Đế chế Ottoman hình thành ở vùng đất ngày nay gọi là Anatolia, do một thủ lĩnh bộ tộc Kayi tên Osman thành lập vào cuối thế kỷ 13. Đế chế Ottoman trỗi dậy ở thời kỳ mà hai đế chế hùng mạnh nhất thời bấy giờ là Đế chế La Mã và Đế chế Byzantine (Đông La Mã) đều đã suy yếu vì chiến tranh liên miên.
Đế chế Ottoman từng đánh đâu thắng đó, cho đến khi chạm tới vùng đất của Nga.
Đến giữa thế kỷ 14, Đế chế Ottoman tiến sâu về phía tây, kiểm soát vùng Balkan. 100 năm sau, đế chế Ottoman góp công lật đổ đế chế La Mã và đến thế kỷ 17, đế chế Ottoman đã kiểm soát một khu vực rộng lớn, trải dài từ Tây Á, đông nam và trung châu Âu, phía bắc và đông bắc Phi, vùng Caucasus.
Ở thời kỳ đỉnh cao, đế chế Ottoman kiểm soát hơn 5,6 triệu km2 diện tích lãnh thổ với số dân 15 triệu người. Đế chế Ottoman luôn được biết đến là một trong những đế chế lớn nhất và mạnh nhất lịch sử nhân loại. Điều duy nhất mà đế chế này không làm được là cạnh tranh quyền lực với đế quốc Nga.
Mối thù truyền kiếp giữa Nga-Ottoman
Mối quan hệ kình địch Nga-Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ) hình thành từ thế kỷ 16. Đó là khi đế quốc Nga trỗi dậy mạnh mẽ, vươn tầm ảnh hưởng đến Đông Âu và Bắc Âu. Sa hoàng Nga coi mình là người bảo vệ của cộng đồng Cơ Đốc giáo ở phương Đông sau khi thành Constantinople (Istanbul ngày nay) thất thủ năm 1453 dưới tay Đế chế Ottoman của người Thổ. Đế chế Ottoman sau này lấy Constantinople làm thủ đô và trở thành “cái gai” trong mắt Nga.
Căng thẳng Nga-Ottoman lên đến đỉnh diểm khi đế chế tiếp tục mở rộng lãnh thổ vào Trung Đông và vùng Balkans - khu vực sinh sống của người Slav theo Chính thống giáo, được Nga bảo vệ.
Từ năm 1568 đến 1878, đế chế Ottoman của người Thổ đã tiến hành 12 cuộc chiến tranh với đế quốc Nga, nhằm mở rộng lãnh thổ về phía biển Đen và khu vực Caucasus. Trong các cuộc chiến này, Nga giành chiến thắng 8 lần, còn người Thổ chỉ chiến thắng 4 lần.
Đế chế Ottoman ở thời hùng mạnh nhất.
Các trận chiến liên miên và phần lớn thua cuộc thuộc người Thổ đã khiến đế chế Ottoman suy yếu. Các sultan (vua) vào lúc này thường chỉ vui thú hưởng lạc trong hậu cung. Đến khi các đối thủ ở châu Âu và đế quốc Nga trỗi dậy mạnh mẽ thì các vị vua Ottoman vội vàng tiến hành cải cách nhưng đều đã muộn.
Giai đoạn năm 1568-1570, cuộc chiến đầu tiên giữa đế chế Ottoman và đế quốc Nga nổ ra chỉ vì vua Ottoman có kế hoạch xây dựng một kênh đào, đi qua vùng đất mà Sa hoàng Nga là Ivan Bạo chúa chiếm được.
Người Thổ khi đó chưa quá lo ngại Nga nên chỉ đem đến vùng Balkan một đội quân nhỏ và công binh. Cuộc chiến kết thúc khi đội quân Ottoman vừa bị chết cóng, vừa phải đối đầu với đội quân thiện chiến đến từ phương đông.
Đến năm 1676, Đế chế Ottoman lại gây chiến với Nga ở vùng đất ngày nay là Ukraine. Người Thổ muốn tiếp tục mở rộng lãnh thổ vào sâu trong lãnh địa của người Slav, bằng cách sử dụng chính những người Slav ở Crimea để phục vụ chiến tranh với đế quốc Nga. Cuộc chiến kết thúc với phần thắng nghiêng về Nga, dù lãnh thổ của hai phe không thay đổi;
Năm 1686, tình hình trở nên khó khăn khi các quốc gia ở châu Âu, Áo, liên minh Ba Lan-Lithuania ngả về Nga để đẩy lùi đế chế Ottoman khỏi Hungary, Ba Lan và vùng Balkan. Trong khi người Thổ chịu tổn thất nặng nề, đế quốc Nga gần như không tốn binh lực vì để các đồng minh phương Tây gánh hầu hết phần việc.
Năm 1710, vua Thụy Điển Charles XII bại trận ở Nga và rút chạy về thành trì của người Thổ ở vùng đất ngày nay là Modolva. Quân Nga do Sa hoàng Peter Đại đế dẫn đầu yêu cầu người Thổ giao nộp Charles XII. Nhưng quân Ottoman phản ứng bằng cách tràn ra tấn công, khiến quân Nga thiệt hại nặng. Thừa thắng xông lên, đế chế Ottoman chiếm lại vùng Azoz bị mất và khiến Nga phải cam kết không can thiệp vào vấn đề nội bộ của liên minh Ba Lan-Lithuania – là đồng minh của Ottoman ở thời điểm đó.
Đế chế hùng mạnh xuống dốc không phanh
Đế chế Ottoman từng nắm quyền kiểm soát đến Ukraine và Crimea ngày nay.
Trận đánh bắt đầu sự xuống dốc của đế chế Ottoman chính là cuộc chiến với Nga giai doạn 1768-1774. Người Thổ được đánh giá trên cơ trong cuộc chiến này bởi đế quốc Nga có phần suy yếu và bị vấn đề nổi loạn ở Ba Lan chi phối.
Hải quân Ottoman ở Biển Đen khi đó chiếm trọn sức mạnh trên biển, trong khi bộ binh là một trong những lực lượng tinh nhuệ nhất lúc bấy giờ. Nhưng kết quả cuộc chiến hoàn toàn bất ngờ. Người Nga đánh bại đế chế Ottoman dù Anh, Pháp và Áo cố gắng can thiệp bằng ngoại giao. Quân Nga tiếp tục nhấn chìm hạm đội Ottoman ở Địa Trung Hải, Caucasus và Crimea.
13 năm sau, người Thổ liên tiếng yêu cầu đế quốc Nga trả lại Crimea và các cảng biển quan trọng ở Biển Đen. Đáp trả lại, Nga liên minh với Áo đánh sâu vào trong lãnh thổ Ottoman, thậm chí còn đến ngay trước thành trì Istanbul. Mọi chuyện chỉ chấm dứt khi đế chế Ottoman ký hiệp ước công nhận chủ quyền của Nga với Crimea và vùng đất ngày nay là Ukraine.
Trong cuộc chiến tranh Crimea năm 1853-1856, đế chế Ottoman giành chiến thắng cuối cùng trước đối thủ truyền kiếp là Nga. Ottoman khi đó yếu đến mức cần có Pháp, Anh nhảy vào can thiệp vì mâu thuẫn trong việc phân chia quyền lực ở vùng đất của người Thổ. Chiến thắng này không giúp đế chế Ottoman giành được thêm bất cứ vùng đất nào, trong khi đế quốc Nga bị phong tỏa ở Biển Đen.
Ngày 29/10/1914, đế chế Ottoman phát động cuộc chiến với Nga ở bờ Biển Đen, sau này leo thang thành Thế chiến 1. Anh và Pháp lúc này lại đổi phe, liên minh với Nga gây chiến với đế chế Ottoman. Đó là lúc các cường quốc hiện đại xâu xé lãnh thổ Ottoman.
Theo hiệp ước năm 1920, Pháp và Anh chiếm các vùng đất ở Trung Đông. Quân đồng minh tiến vào thủ đô Constantinople với lý do chấm dứt chiến tranh. Đế chế Ottoman lúc này chỉ còn kiểm soát một vùng đất nhỏ ở Anatolia.
Đó là lúc những người Thổ Nhĩ Kỳ theo chủ nghĩa dân tộc đứng lên đấu tranh đòi độc lập. Năm 1922, đế chế Ottoman chính thức chấm dứt sự tồn tại, đặt nền móng cho nhà nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay.