Trong khi đó, dung mạo của vua Trần Minh Tông được sứ thần nhà Nguyên khen ngợi là “thanh tú, nhẹ nhõm như thần tiên”.
Đại Việt sử ký toàn thư viết, năm 1314, vua Trần Anh Tông nhường ngôi cho con là Trần Minh Tông, đổi niên hiệu là năm Đại Khánh thứ nhất. Sứ nhà Nguyên sang, làm lễ tuyên đọc quốc thư. Đến ngày hôm sau vua ban yến tiếp sứ, nhà vua mặc áo tràng vạt bằng là màu vàng, đội mũ có thao, sứ giả khen là “nhẹ nhõm như người tiên”.
Về sau sứ nước ta sang nước Nguyên, có người Nguyên hỏi rằng: “Tôi nghe đồn thế tử (tức nhà vua, vì nhà Nguyên vẫn coi Thượng hoàng mới là vua nước ta) có vẻ người thanh tú, nhẹ nhõm như thần tiên, có phải không?”. Sứ nước ta khôn khéo trả lời rằng: “Đúng như thế, song cũng tiêu biểu cho phong thái cả nước vậy”. Lúc tiếp sứ giả, vua Trần Minh Tông mới có 14 tuổi (nhà vua sinh năm 1300).
|
Tượng thờ vua Trần Minh Tông. |
Sứ nhà Minh, khi gặp vua Lê Hiến Tông trở về, cũng hết lời khen ngợi dung mạo của nhà vua.
Toàn thư cho biết, năm Cảnh Thống thứ 2 (1499), tháng 12, sứ nước Minh là Lương Chừ đem sắc sang phong cho vua làm An Nam quốc vương, cùng với sứ đoàn của Từ Ngọc cũng sang để làm lễ viếng vua Lê Thánh Tông. Khi sứ đoàn đến trạm Lã Khôi, vua đi thuyền Tiểu Quang đến trạm đón tiếp.
Khi vua về cung, Lương Chừ nói với học sĩ Bùi Nhân, người được cử tiếp sứ giả rằng: “Ngày nay thấy quốc vương tuổi đã lớn, thực là tướng thánh nhân, tướng trường thọ, quả là phúc cho nhân dân phương nam. Sao mà học rộng và ứng tiếp công việc nhanh chóng đến thế”, rồi khen ngợi mãi không thôi.
Năm đó, vua Lê Hiến Tông đã 38 tuổi. Toàn thư cũng tả về dung mạo của vua Lê Hiến Tông “mũi cao, mặt rồng, vẻ người đứng đắn, đẹp đẽ khác thường”.
Trong khi đó, khi sứ nhà Minh sang gặp con của Lê Hiến Tông là vua Lê Uy Mục, nhìn thấy tướng người, đã viết hai câu thơ rằng:
An Nam tứ bách vận vưu trường
Thiên ý như hà giáng quỷ vương?
Tức là: Vận nước An Nam còn dài đến 400 năm, vậy mà ý trời thế nào mà lại giáng sinh vua quỷ?
Sử sách không mô tả chi tiết dung mạo vua Uy Mục như thế nào, chỉ nói về những tính xấu của ông, như thích uống rượu, hay giết người, hiếu sắc, làm oai, giết hại người tôn thất, giết cả bà nội, khiến trăm họ oán giận, nên người đời gọi là quỷ vương.
Vua nối Lê Uy Mục là Lê Tương Dực lại được miêu tả là người có gương mặt rất đẹp. Toàn thư chép sự kiện năm 1513, khi sứ đoàn nhà Minh là Chánh sứ Phạm Hy Tăng và Phó sứ Trạm Nhược Thủy sang phong vương, sau khi gặp mặt vua Tương Dực, Hy Tăng đã nói với Nhược Thủy rằng: “Quốc vương An Nam mặt thì đẹp mà người lệch, tính thích dâm, là vua lợn, loạn vong sẽ không lâu đâu”. Sau quả nhiên vua Tương Dực bị Trịnh Duy Sản giết chết, nước ta rơi vào loạn lạc.
|
Tượng vua Trần Nhân Tông ở tháp tổ Huệ Quang, chùa Hoa Yên, Yên Tử, Quảng Ninh. |
Ngược về thời Trần, sử chép về dung mạo vua Trần Nhân Tông với rất nhiều từ ngữ rất hoa mĩ như: “Đạo mạo thuần túy, nhan sắc như vàng, thể chất hoàn toàn, thần khí tươi sáng, hai cung đều cho là lạ, gọi là Kim tiên đồng tử, ở hai bên tả có nốt ruồi đen, cho nên có thể cáng đáng được việc lớn”.
Cách tả ước lệ như vậy cũng được các sử thần chép trong Toàn thư khi miêu tả vua Lê Thái Tổ: “Vua có tướng đại trượng phu, thần sắc tinh anh, hùng vĩ, bước đi như rồng như hổ, tiếng nói vang vang như tiếng chuông”.
Vua Lý Thái Tông cũng chỉ được các sử quan tả về tướng pháp “có bảy nốt ruồi sau gáy, hình như Thất tinh (tức bảy ngôi sao của chòm Bắc Đẩu, tượng trưng cho ngôi vua)” chứ không tả về diện mạo.
Sử nhà Nguyễn, triều đại gần chúng ta nhất, ghi chép rất chi tiết về hành trạng của từng vị vua, nhưng hầu như không mô tả chi tiết dung mạo của họ. Chúng ta chỉ có chiêm ngưỡng hình ảnh các vua nhà Nguyễn qua một số tranh chân dung, và sau đó là ảnh tư liệu.
Tuy nhiên, sử quan triều Nguyễn lại mô tả khá kỹ về dung mạo của vua Quang Trung, người mà triều đại này luôn coi là kẻ thù trong phần Truyện Ngụy Tây ở bộ Đại Nam liệt truyện: “Huệ tiếng vang như chuông, mắt sáng như ánh điện, mưu lược thiện chiến, người người đều kinh sợ".
Một bộ sách khuyết danh có tiêu đề Tây Sơn lược thuật, ra đời đầu triều Nguyễn, cũng dùng những từ mang màu sắc thần thoại để tả vua Quang Trung: “Huệ có một con mắt nhỏ, nhưng cái tròng rất lạ, ban đêm ngồi không có đèn, thì ánh sáng từ mắt soi sáng cả chiếu…".
Trong tiểu thuyết lịch sử Hoàng Lê nhất thống chí, các tác giả thuộc Ngô gia văn phái cũng miêu tả vua Quang Trung theo cách tương tự: “Quang Trung là người cao lớn, tóc quăn, da sần, tiếng nói sang sảng như chuông. Kỳ lạ nhất là cặp mắt sáng như chớp, có thể nhìn rõ mọi vật trong đêm tối, nó khiến nhiều người khi thấy đều run sợ, hãi hùng… không một người nào dám nhìn thẳng vào mắt ông”.