Theo Express, một giả thuyết về chuyến bay thảm họa của hàng không Malaysia MH370 cho biết có thể máy bay đã ngừng bay giữa không trung khi phi hành đoàn “chết đứng” trước lỗi kỹ thuật của máy bay.
Máy bay MH370 mất tích hôm 8/3/2014 khi đang trên đường từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh, chở theo 239 người trên khoang. Cuộc điều tra chính thức cho thấy máy bay có khả năng đã kết thúc hành trình bay ở đáy Ấn Độ Dương nhưng cũng có nhiều giả thuyết khác được đặt ra.
Các chuyên gia chia sẻ trong bộ phim tài liệu của Channel 5 “Chuyến bay MH370” rằng MH370 có thể đã chung số phận với chuyến bay Air France 447 (AF447) của hàng không Pháp năm 2009.
Vào ngày 1/6/2009, AF447 đã phải trải qua thảm họa khi đang trên đường từ Rio de Janeiro tới Paris chở theo 228 người trên khoang.
|
MH370 có thể đã ngừng bay giữa không trung khi phi hành đoàn “chết đứng” trước lỗi kỹ thuật của máy bay.
|
Chuyên gia hàng không James Healy-Pratt cho biết: “AF447 đã gặp nạn vì thời tiết xấu. Máy bay gặp trục trặc về kỹ thuật và sau đó phi hành đoàn có thể đã lập tức xử lý vấn đề nhưng không được, thảm họa đã xảy ra”.
Băng đã hình thành trong các ống đo tốc độ không khí, làm mất kết nối hệ thống lái tự động. Phi công đã phản ứng sai lầm bằng cách nâng mũi máy bay lên, khiến máy bay giảm tốc độ và tròng trành.
Ông Healy-Pratt nói thêm: "Máy bay đã ngừng bay ở độ cao 10km nên mất 3,5 phút để lao xuống đại dương khiến 228 người trên thiệt mạng”.
Bộ phim tài liệu cũng đặt ra nghi vấn: "Có thể điều gì đó tương tự trong vụ tai nạn này với MH370 không? Có phải phi hành đoàn của MH370 đã phải vật lộn với sự cố trên máy bay hay không?"
Chuyên gia hàng không Jeff Wise đã so sánh hai thảm họa và cho rằng sự cố của hai máy bay có những điểm tương đồng.
Trong cuốn sách xuất bản năm 2015 “Chiếc máy bay không ở đó”, ông Jeff Wise đã chỉ ra rằng trong cả hai trường hợp các máy bay biến mất sau khi đi qua vùng ngoài sự kiểm soát của radar mặt đất trong đêm.
Trong cả hai trường hợp, các kiểm soát viên không lưu cũng rất lâu mới nhận ra điều bất thường vì sau khi biến mất, máy bay lại tiếp tục hiển thị trên màn hình của họ.
Sự khác biệt chính giữa hai thảm kịch là AF447 cuối cùng đã được tìm thấy, bởi vì máy bay đã thường xuyên gửi bản cập nhật dữ liệu bảo trì đến trụ sở của Air France. Dữ liệu GPS đánh dấu vị trí chính xác của máy bay khi nó biến mất. Hai năm sau, các hộp đen máy bay đã được khôi phục.
Ngược lại, mảnh vỡ MH370 không được tìm thấy dù các chuyên gia đã tính toán đến trường hợp liệu phi hành đoàn có thể đã gặp phải sự cố cơ học và hoảng loạn nào giống như phi công AF447 đã có hay không.
Ông Alastair Rosenschein cho biết với Channel 5: "Tất cả các phi công đều biết rằng điều đầu tiên cần làm là lái máy bay, sau đó là trao đổi thông tin. Nhưng đã không có cuộc gọi nào từ các phi công nên người ta nghĩ đến khả năng một tình huống khẩn cấp nào đó đã xảy ra khiến các phi công không thể liên lạc ngay lập tức".
Một giả thuyết cho rằng có thể một chai oxy đã phát nổ và gây ra thảm họa. Đây cũng là điều đã xảy ra với chuyến bay 667 của hàng không Ai Cập hồi năm 2011.
Tuy vậy, đây cũng chỉ là một trong vô vàn những giả thuyết được đặt ra với MH370. Lý do thực sự khiến máy bay mất tích giờ vẫn là điều bí ẩn.