Cung nữ đổi đời sau một đêm
Mọi mỹ nhân trong hậu cung đều tìm mọi cách lấy lòng hoàng đế, đặc biệt là các cung nữ, nô tì có thân phận thấp hèn bởi chỉ cần một lần được hầu hạ vua, nếu may mắn, cuộc đời họ sẽ thay đổi mãi mãi.
Cuộc đời cung nữ Vạn Lưu Ha Thị chính là minh chứng rõ ràng nhất cho điều đó. Vạn Lưu Ha Thị hay còn gọi là Ngõa Lưu Cáp Thị sinh năm Thuận Trị thứ 18 (1661). Gia tộc của bà nhiều đời làm việc cho Nội vụ phủ, chuyên lo việc ẩm thực và chuẩn bị các bữa ăn trong hoàng cung.
Vào năm Khang Hy thứ 14 (1675), Vạn Lưu Ha Thị được tuyển vào cung với thân phận cung nữ. Theo Sohu, Vạn Lưu Ha Thị có nhan sắc ưa nhìn, không quá xinh đẹp nhưng tính cách lại dịu dàng, ôn nhu, tận tụy.
Có lẽ, chính điều này đã khiến Khang Hy rung động rồi triệu kiến và sủng ái nàng một đêm. May mắn hơn nữa, chỉ một đêm ân ái với vua, Vạn Lưu Ha Thị mang thai rồi sinh hạ được một hoàng tử khỏe mạnh, khôi ngô tuấn tú, giúp bà rũ bỏ thân phận cung nữ để trở thành vợ vua.
Tuy nhiên, lúc này Vạn Lưu Ha Thị vẫn chưa được sắc phong chính thức. Vào thời Khang Hy, trong hậu cung, cũng có nhiều mỹ nhân dù đã được Khang Hy ân ái, nhưng cũng chưa được sắc phong, không có danh phận chính thức.
Mãi cho tới khi Vạn Lưu Ha Thị 57 tuổi, Khang Hy muốn sắc phong cho 6 người trong hậu cung, tuổi từ 40 – 60, sinh được hoàng tử, Vạn Lưu Ha Thị thì mới có được danh phận Định tần – một trong 4 phân vị thấp nhất trong hậu cung nhà Thanh.
Không được sủng ái, nhưng hưởng cuộc sống an yên
Việc Vạn Lưu Ha Thị không được Khang Hy ban cho danh phận chính thức dù sinh được con trai được cho là vì bà không được hoàng đế nhà Thanh sủng ái.
Khang Hy đương thời, không kể hoàng hậu là chính thê, vốn đã có tứ đại sủng phi, theo thứ tự sủng ái được gọi là “Huệ Nghi Vinh Đức” (Huệ phi, Nghi phi, Vinh phi, Đức phi). Những mỹ nhân này đều nổi tiếng có nhan sắc diễm lệ, “khuynh nước khuynh thành”. Trong khi đó, Định tần chỉ có nhan sắc trung bình và cũng không có tài năng gì nổi bật nên đã tránh xa cuộc chiến "tranh sủng" chốn hậu cung.
Tính cách bà cũng rất ôn hòa, an phận không biết lấy lòng Khang Hy, nên ông hoàng này cũng ít lui tới với bà. Vạn Lưu Ha Thị vì thế chỉ sinh được duy nhất một mụn con trai với Khang Hy là hoàng tử Dận Đào.
Tuy nhiên, có lẽ nhờ an phận nên dù không được Khang Hy sủng ái, song Định tần vẫn có cuộc sống yên ổn trong hậu cung.
Sau này hoàng tử Dận Đào được phong làm Lý Ý thân vương mà Định tần cũng được phép xuất cung, an hưởng những năm cuối đời bên trong vương phủ của con trai. Sau khi Khang Hy mất, Ung Thân vương Dận Chân kế vị, lấy hiệu là Ung Chính đế, Định tần được sắc phong thành Định Phi.
Có thể nói, so với nhiều phi tần khác, nàng Vạn Lưu Ha Thị đã có một cuộc sống hạnh phúc, viên mãn với con cháu sum vầy.
Có lẽ chính vì vậy, Định tần sống thọ tới 97 tuổi, trở thành phi tần có tuổi thọ cao nhất trong lịch sử nhà Thanh. Trong khi đó, Lý Ý thân vương qua đời năm 79 tuổi và cũng là người sống thọ nhất trong số các hoàng tử của hoàng đế Khang Hy.