Cách đây hàng chục, thậm chí là trăm năm, lĩnh vực tâm lý học rất khác so với bây giờ. Ngày nay, hiệp hội tâm lý học Hoa Kỳ đặt ra những quy tắc nhất định để đảm bảo vấn đề đạo đức cho các thử nghiệm khoa học. Tuy nhiên ngày xưa, vấn đề đó không được chú trọng như bây giờ, nảy sinh nhiều câu chuyện thương tâm, thậm chí mang tính phản khoa học.
Trong những câu chuyện thử nghiệm tâm lý học tai tiếng nhất trong lịch sử, nhiều người vẫn không khỏi rùng mình khi nhắc tới thí nghiệm mang tên "Albert bé nhỏ" - Little Albert. Vụ thí nghiệm đã khiến một em nhỏ ghét chó, Santa Claus và nhiều thứ khác.
|
Thí nghiệm Albert bé nhỏ tai tiếng trong lịch sử ngành tâm lý. |
Năm 1920, giáo sư John B. Watson từ viện y khoa Johns Hopkins đã đọc được nghiên cứu về phản xạ có điều kiện của Ivan Pavlov và ông rất hứng thú. Pavlov thường xuyên rung chuông mỗi khi ông cho chó ăn. Ban đầu, thức ăn khiến con chó tiết nước bọt. Tuy nhiên sau vài lần rung chuông khi cho chó ăn, con chó bắt đầu tiết nước bọt khi nghe thấy chuông. Đó được gọi là phản xạ có điều kiện. Watson muốn xem liệu ông có thể tiến hành thí nghiệm tương tự với người.
Bé trai chín tháng tuổi Albert B, hay còn được gọi bằng cái tên "Albert bé nhỏ" đã tham gia thí nghiệm. Ban đầu, Albert được cho xem một con chuột trắng, một con chó, một con thỏ trắng và một chiếc mặt nạ Santa Claus. Cậu bé lúc đầu rất hứng khởi và không sợ hãi gì. Tuy nhiên mỗi lần Albert chạm vào lũ động vật, các nhà khoa học sẽ đánh một hồi chuông thật mạnh đằng sau tạo nên thứ âm thanh ong tai, chát chúa. Âm thanh khiến em bé hoảng sợ và sau đó, cũng như chú chó của Pavlov, Albert thấy sợ hãi mỗi khi nhìn chuột hay mặt nạ Santa Claus hay thậm chí cả áo khoác lông. Điều khiến nhiều người căm phẫn là việc các nhà khoa học đã khiến em nhỏ phải chịu những tổn thương tâm lý và cả thể xác khi tai các em còn quá mỏng manh.
|
Cậu bé 9 tháng tuổi sợ cả ông già Noel sau thí nghiệm. |
Điều gì xảy ra với Albert tội nghiệp sau đó vẫn là điều gây tranh luận. Trên thực tế, không ai rõ danh tính thực sự của Albert. Nhiều người cho rằng em tên là Douglas Merritte - như 2 nhà tâm lý học Hall P. Beck và Sharman Levinson thảo luận năm 2009. Nếu câu chuyện đúng là vậy, đứa trẻ này đã qua đời ở tuổi lên 6 vào năm 1925 vì bệnh tràn dịch não. Có ý kiến khác cho rằng em chính là William Albert Barger - một cụ ông qua đời ở tuổi 87 vào năm 2007. Người đàn ông này mắc bệnh sợ chó, dù không ai biết có phải là do di chứng của thí nghiệm kia không.
Sau thí nghiệm đó không lâu, Watson đã bỏ nghề nghiên cứu và đi theo con đường quảng cáo.