đúng là “nổi loạn” là bứt tung khuôn khổ chật hẹp của người phụ nữ xưa để “mở toang ra” đón nhận cao rộng đất trời, vũ trụ. Người thiếu nữ trẻ trung với tâm hồn rộng mở cùng đất trời, tạo hóa mở lòng mình đến mọi người, bè bạn muôn nơi khắp chốn. Thật trong sáng, thật tràn trề sức sống, đáo để thật! Niềm hân hoan, rạo rực, phơi phới hồn người Việt đón xuân là vậy.
Cuối cùng, không quên nhắc đến ẩm thực, văn hóa mà không người Việt nào không biết đến:
Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ
Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh
Sắc màu trắng, xanh, đỏ trên bàn văn hóa ẩm thực thật bắt mắt, kích thích thị giác, vị giác. Nghe đâu các nhà dinh dưỡng kết luận rằng : món ngon mà lành vì cân đối thành phần dinh dưỡng (thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng). Điều phân vân người đời ngày nay : có còn nguyên “thịt mỡ” không, hay toàn là “siêu nạc, siêu thịt”(!). Văn hóa tâm linh: câu đối đỏ, tất nhiên, không luận bàn. Càng vui, ngày nay viết câu đối không chỉ riêng “ông đồ xưa” từ cửa Khổng sân Trình mà nhân rộng mọi thành phần, mọi giới. Hình ảnh “ông đồ trẻ” thảo những nét chữ thư pháp cũng thật tài hoa, mạch ngầm văn hóa vẫn duy trì phát triển, chảy mãi trong lòng dân tộc. Điều còn lưu luyến, vương vấn hình ảnh “cây nêu” ngày Tết đã khuất bóng. Xua đuổi “tà ma, quỷ dữ”, vừa khẳng định chủ quyền gia chủ hằng năm vẫn nhắc lại để cảnh báo thế lực “hắc ám” chỉ còn trong tiềm thức.
Trong câu chuyện rộn rã, vui vầy bên tách trà, chung rượu mừng xuân; gợi nhắc đôi câu đối Tết của người xưa, nhân hứng buông lơi vài câu đối thời hiện đại càng vui, càng thêm đậm đà hương vị Tết Việt là vậy…