Chuyện kỳ lạ về giếng cổ, nhiều người cúng lễ ở TP.HCM

Google News

Giếng nằm sát đường đi. Cấu trúc xây dựng giếng còn mới. Nhưng theo người dân nơi đây giếng đã hiện diện hơn 2 thế kỷ...

Chuyen ky la ve gieng co, nhieu nguoi cung le o TP.HCM
Giếng Bọng nằm trên đường số 10 phường Trường Thọ, Thủ Đức. Giếng nằm sát đường ngay cạnh nhà dân, hiện đang được bà con nơi đây lập bàn thờ với nhang và hoa. 
'Bà thủy' đi, 'bà hỏa' tới
Từ giao lộ Hồ Văn Tư - đường số 10 (P. Trường Thọ, Q. Thủ Đức, TP.HCM) đến giếng chừng 200m. Giếng có tên là giếng Bọng. Có lẽ đây một trong số rất ít giếng còn sót lại tại TP.HCM này...
Chúng tôi đến bên giếng nhìn xuống. Nước đầy và trong vắt. Giếng sâu. Trong lòng giếng có một đường ống nối với một máy bơm. Bên ngoài thành giếng, một bình hoa còn rất tươi, lư nhang và mấy chén nước thờ cúng. Một người đàn ông trung niên cùng đứng - có lẽ là dân địa phương - cho biết, 'giếng này linh thiêng lắm. Giếng này mà lấp đi thì chợ Thủ Đức và cả vùng này sẽ bị cháy...'.
Nếu không có lời nói này, có lẽ chúng tôi chỉ nhìn giếng thoáng qua. Nhưng khi sự tò mò thôi thúc, chúng tôi phải đi tìm hiểu. Người đầu tiên chúng tôi tiếp xúc là đại đức Thích Bửu Thanh, Trù trì chùa Linh Bửu - ngôi chùa chỉ cách giếng một con hẻm nhỏ.
Chuyen ky la ve gieng co, nhieu nguoi cung le o TP.HCM-Hinh-2
Nước giếng trong nhưng nước của công ty cấp nước cung cấp đến tận nhà nên không ai còn dùng đến nước giếng. Trong giếng chỉ còn một đường ống nối với máy bơm. 
Nhà sư xác nhận với chúng tôi không thể biết chính xác giếng có từ khi nào nhưng phải thừa nhận giếng có từ lâu lắm rồi. Lục lại trí nhớ, nhà sư cho biết, trước đây, giếng là nguồn nước cung cấp cho cả vùng Thủ Đức này. Nước giếng dùng trong sinh hoạt và cả để uống. Nguồn nước hầu như vô tận, rất nhiều và rất mạnh.
'Trước 1975, lúc ấy tôi còn nhỏ' - nhà sư kể - 'tôi còn nhớ có lần vào nửa đêm có một cô gái trẻ nhảy xuống giếng tìm cái chết. May thay, vẫn có người phát hiện và cứu thoát. Những chuyện linh thiêng về giếng thì có rất nhiều. Người này nói qua người kia nói lại nhưng chưa một ai dám xác nhận mình là chứng nhân. Tất cả cũng chỉ nghe qua lời kể.
Hiện nay giếng được bà con chung quanh bảo dưỡng rất kỹ. Giếng luôn sạch và nhất là luôn được nhang khói quanh năm. Mỗi rằm và mồng một đều có người thắp nhang cúng vái. Đặc biệt, năm nào cũng thế, cứ gần Tết là có người sơn phết lại giếng cho mới và sạch đẹp. Tất cả đều phát xuất từ sự tự nguyện của bà con.
Chúng tôi hỏi nhà sư về việc cháy chợ mà bà con thường nhắc đến, đại đức Thích Bửu Thanh cho biết chuyện ấy xảy ra lâu lắm rồi nên chỉ là câu chuyện truyền miệng. Dựa trên lập luận 'bà thủy đi bà hỏa tới', câu chuyện trở nên sinh động hơn.
Từ giã nhà sư, chúng tôi trở lại giếng. Từ xa chúng tôi đã nhìn thấy một cây nhang cháy dở. Dường như có ai đó vừa ghé đến thắp nhang.
Cần gìn giữ như một di tích
  
Chuyen ky la ve gieng co, nhieu nguoi cung le o TP.HCM-Hinh-3
 Ảnh này được đăng trên FB của nickname Nam Tran ngày 29/12/2015. Trong ảnh lúc này cạnh giếng chưa có hoa và nhang. Điều này chứng tỏ việc thờ cúng chỉ mới có trong thời gian gần đây.
Chúng tôi tiếp tục tìm hiểu sự hình thành của giếng và mối quan hệ gắn bó với người dân như thế nào. Ông Trần Tấn Đạt, 60 tuổi nhà cách giếng không xa bày tỏ: 'Hồi bà nội tôi còn sống đã từng kể cho tôi nghe về lịch sử giếng này.
Bà tôi sinh năm 1890 mà giếng đã có từ trước đó. Theo lời bà, ngày trước miệng giếng rất rộng có thể lên đến 2m - 2,5m. Thành giếng cao được xếp bằng những tảng đá vuông vức. Nước trong giếng sạch và rất nhiều. Thập niên 1950 - 1960 bà tôi đã chứng kiến nước từ giếng trào lên tràn ra đất. Nước giếng cung cấp cho dân trong khu vực và cả chợ Thủ Đức'.
'Giếng Bọng và chợ Thủ Đức bình yên cho đến khoảng năm 1972 - 1973 bắt đầu xảy ra cớ sự', ông Đạt nói tiếp. Năm đó, nước giếng nhiều phèn không dùng được. Người dân bắt đầu đổ rác xuống giếng. Mỗi ngày một ít, dần dần thì giếng đầy rác. Nước trở nên ô nhiễm hôi thối. Thấy vậy, ông Ba Chấu, một nhân viên ở chợ kêu gọi các thanh niên dùng ván đậy miệng giếng không cho đổ rác nữa.
Giếng vừa bị lấp thì chợ Thủ Đức xảy ra cháy. Điều đặc biệt là chợ không cháy trên diện rộng mà chỉ cháy từng khoảnh kéo dài trong gần một tháng. Cứ vài ba ngày, một dãy chợ ra tro. Thiệt hại đến với tiểu thương không phải nhỏ. Bà con hoang mang không biết làm sao. Lúc này, câu 'bà thủy đi bà hỏa tới' được nhiều người nhắc đến.
Đáng sợ hơn, khi chợ chưa hết cháy thì một dãy nhà dân cạnh cô nhi viện gần đó cũng bị cháy.
Sau đó, các cụ cao niên đã đứng ra huy động thanh niên trong khu vực vét giếng trong 2 ngày mới hết rác. Hai máy bơm được đưa tới để bơm nước bẩn ra trả sự trong sạch vốn có của dòng nước.
Giếng hồi sinh, chợ hết cháy. Từ đó, nhắc đến giếng Bọng người dân tại đây đều nhắc đến vụ cháy chợ như một lời cảnh tỉnh không được lấp giếng. Đến khoảng đầu thập niên 1990, do nhu cầu mở rộng lòng đường, giếng phải chịu thu hẹp như hiện nay. Do giếng cổ tại thành phố còn rất ít nên năm 1998 kỷ niệm 300 năm Sài Gòn - TP HCM, các nhà nghiên cứu đã đề nghị bảo tồn giữ lại giếng Bọng như một di tích.
Ông Nguyễn Tường Hiếu, Phó Chủ tịch UBND phường Trường Thọ cho biết giếng Bọng có cùng thời với chợ Thủ Đức (khoảng đầu thế kỷ 19 - PV). Việc cháy chợ xảy ra đã quá lâu nay chỉ còn được dư luận kể lại. Việc bà con cúng kiến tại giếng là do lòng tin của người dân. Hiện nay phường đã báo cáo lên trên để xin có kế hoạch bảo tồn giếng cổ này.
Theo Trần Chánh Nghĩa /Vietnamnet

>> xem thêm

Bình luận(0)