Theo Live Science, hài cốt trong ngôi mộ "ma cà rồng" khiến các nhà nghiên cứu nghi ngờ rằng thi thể trước đó đã được thiêu hủy và cải táng theo cách đặc biệt, một tập tục gắn liền với niềm tin rằng ai đó là ma cà rồng.
Cụ thể, phần xương đùi bị lấy khỏi vị trí thông thường và đặt vắt chéo trên ngực. Hành động này được cho là để "ma cà rồng" trong mộ không thể sống dậy, đi lại và tấn công con người.
|
Bộ hài cốt JB55 tại bảo tàng - Ảnh: DAILY MAIL.
|
Sau 2 thế kỷ, các nhà khoa học đã thành công trong việc trích xuất DNA để phục hồi chân dung người đàn ông, cũng như tiến hành nhiều nghiên cứu khác xung quanh cái chết nhuốm màu thần bí.
Nhóm nghiên cứu từ công ty công nghệ DNA Parapon NanoLabs và Phòng thí nghiệm Nhận dạng DNA của Lực lượng vũ trang (AFDIL), một phần của Hệ thống Giám định y tế Lực lượng vũ trang Mỹ, kết luận rằng người đàn ông khoảng 55 tuổi và chết vì bệnh lao.
DNA cho thấy "ma cà rồng" Connecticut sở hữu một khuôn mặt góc cạnh với làn da trắng và nhiều tàn nhang, mắt màu nâu hoặc nâu hạt dẻ, tóc nâu hoặc đen. Tất nhiên ông ta hoàn toàn là một con người về mặt di truyền.
Một nghệ sĩ pháp y đã tái hiện lại chân dung ông sau 2 thế kỷ ngủ yên trong ngôi mộ bất thường.
|
Chân dung của "ma cà rồng" Connecticut - Ảnh: Parabon Nanolabs/ Virginia Commonwealth University.
|
Việc trích xuất DNA từ những ngôi mộ cổ khá công phu và không phải lúc nào cũng thành công bởi vật liệu di truyền của con người có thể bị ảnh hưởng bởi vật liệu di truyền của vi khuẩn, nấm và các tạp chất khác từ môi trường. Tuy nhiên nếu thành công, đó sẽ là cả một kho báu khảo cổ, giúp "hồi sinh" người xưa để biết họ đã như thế nào.
Hài cốt "ma cà rồng" Connecticut được khai quật từ năm 1990, được gọi dưới biệt danh JB55 suốt nhiều năm theo mã số ghi trên văn bia gắn trên quan tài. Một nghiên cứu độc lập cũng dựa trên DNA vào năm 2019 đã chỉ ra ông tên John Baber, một nông dân nghèo. JB55 chính là tên viết tắt và tuổi của ông khi qua đời.
Nghiên cứu chi tiết về người đàn ông bị coi là ma cà rồng này sẽ được trình bày trực tuyến trong hội nghị chuyên đề quốc tế về Nhận dạng con người (ISHI), được tổ chức từ ngày 31-10 đến 3-11 tại Washington DC - Mỹ.