Trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, La Quán Trung có nói đến con ngựa Đích Lô của Lưu Bị là ngựa sát chủ, tuy nhiên bộ tiểu thuyết này viết theo phương pháp 7 thực 3 hư (7 phần thực 3 phần hư cấu) nên việc ngựa Đích Lô có phải là ngựa sát chủ hay không thì rất khó kiểm chứng.
Ngựa Đích Lô lúc đầu vốn là của Trương Vũ, khi Lưu Bị cùng Quan Vũ, Trương Phi và Triệu Vân xuất binh chiến đấu với Trương Vũ, Lưu Bị nhìn xa thấy ngựa mà Trương Vũ cưỡi, vô cùng hùng tuấn. Liền nói: "Kia tất là thiên lý mã". Lời còn chưa dứt, Triệu Vân cầm thương xông trận. Trương Vũ thúc ngựa nghênh chiến, chưa đầy 3 hiệp đã bị Triệu Vân đánh bại, tiện tay cầm dây cương, kéo ngựa về dâng Lưu Bị.
Trong phim Tam quốc diễn nghĩa 2010, trong một lần khi đang đi trên đường lưu bị có gặp một vị cao nhân, người này chính là Từ Thứ, sau khi xem con ngựa của Lưu Bị Từ Thứ liền nói nó là ngựa sát chủ, khuyên Lưu Bị không nên cưỡi nữa nếu không sẽ gặp họa đổ máu, Lưu Bị liền hỏi có cách nào tránh được họa này không, Từ Thứ khuyên đem con ngựa đổi cho kẻ thù nào đó, để nó hại kẻ thù rồi lấy về là có thể hóa giải được. Tuy nhiên Lưu Bị không nghe theo.
Từ Thứ có tên tự là Nguyên Trực, người quận Dĩnh Xuyên. Thời trẻ, ông thích học đánh kiếm. Khoảng những năm 190-193, Từ Thứ cùng bạn là Thạch Thao (tức Thạch Quảng Nguyên) đi về phía nam đến Kinh Châu, kết bạn với Gia Cát Lượng và Bàng Thống.
Sau đó Từ Thứ đến Tân Dã (thuộc quận Nam Dương) thấy Lưu Bị nhân nghĩa nên đã đi theo phò giúp Lưu Bị - lúc đó đang nương nhờ Châu mục Kinh Châu là Lưu Biểu.
Theo Tam quốc diễn nghĩa, khi Từ Thứ về làm quân sư cho Lưu Bị, lúc này đại quân của Tào Tháo từ Hứa Xương ập tới muốn đánh chiếm 9 quận Kinh Châu. Để đánh 9 quận Kinh Châu thì việc đầu tiên là phải đánh Tân Dã. Mà Lưu Bị lúc này lại đang mượn Tân Dã của Lưu Biểu để đóng quân nên không thể không ra ứng chiến.
Đây cũng chính là lúc mà Từ Thứ được thi triển tài năng, giúp Lưu Bị sau bao năm chinh chiến ngược xuôi đều thất bại, nay mới có ngày được ca khúc khải hoàn khi đánh bại đại tướng Tào Nhân của quân Tào.
Giữa lúc Lưu Bị vẫn còn đang say trong niềm vui của kẻ chiến thắng thì Tào Tháo lập mưu bắt mẹ Từ Thứ, dù Từ mẫu không đồng ý cộng tác nhưng Tào Tháo dùng mưu kế của Trình Dục, bắt chước nét chữ của bà để viết thư dụ Từ Thứ. Từ Thứ không thể không vì chữ hiếu mà quay về phương Bắc.
Trước lúc ra đi, Từ Thứ vì trọng nghĩa, trọng tình với Lưu Bị mà tiến cử Ngoạ Long tiên sinh, tức Gia Cát Lượng cho Lưu Bị. Đây cũng là cội nguồn của điển tích lưu danh muôn thuở: "Ba lần thăm lều cỏ" của Lưu Bị.
Mẹ Từ Thứ khi thấy con trai đến thì rất tức giận, chửi mắng ông rồi tự vẫn. Từ Thứ biết mình bị lừa, nguyện suốt đời không giúp kế gì cho Tào Tháo. Vụ việc này được gọi là điển tích "Từ Thứ quy Tào".
Tuy nhiên nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, La Quán Trung đã hư cấu tình tiết Tào Tháo sai người bắt chước nét chữ mẹ Từ Thứ, sự thật là mẹ Từ Thứ tự nguyện viết thư cho ông, không cự tuyệt Tào Tháo.
Từ khi về với Tào Tháo, Từ Thứ không hiến kế gì và cũng có hoạt động gì nổi bật. Năm 220, Tào Tháo qua đời, Tào Phi lên thay, cướp ngôi Hán Hiến Đế lập ra nhà Tào Ngụy. Từ Thứ được bổ nhiệm là Hữu trung lang tướng và Ngự sử trung thừa.
Khi Gia Cát Lượng mang quân Bắc phạt đánh Tào Ngụy, nghe tin Từ Thứ vẫn phục vụ chính quyền Tào Ngụy đã than thở về việc nước Ngụy có quá nhiều nhân tài trong khi nước Thục thì có quá ít.
Cuối đời Từ Thứ lâm bệnh mất, không rõ năm nào. Trong lịch sử không lưu lại bất cứ một sự tích quân sự nào về Từ Thứ, tài năng của ông ra sao thì người đời chưa thể biết được hết, bởi ông không hề có liệt truyện riêng trong Tam quốc chí. Tuy nhiên có thể kết giao bằng hữu với Gia Cát Lượng, chứng tỏ ông không phải là một thất phu.