Bật mí “sát thủ khí cầu” của Liên Xô trong thời Chiến tranh Lạnh

Google News

Trong thời Chiến tranh Lạnh, Liên Xô phát hiện nhiều khí cầu trinh sát của một số nước phương Tây xâm nhập vào lãnh thổ. Theo đó, Liên Xô đã nghiên cứu, chế tạo các "sát thủ khí cầu" để bắn hạ những khí cầu do thám của đối phương.

Sau khi Thế chiến 2 kết thúc, thế giới bước vào thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Trong thời kỳ căng thẳng này, lực lượng phòng không Liên Xô đã phát hiện hàng ngàn khinh khí cầu của một số nước phương Tây bay không phận. Theo ước tính, từ năm 1956 - 1977, Liên Xô phát hiện hiện hơn 4.000 khinh khí cầu của đối phương trong không phận nước này.
Thậm chí, một số khí cầu của đối phương bay vào sâu trong lãnh thổ Liên Xô. Điều này trở thành mối lo ngại lớn đối với giới chức Liên Xô. Các nhà chức trách tìm cách tiêu diệt những khí cầu do thám này.
Ban đầu, Liên Xô đã triển khai một số máy bay chiến đấu và tên lửa phòng không để bắn hạ khí cầu do thám của đối phương nhưng không đạt được hiệu quả như mong đợi. Bởi lẽ, hàng chục máy bay được giao nhiệm vụ "xử lý" một khinh khí cầu. Theo đó, chi phí và nhân lực cho mỗi nhiệm vụ như vậy rất tốn kém.
Vậy nên, giới chức Liên Xô đã quyết định triển khai dự án nghiên cứu và chế tạo "sát thủ khí cầu". Đây là dự án phát triển máy bay đánh chặn khí cầu tầm cao. Liên Xô triển khai dự án này vào đầu những năm 1970.
Khí cầu do thám thường có diện tích phản xạ radar rất nhỏ. Vậy nên, máy bay "sát thủ khí cầu" cần phải được trang bị cảm biến quang - điện tử và vũ khí uy lực để có thể dễ dàng phát hiện, phá hủy khí cầu của đối phương xâm nhập vào lãnh thổ.
Bat mi “sat thu khi cau” cua Lien Xo trong thoi Chien tranh Lanh
Một máy bay diệt khinh khí cầu M-17 được trưng bày tại bảo tàng ở Monino, Moskva. 
Dự án vũ khí diệt khí cầu đầu tiên được Liên Xô lựa chọn là máy bay Myasishchev M-17 do nhóm của Vladimir Myasishchev thiết kế. Mẫu máy bay này được trang bị pháo 23 mm với loại đạn đặc biệt.
Tuy nhiên, về sau, máy bay M-17 xuất hiện một số vấn đề kỹ thuật nên giới chức Liên Xô quyết định phát triển một loại máy bay mới là Beriev A-60. Theo các tài liệu được công bố, máy bay A-60 do Phòng thiết kế Beriev phát triển, được hoán cải từ vận tải cơ Il-76MD. Mẫu máy bay này được trang bị tổ hợp vũ khí pháo laser chuyên đối phó khí cầu tầm cao.
Vào ngày 19/8/1981, nguyên mẫu đầu tiên được thử nghiệm với tên mã Izdeliye 1A. Khi ấy, kỹ sư Liên Xô trang bị máy phát laser ở trong khoang hàng và hệ thống gương phản chiếu ở trong khoang kín trên lưng máy bay.
Izdeliye 1A còn trang bị pháo laser của A-60 có tầm bắn khoảng 40 km và có thể chiếu tia liên tục trong 50 giây. Thêm nữa, hệ thống dẫn bắn gồm radar Ladoga-3 với đĩa thu phát đường kính 1,5 m lắp ở mũi máy bay Izdeliye 1A. Với tổ hợp chiếu xạ mục tiêu bằng laser, máy bay Izdeliye 1A có thể phát hiện, truy đuổi và bắn hạ khí cầu ở khoảng cách tối đa 70 km.
Đến nửa sau những năm 1980, máy bay "sát thủ khí cầu" không còn được Liên Xô chú trọng bởi khí cầu ngày càng ít được các nước phương Tây sử dụng. Do đó, dự án vũ khí diệt khí cầu kết thúc trong âm thầm.

Mời độc giả xem video: Chuyến bay trên khinh khí cầu diễn ra thế nào những năm 1930?. Nguồn: Kienthuc.net.vn.


Tâm Anh (TH)

>> xem thêm

Bình luận(0)