Lịch sử Trung Quốc có một vị Hoàng đế xuất thân nông dân, gia cảnh nghèo khổ nhưng năng lực "vượt khó" mạnh mẽ, thấu hiểu nỗi khổ lòng dân, căm ghét sâu cay tham quan. Thủ đoạn tàn nhẫn, tự thiết lập một loạt các quy định pháp luật trừng phạt quan viên, khiến cho rất nhiều quan viên trước khi lên triều đều phải dặn dò hậu sự để lại di chúc, phòng trường hợp "lên triều nhưng không thể trở về". Ông chính là Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương.
Chu Nguyên Chương chấp chính 31 năm, trong thời gian tại vị đã phát động 6 cuộc thanh trừng quy mô lớn, giết chết 150 nghìn tham quan khắp cả nước, tuyệt đối không nương tay với hành vi tham nhũng, bất kể quan viên lớn nhỏ, công lao vĩ đại, cũng tuyệt đối không nương tay.
Ý Văn Thái tử Chu Tiêu
Chu Tiêu là con trai đầu lòng của Chu Nguyên Chương và Mã Hoàng hậu. Lúc Chu Tiêu ra đời, Chu Nguyên Chương còn đang chinh chiến khắp nơi, điều này đã tiếp thêm động lực cho ông dẫn binh chinh chiến, kết quả chiếm được Nam Kinh.
Mặc dù sau đó Chu Nguyên Chương có thêm nhiều con trai, nhưng tình thương mà ông dành cho Chu Tiêu chỉ tăng không giảm, thậm chí còn gửi gắm kỳ vọng và tương lai của thiên hạ cho Chu Tiêu.
Bận bịu trăm bề nhưng Chu Nguyên Chương cũng không quên dạy dỗ Chu Tiêu, coi trọng sự trưởng thành của con trai quý báu.
Theo đó, Chu Nguyên Chương đã mời Đại Nho Tống Khiêm làm thầy của Chu Tiêu (Đại Nho là cách gọi người vừa có học vấn vừa có đạo đức). Nhờ đó Chu Tiêu đã biết tu tâm dưỡng tính, trở thành ứng viên sáng giá để kế vị Chu Nguyên Chương.
Tính cách của Chu Tiêu trong quá trình xử lý triều chính sau này được rất nhiều đại thần ưu ái, mặc dù ông chỉ mới là Thái tử. Chu Nguyên Chương tiếp nối chế độ "cha truyền con nối", mặc định người kế vị chính là Thái tử Chu Tiêu.
Nhưng sự ra đi ngoài ý muốn của Chu Tiêu, hoàn toàn viết lại kịch bản nhà Minh cũng như viễn cảnh mà Chu Nguyên Chương đã vẽ ra trong đầu. Có lẽ vì quá nhớ nhung con trai quá cố, mặc kệ quần thần phản đối, ông đã nhất quyết truyền ngôi vị cho Hoàng thái tôn Chu Doãn Văn (con trai của Chu Tiêu). Trên thực tế người thừa kế ngôi vị Hoàng đế còn có rất nhiều người xuất chúng khác, nhưng sau khi con trai Chu Tiêu qua đời, Chu Nguyên Chương bắt đầu trở nên nóng nảy, đa nghi.
Chu Nguyên Chương dự đoán được sự lên ngôi của cháu trai sẽ khiến thế cục trong triều trở nên đại loạn, bởi vậy quyết định sớm giải quyết gốc rễ, không tiếc sát hại con ruột.
Bóc quýt cho con trai Tứ hoàng tử
Một đêm Chu Nguyên Chương mơ thấy một võ sĩ thân hình lực lưỡng, người mặc giáp vàng, cầm trường kiếm sắc bén kề ngay cổ Chu Doãn Văn, ép thoái vị, sau đó tàn nhẫn sát hại trên long ỷ (ghế rồng). Chu Nguyên Chương bừng tỉnh, lập tức chạy đi kể cho Mã Hoàng hậu về giấc mộng này, song Hoàng hậu cũng không quá lưu tâm.
Chu Nguyên Chương mỗi ngày đều tự hỏi võ sĩ giáp vàng trong mộng có thể là ai, đối tượng đáng nghi nhất chính là người con trai thứ tư, Chu Đệ.
Chu Đệ làm Tứ hoàng tử, năm xưa chinh chiến ở phương bắc, trấn thủ biên cương, rất có thực lực. Chu Nguyên Chương hiểu tâm tư của người con này nên luôn phòng bị. Sau khi xác nhận mục tiêu, Chu Nguyên Chương quyết định mau chóng xuống tay, liền triệu tập Tứ hoàng tử đã lâu không gặp đến cung.
Thế nhưng sau đó Chu Đệ đã toàn vẹn trở về. Không phải là Chu Nguyên Chương mềm lòng với con trai, mà là Mã Hoàng hậu hết lòng khuyên bảo.
Chu Đệ bị triệu tập đến trong cung đầu tiên là cảm thấy mừng rỡ dị thường, phụ hoàng đột nhiên muốn gặp, còn tự tay bóc quýt cho ăn. Sau khi gặp phụ hoàng, Chu Đệ còn hăng hái đến kể lại sự tình cho mẹ. Nhưng Mã Hoàng hậu vừa nghe liền biến sắc, bảo Chu Đệ gấp rút về phong địa của mình (phong địa là vùng đất được Hoàng đế ban tặng cho chư hầu), cha ngươi muốn giết ngươi. Chu Đệ không hiểu lời của mẫu hậu: Vì sao phụ hoàng lại giết mình trong khi trước đó còn bóc quýt cho ăn?
Song Chu Đệ vẫn nghe theo lời mẹ, nhanh chóng đến nói Chu Nguyên Chương rằng mình có chuyện gấp nên cần trở lại phong địa. Chu Nguyên Chương cũng được Mã Hoàng hậu cật lực khuyên bảo buông tha ác ý với Chu Đệ. Nhưng Chu Nguyên Chương tuyệt đối không nghĩ tới ngay sau khi băng hà, mộng cảnh lại biến thành hiện thực.
Mộng cảnh thành thật
Sau khi Chu Doãn Văn lên ngôi, vì muốn thu hồi quyền lực về tay nên đã hạ lệnh bãi phiên (tước bỏ phiên vương, chư hậu được Hoàng đế phong địa trở thành phiên vương). Trong số các phiên vương, thực lực của Yến vương Chu Đệ là hùng mạnh nhất, đương nhiên cũng trở thành trở ngại lớn nhất đối với Hoàng đế.
Đối diện với người chú dày dạn kinh nghiệm trận mạc này, Chu Doãn Văn đương nhiên phải thận trọng và chuẩn bị kỹ càng. Thế nhưng cũng vì sự do dự này mà ngược lại cho Chu Đệ rất nhiều thời gian bày mưu tạo phản.
Ngày 13 tháng 6 âm lịch năm 1402, quân Yên vương Chu Đệ tiến vào Nam Kinh, qua cửa Kim Xuyên tiến vào phủ Ứng Thiên nhưng không bắt được Minh Huệ Đế Chu Doãn Văn. Kinh thành bốc cháy và không rõ kết cục của vị Hoàng đế này ra sao. Có thuyết nói rằng Minh Huệ Đế tự thiêu trong đám lửa cháy tại cung cấm. Lại có thuyết nói rằng ông bỏ trốn, cạo đầu làm sư, đi tu mai danh ẩn tích ở đâu không ai biết.
Theo một số câu chuyện dân gian, Minh Huệ Đế lưu lạc ở nhiều nước lân cận, nuôi chí lớn giành lại ngôi vị, tới khi trở về Nam Kinh thì tuổi đã quá 60, chí lớn giành lại thiên hạ cũng đã hết, chu du thiên hạ rồi tạ thế ở đâu không ai hay biết.
Trong dòng chảy lịch sử phong kiến Trung Quốc, đã có biết bao người vì quyền lợi và địa vị mà dẫn đến kết cục "anh em, chú cháu chém giết lẫn nhau". Chu Nguyên Chương tính toán trăm phương cũng không thể ngờ đến kết cục của nhà Minh, đương nhiên cũng chẳng hề tin được cảnh máu mủ tương tàn vì ngôi vị quân lâm thiên hạ.