Theo sử liệu ghi lại, thời Mãn Thanh, vào cung làm thái giám đều là người Hán. Sở dĩ hầu hết những người trở thành thái giám đều bị hoàn cảnh bức bách, hoặc là thật sự nghèo đến mức cơm không có ăn, chỉ có thể vào cung tìm kiếm cơ hội sống sót, hoặc là phạm trọng tội bị trừng phạt.
Trong suốt 276 năm cai trị của nhà Thanh, chưa bao giờ có một thái giám người Mãn. Lý do chính là tầng lớp cai trị nhà Thanh muốn dùng cách này để áp bức địa vị của người Hán. Ngay cả Hoàng đế Khang Hi cũng từng nói: "Thái giám là hạ tiện nhất, sinh ra như con kiến hôi hám. Thân phận người Mãn cao quý, những chuyện đoạn tử tuyệt tôn này chỉ có thể do người Hán làm".
Hoàn toàn khác với địa vị của thái giám, cung nữ nhà Thanh đều là Kỳ nhân, tức là Bao y xuất thân từ Thượng Tam kỳ.
Cung nữ Lan Nhi thân cận của Từ Hi khi nhớ lại đoạn quá khứ kia, bà bình tĩnh đến lạ. "Kỳ nhân chúng tôi sinh ra đã có cơm ăn, do Tông nhân phủ thống nhất phát cho, đây là ân điển hoàng thượng ban tặng". Trên thực tế, nhà Thanh luôn ra sức chèn ép người Hán, đồng thời ưu đãi hậu hĩnh cho người Mãn. Đại thần trọng yếu đều là con cháu Bát Kỳ.
Khi được phỏng vấn, cung nữ Lan Nhi cho biết các bé gái Bao y 13-14 tuổi đều có tên trong danh sách của Tông nhân phủ, sau đó được đưa vào cung huấn luyện trở thành cung nữ.
Không sợ bị đánh, chỉ sợ phạt quỳ
Đương nhiên, không phải tất cả người Mãn cũng để vào con gái mình vào cung. Gia đình khá giả môt chút hoặc có chút quan hệ với Tông nhân phủ cũng có thể thoát được cửa ải này. Nhưng cũng có nhiều cung nữ cố gắng chịu đựng, học cách sống sót và "làm ăn" trong cung, vừa kiếm thêm chút tiền, cuộc sống xem như thoải mái.
Trong hồi ức của Lan Nhi, mấy năm làm việc trong cung thật sự không dễ dàng. Hầu hạ Lão Phật gia không khó, mà lại khó ở việc đối phó với "cô cô".
"Cô cô" là cung nữ đời trước, hay đó chính là cung nữ tiền bối. Dựa theo chế độ của nhà Thanh, các cô gái vào cung hầu hạ đến 17-18 tuổi thì được cho xuất cung nếu không thể leo lên chức vị cao hơn như tổng quản hoặc không được phân phó làm nhiệm vụ khác. Đó là lý do bạn chỉ thấy cung nữ đều là những cô gái trẻ trung trong phim ảnh cổ trang Trung Quốc.
Sau khi tân cung nữ vào cung, cung nữ đời trước gọi là "cô cô", phụ trách dạy người mới quy củ, nên làm như thế nào, cần chú ý cái gì. Vị cô cô này quyền lực rất lớn, có thể tùy ý đánh phạt tân cung nữ.
Lan Nhi chia sẻ, các cô cô đều sắp đến tuổi rời khỏi cung nên vội vàng tìm thế thân, để mình đổi lại bản thân được về nhà, đồng thời cũng là cơ hội để họ trút hết những uất ức suốt mấy năm qua. May mắn thì được cô cô tốt bụng tận tình dạy dỗ, không may thì gặp phải cô cô tính tình nóng như lửa, sai một li liền bị phạt nặng đến trầy da tróc thịt.
"Cô cô dạy chúng tôi rất dễ nóng giận, thường xuyên phạt chúng tôi mà không nói rõ nguyên nhân". Lan Nhi cho biết, lúc đó các cung nữ sợ phạt quỳ hơn cả bị đánh. "Bị đánh là còn may, đau một trận rồi thôi. Nhưng phạt quỳ, thường là quỳ ở góc tường, không biết phải quỳ đến khi nào. Vì vậy, mỗi khi cô cô tức giận, chúng tôi đều van nài hãy đánh chúng tôi".
Làm cung nữ trong cung, nếu nói chỉ hoàn toàn làm việc hầu hạ và mệt mỏi lại không đúng, vẫn có vài điều để cung nữ mong chờ và giúp họ cảm thấy vui vẻ. Đơn cử chính là trò ném dưa hấu vào mùa hè. Mỗi ngày mùa hè, mỗi cung nữ sẽ được bề trên ban cho một quả dưa hấu. Nhưng cung nữ kỵ lạnh, không dám ăn nhiều. Bởi vậy mỗi lần nhận được dưa hấu, nhiều người đứng trên bậc cao ném dưa hấu xuống nền, khiến thứ quả xanh ruột đỏ vỡ tan, cả đám cùng cười ha hả.
Trên người có mùi là "đại bất kính", mỗi bữa chỉ ăn no "tám phần", đói cũng ráng mà chịu
Để hầu hạ quý nhân, trên người cung nữ không được có mùi lạ, bẩn thỉu. Vì sợ mùi tanh ám lên người, các cung nữ không dám ăn cá. Nếu làm việc bên cạnh Từ Hi Thái hậu - người nổi tiếng độc ác và khó tính, cơ thể bốc mùi lạ, đó chính là "đại bất kính". Một khi bị Thái hậu phát hiện, không chỉ cung nữ bị phạt, mà còn liên luỵ đến cô cô hoặc người chịu trách nhiệm quản lý đám hạ nhân này.
Do đó, ăn ngũ cốc chính là sự lựa chọn tối ưu của cung nữ. Chỉ riêng cháo đã có hơn mười loại, chẳng hạn như cháo gạo, cháo kê, cháo bột ngô… Đồ khô lại càng phong phú hơn, như bánh nướng mè, bánh tam giác, thịt dê chiên, tôm chiên, các loại bánh bao... Đầu bếp trong cung cũng không bạc đãi các tiểu cung nữ.
Nhưng ngũ cốc cũng không thể giúp cơ thể sạch mùi. Cách duy nhất là kiểm soát chặt chẽ chế độ ăn uống, mỗi bữa ăn chỉ được phép ăn no "tám phần".
Lan Nhi nói, chỉ cần cô cô liếc mắt một cái, các cung nữ nhất định phải lập tức buông chén cơm xuống. Có đôi khi vào ca trực buổi tối, trong cung sẽ sắp xếp thêm đồ ăn nhẹ, nhưng sợ trên người bị ám mùi, ai cũng không dám ăn, thế là chịu đói từ khuya đến hừng đông.
Cô gái 12-13 tuổi vào cung, đến 17-18 tuổi có thể nhận được "ân điển" xuất cung. Nhưng 5-6 năm sống trong cung này, các cung nữ hầu như không khi nào được ăn no. Họ sợ xì hơi, sợ đau bụng trong khi đang hầu hạ chủ tử, sợ bị trừng phạt, thậm chí còn nguy hiểm đến tính mạng.
Trong cung, không chỉ có cung nữ phải chịu nhiều quy tắc nghiêm khắc, mà ngay cả phi tần, cách cách muốn gặp thái hậu, cũng giữ cơ thể thơm tho, nếu không cũng phạm tội "đại bất kính".
Lan Nhi là cung nữ thân cận của Từ Hi, có thể xem là "cung nữ cao cấp". Mặc dù mỗi ngày hầu hạ người tôn quý nhất thiên hạ, nhưng thân phận của cô cũng không cao hơn các cung nữ khác. Ăn cũng giống như những người khác. Nếu nói thật sự có chỗ nào khác nhau, đó chính là phải kiêng kị nhiều hơn, vì hầu hạ thái hậu phải chuyện đơn giản.
Sau khi hầu hạ Lão Phật gia lên triều, Lan Nhi mới được phép ăn cơm, lúc này các cung nữ đều đã đói đến rã người. Mặc dù vậy, những ngày ăn không đủ no liên tục nhiều năm vẫn là ấn tượng sâu sắc nhất của Lan Nhi đối với cuộc sống hoàng cung.
Thời điểm tiếp nhận phỏng vấn, Lan Nhi đã xuất cung hơn 40 năm. Dù từng là cung nữ hầu hạ Từ Hi Thái hậu sống xa hoa bậc nhất Thanh triều, nhưng tuổi già của bà vô cùng nghèo khó, chỉ có thể mưu sinh bằng nghề làm bảo mẫu. Về phần mấy năm ở trong cung, cũng chỉ là hồi ức không muốn nhắc tới mà thôi.