Suốt nhiều năm qua, Nike vẫn luôn là một trong những thương hiệu đình đám khi nhắc tới thời trang thể thao bởi mức độ uy tín cao và chất lượng sản phẩm tốt. Bằng chứng là Nike sở hữu 48% thị trường giày thể thao dành cho bộ môn điền kinh tại Mỹ, 96% thị phần giày thể thao cho môn bóng rổ.
Để giữ vững được vị trí của mình trong trái tim khách hàng suốt nhiều thập kỷ qua thì tư tưởng xuyên suốt “Vận dụng hiệu quả nghệ thuật kể chuyện cùng tư duy thiết kế cảm xúc" đóng góp lớn trong mọi chiến dịch truyền thông của Nike, khi hãng vượt khỏi khuôn khổ “chỉ bán những đôi giày” để hướng tới mục tiêu kết nối cảm xúc mạnh mẽ với người tiêu dùng.
Thông qua Cách mạng cảm xúc từ thương hiệu, tác giả Greg Hoffman đã tặng độc giả cơ hội khám phá câu chuyện về các chiến dịch tiếp thị nổi tiếng nhất của hãng, hay chính xác hơn là cơ hội khám phá tư duy của những con người đứng sau dấu Swoosh - cách mà họ đang kết nối cảm xúc với công chúng. Mỗi chương trong cuốn sách đều được kết lại bởi các nguyên tắc cô đọng để bạn dễ dàng vận dụng và từ đó tạo ra cuộc cách mạng tư duy cho riêng mình.
Từ một thực tập sinh thiết kế đến Giám đốc Marketing của Nike, Greg Hoffman đã lãnh đạo nhiều đội nhóm, thực hiện hàng loạt chiến dịch giúp định hình và lan tỏa bản sắc của Nike trên toàn cầu. Tới tận ngày nay, nhiều chiến dịch quảng bá dưới thời của ông vẫn còn nguyên giá trị và sức ảnh hưởng.
Có 3 nội dung chính mà Hoffman nhắc tới xuyên suốt cuốn sách:
-Sáng tạo là một môn thể thao đồng đội: Cảm hứng sáng tạo của ông bắt nguồn từ thể thao, Greg xem đội nhóm marketing như một đội bóng đá Brazil, nổi tiếng với phong cách Ginga - lối chơi đặt trọng tâm ở từng cầu thủ, cho phép họ có quyền tự do “chơi đẹp”.
Tác giả cho rằng: Đôi lúc những người mộng mơ có thể khiến chúng ta phát điên nhưng thay vì cố gắng quản lý một cách gượng ép, cách làm đúng là khai thác và tận dụng tối đa tiềm năng của họ. Greg nói: "Không phải lúc nào Nike cũng hoàn hảo" nếu nói đến thành phần các nhóm và sự tương tác của họ cả trong nội bộ lẫn giữa các nhóm với nhau. Thế nhưng, việc sẵn sàng chấp nhận rủi ro cũng như kết quả góp phần tận dụng tối đa sự đa dạng về kỹ năng và tài năng của từng cá nhân trong đội nhóm.
- Dám được ghi nhớ: Just do it là câu khẩu hiệu huyền thoại của Nike. Cụm từ này có vai trò biểu tượng tựa như dấu Swoosh và hãng chưa từng có ý định thay thế. Vai trò của Greg Hoffman trong quá trình hoạt động tại Nike là “tái tạo cách kể chuyện Just do it chứ không phải cốt lõi của câu chuyện”. Greg Hoffman đã lý giải vai trò này bằng một câu rất đơn giản: "Con của bạn biết về khẩu hiệu Just do it cũng nhiều như ông bà của bạn - và đó mới là mấu chốt".
Tài năng của một chuyên gia marketing không chỉ dừng ở việc kể 100 câu chuyện cho 100 thương hiệu khác nhau, mà còn thể hiện qua 100 cách kể một câu chuyện thương hiệu. Trong suốt hành trình của Hoffman, không có câu chuyện nào được kể ra đáng bị lãng quên. Không dễ gì để tạo ra một câu chuyện đáng được ghi nhớ, nhưng miễn là bạn dám được ghi nhớ. Đó sẽ là tiền đề để đội nhóm của bạn tạo ra những chiến dịch đóng góp sự sống cho thương hiệu.
-Để lại di sản, không chỉ là ký ức: Như khẳng định phía trên, Nike không tập trung vào việc bán những đôi giày mà còn truyền cảm hứng và sáng tạo thông điệp đóng góp cho xã hội. Dần dần Nike đã khoác lên mình vai trò ảnh hưởng tích cực và dẫn dắt tinh thần thể thao trên thế giới. Muốn làm được điều này, Greg Hoffman xác định tâm thế khi làm việc tại Nike là để lại những câu chuyện vẫn còn giá trị kể cả khi ông đã rời đi. Tâm thế này cũng được Hoffman lan tỏa tới các thành viên trong đội nhóm. Di sản của thương hiệu lúc đó chính là ghi dấu ấn vào trái tim, chứ không chỉ tâm trí của người tiêu dùng.
Nếu muốn xây dựng cá tính trong thương hiệu có sức sống lâu bền hay những chiến dịch tiếp thị có khả năng kết nối cảm xúc với khách hàng, Cách mạng cảm xúc từ thương hiệu chính là cuốn sách dành cho bạn. Để sản phẩm có thể đồng hành lâu dài cùng đời sống, đội nhóm của bạn cần mở rộng tư duy vượt lên trên sự quan sát, giả định thông thường và nhìn thấy những con đường chưa ai từng thấy.