Chuyện ly kỳ về tục thờ thần Bạch Hổ độc đáo ở Trà Bồng

Google News

(Kiến Thức) - Theo quan niệm dân gian, hổ là vị “chúa tể sơn lâm”, cai quản vùng rừng núi. Rải rác trên khắp đất nước ta đều có bàn thờ hoặc miếu thờ thần Bạch Hổ, với các tên gọi: “Sơn quân chi thần”, “Sơn quân mãnh hổ”, “Sơn lâm chúa xứ”, “Sơn lâm đại tướng quân”…

Từ thời xa xưa, dân tộc ta chủ yếu sống dựa vào việc khai thác tự nhiên. Vì vậy, tín ngưỡng dân gian thờ cúng tự nhiên đã giữ một vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân, với niềm tin rằng các vị thần sẽ phù hộ cho mùa màng tươi tốt, để cuộc sống được ấm no, hạnh phúc. Trong các tín ngưỡng dân gian ấy, phải kể đến tín ngưỡng thờ động vật, cụ thể là tín ngưỡng thờ Bạch Hổ. Theo quan niệm dân gian, hổ là vị “chúa tể sơn lâm”, cai quản vùng rừng núi. Rải rác trên khắp đất nước ta đều có bàn thờ hoặc miếu thờ thần Bạch Hổ, với các tên gọi: “Sơn quân chi thần”, “Sơn quân mãnh hổ”, “Sơn lâm chúa xứ”, “Sơn lâm đại tướng quân”…
Người Cor sinh sống ở huyện miền núi Trà Bồng tỉnh Quảng Ngãi vốn chịu ảnh hưởng của tín ngưỡng vạn vật hữu linh. Giữa người Cor và người Việt cùng cộng cư trên một mảnh đất nên ít nhiều cũng có sự giao thoa văn hóa. Điều đó được thể hiện trong lễ hội Điện Trường Bà. Trong lễ hội này, người Kinh và người Cor đều tham gia cúng lễ, tưởng niệm bà Thánh Mẫu Thiên Y A Na, biểu tượng cho tinh thần đại đoàn kết các dân tộc ở Trà Bồng. Một điểm độc đáo ở lễ hội này đó là người dân còn thờ phụng Bạch Hổ, vừa phối thờ tại Điện vừa có miếu thờ riêng.
Miếu Bạch Hổ nằm chếch về phía đông nam Điện Trường Bà, thuộc xóm Gò Xôi, tổ dân phố 1, Thị trấn Trà Xuân. Tương truyền đây là một “Ông hổ đi tu”, không ăn thịt người. Nhờ có “Ông” mà cả một vùng rừng quế bạt ngàn xưa kia không thấy các loài mãnh thú về quấy phá dân làng. Do vậy, khi “Ông” mất, dân làng đã chôn cất tử tế và lập miếu thờ.
Chuyen ly ky ve tuc tho than Bach Ho doc dao o Tra Bong
Miếu thờ Bạch Hổ tại Trà Bồng, tương truyền đã có từ hàng trăm năm trước. Ảnh: Tấn Thiên, tháng 4/2014. 
Theo truyền thuyết, đây là một trong những vị tướng của Thiên Y A Na, đã có công lớn trong việc giúp dân diệt trừ mảnh thú ở vùng đất này từ thuở khai sơn lập địa. Công lao của thần Bạch Hổ đã được triều đình nhà Nguyễn ban sắc phong: Sơn lâm Chúa xứ Trùm cả Bạch Hổ Đại tướng quân. Sách Đại Nam nhất thống chí cũng đã từng ghi chép về miếu thờ này từ hàng trăm năm trước. Đó đồng thời cũng là sự tri ân công lao của các bậc tiền nhân trong quá trình mở cõi, xây dựng quê hương trên mảnh đất Trà Bồng.
Chuyen ly ky ve tuc tho than Bach Ho doc dao o Tra Bong-Hinh-2
Thiết chế tín ngưỡng thể hiện sự giao thoa văn hóa giữa 2 dân tộc Việt – Cor. Ảnh: Tấn Thiên, tháng 4/2014. 
Trong lễ tế Thiên Y A Na ở Điện Trường Bà được tổ chức vào dịp rằm tháng Tư âm lịch hằng năm, bên cạnh cúng tế các vị thần được phụng thờ trong chánh điện, người dân còn tế lễ vị Trùm cả Bạch Hổ này ở bên ngoài chánh điện, đồng thời soạn lễ vật tổ chức tế vọng tại miếu Bạch Hổ ở xóm Gò Xôi, cách Điện Trường Bà không xa.
Chuyen ly ky ve tuc tho than Bach Ho doc dao o Tra Bong-Hinh-3
Tượng và miếu thờ Bạch Hổ nằm cạnh nhau. Ảnh: Tấn Thiên, tháng 4/2014. 
Có thể nói, đây là một tục lệ chứa đựng nhiều lớp giá trị: giá trị tâm linh, giá trị nhân văn, giá trị giáo dục truyền thống tốt đẹp: “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của nhân dân ta.
Chuyen ly ky ve tuc tho than Bach Ho doc dao o Tra Bong-Hinh-4
Tượng “Trùm cả Bạch Hổ” được đặt trên 1 tảng đá lớn. Ảnh: Tấn Thiên, tháng 4/2014. 
Ngoài ra, tục thờ cúng Bạch Hổ còn góp phần nâng cao tính cộng đồng, gắn kết các dân tộc cùng sinh sống cộng cư trên một vùng đất. Việc duy trì hoạt động thờ cúng Bạch Hổ là nhu cầu chính đáng của người dân, nhất là trong điều kiện đời sống kinh tế của phần lớn cư dân nơi đây gắn liền với núi rừng, nương rẫy. Chính những tục lệ, tín ngưỡng truyền thống này đã và đang góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Phạm Tấn Thiên

>> xem thêm

Bình luận(0)