Lê Thánh Tông viết truyện liêu trai: “Người chồng dê”
Không chỉ là một minh quân tài ba mà Lê Thánh Tông còn là một nhà thơ, nhà văn có tiếng với nhiều tác phẩm có giá trị, tuy nhiên do những biến động của lịch sử nên nhiều trước tác của ông đã bị thất tán, mất mát.
Trong số những tác phẩm văn học cổ Việt Nam còn lưu giữ được đến ngày nay, có tập Thánh Tông di thảo, người ta cho rằng đây là tác phẩm của người đời sau cóp nhặt những bài viết, truyện ký của Lê Thánh Tông tản mát còn sót lại trong dân gian nên mới có tên gọi như vậy. Tập sách này gồm nhiều câu chuyện có màu sắc ly kỳ, huyền ảo, hư hư thực thực, trong số đó có “Dương phu truyện” (truyện người chồng dê).
|
Cô gái và chú dê. Tranh cắt giấy dân gian. Nguồn: Cnculture. |
Truyện kể rằng có cô gái tuổi khoảng 21, nhân lễ Thanh minh đi thăm mộ mẹ, lúc về gặp một con dê lông trắng như tuyết cứ bám theo, xua đuổi đi cũng không được. Thấy dê đẹp lại sạch sẽ nên cô gái giữ dê lại để nuôi. Một hôm dê biến thành người con trai tuấn tú, kể rằng mình vốn là viên quan trên trời, lỡ tay đánh vỡ viên ngọc sa kim nên bị Ngọc hoàng đày xuống trần gian làm kiếp dê, vì có tiền duyên với cô gái, nay gặp lại nên mới theo về sống cùng.
Từ đó hai người ở với nhau như vợ chồng nhưng không ai biết vì ban ngày chàng trai ở lốt dê, đêm đến mới hiện hình người, cứ thế trong khoảng 3 năm. Một đêm chàng trai nói rằng Ngọc Hoàng đã giảm tội nên đã gọi mình về trời, cô gái buồn bã khóc mãi không thôi. Chàng trai bèn đưa cho cô gái một viên thuốc và dặn khi nhớ thì ra sân đọc bài khấn thì chàng sẽ đến, nói xong thì biến mất. Trong khoảng 4 tháng, cô gái làm theo đều thấy hiệu nghiệm, nhưng sau cô ốm nặng mới gọi chú họ đến kể lại mọi chuyện, xong rồi mất. Lúc đưa đám, trong quan tài có tiếng nhảy nhót, mọi người mở ra thì thấy một con ngỗng vàng ngậm cành hoa bay lên trời.
Chuyện sứ thần Đại Việt được vua Minh ban áo thêu dê thần
Chính sử viết rằng, đời Lê Hiến Tông trị vì, nhà vua đã cử một số sứ thần sang phương Bắc giao hiếu, họ đều là những người tài giỏi, đem lại quốc thể, sự vẻ vang cho quốc gia, trong số đó có Quách Hữu Nghiêm (đỗ Hoàng giáp năm Bính Tuất- 1466).
Khi đóng vai trò là Chánh sứ, Quách Hữu Nghiêm đã đem văn thơ ra thể hiện, vua Minh xem xong khen ông là nhân tài sánh với đời Tam Đại, lại ban yến hậu thưởng, cho một chiếc áo quan bậc tam phẩm màu hồng, trước ngực và sau lưng đều thêu hình con dê thần (giải trãi) giữa đám mây thêu kim tuyến.
|
Tranh vẽ một sứ quan mặc triều phục. Ảnh: Vanhien. |
Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư, sự kiện này diễn ra vào ngày mồng 9 tháng giêng năm Qúy Hợi (1503), lúc phái đoàn sứ bộ Đại Việt do Quách Hữu Nghiêm dẫn đầu vào cung từ biệt vua Minh để về nước, “vua Minh sai bọn Tây di đô đốc đại thông sự Cẩm y vệ đô chỉ huy sứ Dương Tông tuyên truyền thánh chỉ rằng: “Ban cho Quách Hữu Nghiêm chiếc áo đại hồng hoa mây dệt giải trãi bằng kim tuyến, 4 tấm lụa bằng sợi gai, 3 tấm lụa tơ chín. Lại sai bọn Binh bộ thượng thư Tăng Dật phụng sao thánh chỉ rằng: “Cấp cho Quách Hữu Nghiêm một chiếc thuyền đi nhanh”.
Khi được ban thưởng, sứ thần Đại Việt đã làm thơ tạ ơn như sau:
Tằng nhân quốc sự cống trân phong,
Tảo yến thao bồi ngọc bệ trung.
Trại thái dĩ chương tam phẩm phục,
Ích chu tái giá bát hoang phong.
Thi từ tiếu phạp khoan như hải,
Tửu lực na kham ẩm tự hồng.
Phúc thọ nghĩ đồng Chu nhã chúc,
Thăng hằng nhật nguyệt chiếu lâm công.
Nghĩa là:
Nhân sang cống hiến tạ ơn phong,
Rạng rỡ thao bồi yến bệ trung.
Áo trãi đã nêu tam phẩm quý,
Buồm mây lại vượt tám phương thông.
Lời thơ biển cả khôn bì rộng,
Sức rượu cầu vồng dám đọ hùng.
Phúc thọ sáng cùng Chu nhã chúc,
Bóng gương nhật nguyệt sáng soi chung.
|
Hình tượng giải trãi trên bố tử trong triều phục thời Minh. Ảnh: Temviet.com. |
Vua Minh Mạng làm bài thơ tả con dê lạ có 4 sừng
Trong các tác phẩm thơ ca xưa, hình ảnh con dê ít được nhắc đến; có thể nói rằng sáng tác dân gian đã ít (ngoại trừ ca dao, vè) thì trong bút pháp của quan lại, vua chúa lại càng hiếm hoi những vần thơ mô tả, bình luận về dê.
Tuy ít nhưng không phải là không có, như vào thời Nguyễn, vị hoàng đế thứ hai của triều đại này là Minh Mạng, một người giỏi thơ văn, ưa thích sáng tác cũng có một vài bài thơ về dê. Trong số những bài thơ về dê ấy, vua Minh Mạng có sáng tác một bài khá độc đáo với tiêu đề là “Vịnh tứ giác dương”, nghĩa là vịnh con dê bốn sừng.
Bài “Vịnh tứ giác dương” được in trong Ngự chế thi tập ở phần Ngự chế thi sơ tập quyển số 9 có nội dung như sau:
Tứ giác chi dương vô túc xưng,
Thành Chu thịnh thế kỉ hưu trưng.
Phất như giải trãi gian tà xúc,
Hà tất đồ sinh lưỡng giác tăng.
Dịch nghĩa là:
Con dê bốn sừng chẳng lấy gì để nói,
Thời thịnh Chu Thành vương ứng rõ điềm lành.
Như giống dê thần húc kẻ gian xảo,
Hà tất uổng phí sinh thêm hai sừng.
Dịch thơ là:
Dê bốn sừng kia chẳng nên bàn,
Thành Chu thịnh thế nghiệm rõ ràng.
Ắt hẳn dê thần trừ gian xảo,
Cần chi phát tiết mọc thêm sừng.
Trong bài thơ này, vua Minh Mạng còn chú thích thêm ở dưới, ông cho biết có Nguyễn Văn Chương từ nước Tây Dương mang về con dê có 4 sừng dâng lên vua. Con dê này giống như dê thường, nhưng khác ở chỗ dưới hai sừng lớn, lại mọc thêm hai sừng nhỏ; mọi người xem đều cho là lạ, coi đó là điềm lành.
Theo Minh Mạng, dê có bốn sừng tuy hiếm nhưng trong thư tịch cổ thời xưa đã có nói đến chuyện này rồi, sách Uyên giám loại hàm cho biết rằng vào đời thịnh trị dưới triều Chu Thành Vương có người dâng con dê bốn sừng được coi là điềm lành. Vì thế Minh Mạng không nỡ giao con dê lạ đó cho nhà bếp làm thịt mà giữ lại để nuôi với mục đích để tăng thêm sự hiểu biết cho mọi người và coi đó cũng đủ để gọi là điềm lành.