1. Mồ côi cũng được chia thành nhiều dạngDạng 1: Được nhận nuôi hoặc bôn ba từ nhỏ đến lúc trưởng thành vẫn không có người thân
Địch Vân và Lệnh Hồ Xung là hai đứa trẻ từ nhỏ được sư phụ thu nhận, trong lòng họ coi thầy chính là cha. Tâm lý tin cậy và ngưỡng mộ tuyệt đối của Địch Vân và Lệnh Hồ Xung đeo đuổi họ tới khi trưởng thành, đến nỗi bị sư phụ lừa dối, lợi dụng, tàn hại vẫn một mực trung thành. Phải nói rõ, Địch Vân và Lệnh Hồ Xung ngây thơ nhưng hoàn toàn không hề ngu ngốc, song họ vẫn mù quáng đặt niềm tin vào sư phụ. Điều này được lý giải hết sức đơn giản là: hai nhân vật chính của chúng ta ngầm coi sư phụ là cha, những người cho họ tình thương và dạy dỗ họ nên người. Dù người “cha” ở đây có làm sai, con cũng không thể nào “lấy oán báo ơn”, “ăn cháo đá bát” được.
Dạng 2: Biết được danh tính, nguồn gốc của mình nhưng mãi mãi không được đoàn tụ
Ví dụ điển hình cho trường hợp này là: Quách Tĩnh, Viên Thừa Chí, Hồ Phỉ và Trương Vô Kỵ. Cha mẹ của họ hành tẩu giang hồ nhưng vẫn bị ràng buộc bởi những quy tắc Khổng giáo “nhân lễ nghĩa trí tín”. Sự hy sinh anh hùng của bốn người cha này càng làm cho những người con tôn sùng, nung nấu khát vọng trả thù cho cha, lấy cha làm hình mẫu học theo. Sau khi theo dõi 4 tác phẩm có sự hiện diện của 4 nhân vật kể trên, ta thấy được: về cơ bản Quách Tĩnh sống hiệp nghĩa giống Quách Khiếu Thiên, Vô Kỵ trung hậu như Trương Thuý Sơn, Hồ Phỉ hào sảng giống Hồ Nhất Đao, Viên Thừa Chí kế thừa lý tưởng vì nước vì dân của Viên Sùng Hoán. Dòng máu anh hùng của người cha không hề cạn, nó chỉ truyền vào con trai và tiếp tục chảy mãi mãi đến thế hệ mai sau.
2. Lý do khách quan dẫn đến việc nam chính thường mồ côi cha
Các đại hiệp, anh hùng muốn gầy dựng tên tuổi đều phải trải qua hết thảy khổ nạn trong đời ngay từ tấm bé. Kim Dung rất thích đặt nhân vật chính của mình trong một hành trình trưởng thành, một chuyến phiêu lưu, những sự va chạm và bài học rút ra dần dần sẽ khiến nhân cách nhân vật được hiện thực hóa. Qua năm tháng dài đằng đẵng ấy (hay nói đúng hơn là qua những tập phim), người đọc được chứng kiến từng bước đi của người anh hùng, từng thay đổi, từng bước ngoặt trong đời và từng cảm xúc hỉ nộ ái ố hòa quyện vào nhau tạo nên một bộ tiểu thuyết xứng tầm.
Việc để cho các thiếu niên anh hùng mồ côi từ nhỏ chính là xếp đặt ra cho họ sẵn một bi kịch, đặt họ vào môi trường khắc nghiệt, không đơn thuần là “nằm đó rồi hưởng”. Đó là một thủ pháp nghệ thuật trong văn chương rất tinh tế và đáng khen ngợi. Những đại hiệp mồ côi cha thường mang trong lòng nhiều tâm sự, nhiều nỗi niềm, lại thường rất cứng cỏi, nghị lực nên dễ chiếm được thiện cảm của các nữ nhân vật, cũng như là khán giả yêu thích.
Đương nhiên, sẽ có nhân vật sùng kính, ngưỡng mộ chỉ mong nối chí lớn từ cha, có nhân vật lại oán hận, căm thù người cha ruột như cừu địch. Điều đó giúp Kim Dung thả sức sáng tạo cốt truyện và tạo ra những điểm cao trào, kịch tính, khiến những thước truyện thêm hồi gây cấn.
3. Lý do chủ quan xuất phát từ hiện thực
Ngoài việc là một thủ pháp của văn chương, bi kịch mồ côi cha của các đại hiệp trong truyện Kim Dung cũng có nguyên nhân từ chính cuộc đời của tác giả.
Cha của Kim Dung là Tra Thụ Huân, một người giàu có nhưng có tấm lòng bác ái, luôn quan tâm và yêu thương mọi người xung quanh. Gia tộc của Kim Dung là một danh môn vọng tộc ở Chiết Giang. Trong từ đường họ Tra còn treo ngự bút của Khang Hy hoàng đế. Họ Tra là một trong những gia tộc lớn nhất ở Giang Nam, có lịch sử nghìn năm từ những triều đại.
Nỗi đau mất thân phụ ấy trở thành nỗi ám ảnh lớn trong tâm của Kim Dung, sau này lại trở thành cảm hứng chắp bút cho ông. Những nhân vật chính của Kim Dung đều có chung một cuộc hành trình tìm cha đầy gian khó. Dương Quá tìm cha, Tiêu Phong tìm cha, Đoàn Dự tìm cha, Hư Trúc tìm cha, Thạch Phá Thiên tìm cha, Trương Vô Kỵ tìm nghĩa phụ… Tất cả đều đang tìm cha, tìm kiếm hạnh phúc sum họp hết sức thường.