Nhắc tới các cơ quan mật vụ của Minh triều, nhiều người sẽ nhớ ngay tới những tổ chức khét tiếng như Cẩm Y Vệ, Đông Xưởng hay Tây Xưởng.
Thế nhưng ít ai biết rằng, vương triều ấy thực tế vẫn còn một cơ quan mật vụ sở hữu quyền thế vượt xa cả những tổ chức nói trên.
Mặc dù thời gian tồn tại tương đối ngắn ngủi, thế nhưng cơ quan này đã từng trở thành nỗi ám ảnh của quan dân nhà Minh và thậm chí còn từng đoạt mạng tới mấy ngàn người.
Tổ chức bí ẩn và đáng sợ ấy được sử sách ghi lại với tên gọi là Nội Hành Xưởng.
Hai nhân vật chủ chốt liên quan tới sự ra đời của Nội Hành xưởng
Ngay từ thuở khai quốc, Minh triều đã thiết lập hệ thống tư pháp tương đối hoàn thiện, bao gồm các cơ quan chủ chốt như Hình bộ, Đô Sát viện, Đại lý tự…
Tuy nhiên bộ máy này vẫn chưa khiến cho các Hoàng đế nhà Minh hài lòng và yên tâm. Vì vậy họ còn thiết lập thêm hàng loạt cơ quan mật vụ như Cẩm Y vệ, Đông xưởng hay Tây xưởng.
Thế nhưng trong số các "xưởng vệ" này, còn có một tổ chức có tên gọi là Nội Hành xưởng.
Ít ai có thể tưởng tượng được rằng, dù sở hữu thời gian tồn tại tương đối ngắn ngủi, thế nhưng Nội Hành xưởng thậm chí còn có quyền hành lấn át cả Đông xưởng, Tây xưởng hay cả Cẩm Y vệ.
Liên quan tới sự tồn tại và biến mất của tổ chức nói trên, không thể không kể tới hai nhân vật chủ chốt. Đó là Minh Vũ Tông Chu Hậu Chiếu và thái giám khét tiếng Lưu Cẩn.
Năm xưa, chính Minh Vũ Tông là người đã thành lập Nội Hành xưởng. Sau đó cũng chính ông lại ra lệnh giải tán tổ chức đặc vụ này.
Về phần Lưu Cẩn, đại thái giám khét tiếng nhà Minh một thời ấy năm xưa vốn là thủ lĩnh cao nhất của Nội Hành xưởng.
Theo ghi chép của các nguồn sử liệu, Nội Hành xưởng được thành lập vào tháng 8 năm Chính Đức thứ ba.
Trước mốc thời gian này, Minh Vũ Tông đã có đủ trong tay Tây xưởng, Đông xưởng và Cẩm Y vệ.
Vậy lý do nào khiến vị Hoàng đế ấy còn cất công thiết lập thêm một cơ quan mật vụ nữa? Nguyên nhân của việc này có liên quan trực tiếp tới thái giám Lưu Cẩn.
Khi Minh Vũ Tông tại vị, bên cạnh ông có 8 đại thái giám được tín nhiệm hơn cả. Những người này được gọi với cái tên "Bát hổ", và Lưu Cẩn cũng nằm trong số đó.
Mặc dù đều là những hoạn quan thân tín bên cạnh nhà vua, thế nhưng bản thân hàng ngũ "Bát hổ" lại tồn tại không ít mâu thuẫn nội bộ.
Theo sự bổ nhiệm khi đó, Mã Vĩnh Thành phụ trách trông coi Đông Xưởng, Cốc Đại Dụng quản lý Tây Xương, còn Lưu Cẩn nắm trong tay Ti Lễ giám.
Ba người này thường xuyên xảy ra xích mích, hơn nữa Lưu Cẩn chỉ nắm trong tay một cơ quan là Ti Lễ giám, không được kiêm nhiệm vị trí quản lý Đông xưởng và Tây xưởng, vì vậy quyền hành đương nhiên bị áp chế.
Sau đó, lợi dụng sự tín nhiệm của Minh Vũ Tông dành cho mình, thái giám họ Lưu này đã xin Hoàng đế thành lập một cơ quan mật vụ mới. Nội Hành xưởng cũng vì vậy mà ra đời.
Quyền hành lấn át, ra tay tàn độc, Nội Hành xưởng trở thành nỗi ám ảnh của cả Minh triều
Vậy vì sao một tổ chức sinh sau đẻ muộn như Nội Hành xưởng lại có thể vượt mặt lấn át Đông xưởng, Tây xưởng và cả Cẩm Y vệ?
Lý do mấu chốt là bởi cơ quan này không chỉ giám sát nhân dân mà còn giám sát các tổ chức mật vụ còn lại.
Kể từ khi Nội Hành xưởng ra đời, Lưu Cẩn bắt đầu quyền khuynh triều đình. Tổ chức ấy sau khi thành lập cũng đã tạo ra một tiền lệ trước nay chưa từng có.
Đó chính là lối xử phạt theo kiểu "luật rừng":
"Bất luận tội nặng hay nhẹ cùng đều bị phạt đánh bằng trượng, bị điều đi trấn thủ biên cương vĩnh viễn hoặc phải đeo gông cùm đi lưu đày".
Thế nhưng điều đáng nói nằm ở chỗ, gông cùm của Nội Hành xưởng sở hữu cân nặng vô cùng đáng sợ. Nếu chiếu theo đơn vị đo lường cổ, những thứ đồ này có thể lên tới 150 cân.
Cũng bởi vậy mà rất nhiều người bị xử án đeo gông cùm đi lưu đày đã chết trên dọc đường vì không chịu nổi.
Chưa dừng lại ở đó, Lưu Cẩn còn lợi dụng Nội Hành xưởng để đả kích những kẻ chống đối, hãm hại những quan viên chính trực và bách tính trăm họ. Sử sách ghi lại, chỉ vẻn vẹn trong một thời gian ngắn, quan lại, quân dân chết dưới tay tổ chức này một cách phi pháp đã lên tới con số hàng ngàn.
Những hành vi bất nhân của Lưu Cẩn và cơ quan nói trên đã khiến cho không ít đại thần bất mãn. Vì thế họ đều âm thầm chờ cơ hội để lật đổ Nội Hành xưởng.
Tới năm Chính Đức thứ 5, Ninh Hạ xảy ra phản loạn. Triều đình phái Dương Nhất Thanh và Trương Vĩnh đem quân đi bình định.
Sau khi phản loạn bị diệt, Trương Vĩnh trở về kinh thành đã vạch tội Lưu Cẩn và Nội Hành xưởng với nhà vua.
Minh Vũ Tông vô cùng giận dữ, đã hạ chiếu xử Lưu Cẩn án lăng trì. Cơ quan mật vụ khét tiếng là Nội Hành xưởng từ đây cũng chính thức biến mất trong lịch sử.