Trên thực tế, tục ngữ là những đúc kết kinh nghiệm, văn hóa từ xưa đến nay và được truyền từ đời này sang đời khác. Từ đó, nó trở thành một số quy tắc mà mọi người ngầm đồng thuận với nhau, họ ngầm hiểu nhau và tuân thủ các câu tục ngữ đó một cách rất cẩn thận, nhằm đảm bảo cuộc sống được thuận lợi. Tục ngữ thông thường bao gồm rất nhiều khía cạnh, chẳng hạn như kinh nghiệm sống, quy luật thời tiết, mối quan hệ người thân và bạn bè, v.v..
Trong đó có một câu tục ngữ như thế này, "trên bàn không nên bày 3 món ăn", rất đáng để chúng ta học tập và lưu tâm. Rốt cục, "3 món" trong câu tục ngữ này ám chỉ 3 món gì? Và tại sao người xưa lại nói như vậy? Nếu như tỉ mỉ xem xét thì sẽ phát hiện ra đạo lý ở trong đó.
"Trên bàn ăn không bày ba món", câu tục ngữ này không phải đề cập cụ thể đến món nào không được bày, mà ý của nó là khi mời người thân, bạn bè dùng bữa, cần chú ý đến số lượng món ăn chúng ta bày lên bàn. Không được phép dùng số lẻ để bày các món ăn và đặc biệt là số 3. Vì điều đó có nghĩa là người thân ly tán, cô độc cô lập, lẻ loi hiu quạnh, vận xấu liên miên. Cho nên, khi chiêu đãi khách khứa, bạn bè, tốt nhất nên bày các món ăn thành số chẵn như 6, 10 hoặc 12 trên bàn.
Liên quan đến số lượng món ăn trên bàn, người xưa thích số chẵn hơn, vì những điều tốt đẹp nên đi theo cặp, có nghĩa là những điều tốt lành sẽ luôn nối tiếp nhau xảy ra và lặp đi lặp lại, vận may ào tới, vẹn cả đôi đường. Số chẵn tượng trưng cho sự cân bằng và hài hòa âm dương, sự may mắn, hạnh phúc và viên mãn. Đây cũng là kỳ vọng của người xưa về một tương lai tốt đẹp. Số lượng món ăn trên bàn về cơ bản là tuân theo quy tắc này.
Vậy thì, một số người sẽ hỏi: "Tại sao người xưa lại vô cùng cấm kỵ số 3 mà không phải là số 5,7 hay 9?". Hóa ra số 3 này có một ý nghĩa rất đặc biệt, đó là vì số 3 có nguồn gốc sâu xa đối với văn hóa lâu đời của nước ta. Số 3 thường xuất hiện trong các hoạt động tế lễ của người xưa, mang không khí trầm buồn, số 3 còn được dùng trong việc hiếu hỉ, tiệc vui buồn, ma chay cưới hỏi chứ không chỉ dùng riêng cho hỷ sự.
Ban đầu, đồ tế tự dùng để cúng trời đất, người ta chỉ chọn 3 món để bày cúng. Sau này, nó còn được dùng để cúng cho người chết, người ta sẽ đặt 3 bát thức ăn lên bàn thời, hoặc trước mộ, hai bên hoặc ngay bên dưới quan tài, theo hình tam giác. Cứ thế, phong tục tập quán này đã dần hình thành, 3 bát thức ăn xếp thành hình tam giác chỉ được dùng để cúng tổ tiên.
Hơn nữa, "số 3" này còn thường được dùng để dâng hương trong chùa, vì ba nén hương tượng trưng cho ba tầng, ba cõi trời, đất và con người. Đó là một loại hình thờ cúng đặc biệt, nhằm thể hiện sự thành kính tột độ của con người đối với thiên địa thần phật, vì thế nó không nên được sử dụng cho người thân và bạn bè trong cuộc sống thường ngày.
Có thể thấy, số 3 đã mang đậm màu sắc văn hóa tế lễ và đã hòa nhập vào mọi mặt đời sống của chúng ta. Vì vậy, khi mời họ hàng, bạn bè dùng cơm, chúng ta nên hết sức lưu ý không nên bày 3 món lên bàn, điều này giống như là đang cúng tế họ vậy, đối với khách mà làm thế thì sẽ rất bất lịch sự, khiến họ cảm thấy bản thân như đang bị trù ẻo. Khi đó, hai bên sẽ nảy sinh hiềm nghi, xa cách, trong lòng mang khúc mắc, không còn thiết tha, đối xử thẳng thắn với nhau như xưa.
Suy cho cùng, mục đích mời khách ăn tối là để kéo gần khoảng cách với nhau, nhân đôi tình hữu nghị, nếu bày 3 món ăn lên bàn sẽ khiến người thân, bạn bè cảm thấy như đang bị "cúng tế", họ sẽ tưởng bạn đang chửi xéo họ là cô hồn. Nếu như vậy thật thì đúng là có tâm làm chuyện tốt lại thành ra phá hoại.
Nói về phương diện văn hóa ẩm thực thì có rất nhiều chi tiết, nên các bạn cần phải chú ý nhiều hơn. Vì sao chúng ta cần phải chú ý tiểu tiết? Bởi vì những người giỏi xã giao và sử dụng tốt các mối quan hệ nhân sinh hầu như đều giỏi chú ý đến các tiểu tiết, vì việc này phản ánh sự quan tâm và đối xử chân thành của họ đối với mối quan hệ đó.
Như câu "trên bàn không bày ba món ăn", nó nhắc nhở chúng ta rằng không nên cẩu thả trong các tiểu tiết và làm những việc vô ý tứ khiến mọi người cảm thấy như bị xúc phạm.