Theo quan niệm xưa, khi đốt hương, hương cháy sẽ để lại tàn rơi xuống chân nhang nên nhà nào mà có bát hương vòng to, đẹp là có “lộc hương”. Do đó, chắc chắn nhà có bát hương như này là gia chủ có phước lớn, nhiều tài lộc, điềm báo của một sự may mắn, đầy đủ mà bề trên trao tặng.
Ngay lập tức, bức ảnh được lan truyền trên mạng xã hội, có người ghen tị, ngưỡng mộ, có người lại đăng ngay bát hương nhà mình vào phần bình luận để “đọ” xem nhà ai nhiều lộc hơn.
“Đẹp quá, ở chỗ mình người ta bảo bát hương như vậy là nhà nhiều lộc lá lắm đấy, chúc mừng nhé!”, Minh Lam Tran bình luận.
Mi Pham chia sẻ: “Ngày xưa nhà mình cũng có 1 bát hương như thế, ai đến chơi nhà cũng bảo tốt phước mà chẳng biết có đúng không, thôi cứ nghĩ vậy cho có động lực mọi người ạ”
Theo GS. TS Cao Ngọc Lân (chuyên gia phong thủy) thì nén nhang giống như sự chứng giám của về trên, thông qua nó, gia chủ có thể biết được thông điệp mà ông bà tổ tiên mình gửi gắm. Vậy nên, trường hợp bát hương có quá nhiều tàn, uốn cong thì cũng có thể là niềm vui, điềm tốt dành cho gia đình. Tuy nhiên, theo ông mọi thứ phải thật tự nhiên, không khiên cưỡng thì mới có lộc.
Còn chuyên gia phong thủy Nguyễn Võ Uyên Mi (TP.HCM) lại cho rằng, không thể phủ nhận chuyện cùng một loại nhang nhưng người thắp được tàn hương dài, rủ xuống rất đẹp, người thì cứ đốt là rơi hết tàn xuống. Đây cũng có thể được xem là nặng lượng mà “người trên” ban tặng cho gia chủ. Tuy vậy, nếu chỉ dựa vào tàn dang rơi rớt hay không mà khẳng định chuyện tài lộc thì rõ ràng là không có căn cứ. Lộc lá đích thực là do cách con người ăn ở, tu tâm tích đức dài lâu thì mới có.
Còn có nhiều người cho rằng, tàn hương vòng được như thế là do người ta sản xuất ra loại hương cuốn này. Do đó, khi tìm hỏi thợ làm hương, họ cho biết, trước đây hương thường chỉ có loại đốt lên có hương thơm nhưng sẽ chóng tàn. Ngày nay do nhiều gia đình có nhu cầu, thích có bát hương đẹp nên họ đã sản xuất ra hương cuốn tàn.Cách làm loại hương này tượng tự như hương thường nhưng bí quyết để nó tàn lâu chính là vì được ngâm trong dung dịch axit nitric (HNO3) hay axit photphoric (H3PO4).
Có nên rút, tỉa chân hương trên ban thờ tổ tiên?
Không ít người có quan niệm rằng, bát hương ngày đầy chân hương, thậm chí càng um tùm thì càng linh thiêng, càng nhiều tài lộc.
Họ không có thói quen rút tỉa chân hương định kỳ mà để chúng um tùm, chân hương sau cắm lên chân hương trước thành tầng tầng lớp lớp, năm này qua năm khác.
Theo ông Vũ Thế Khanh (Tổng Giám đốc Liên hiệp khoa học Công nghệ và tin học ứng dụng UIA), quan niệm trên chỉ là suy đoán, không hề có căn cứ.
Ông Khanh cho biết, tỉa chân nhang là một trong những việc quan trọng nhất trong khâu dọn dẹp bàn thờ. Việc để bát hương quá đầy không chỉ khiến bát hương bị rác, bàn thờ sẽ nhanh bụi bẩn, mà còn tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn cao nếu không cẩn trọng.
Theo các nhiều nhà tâm linh khác, việc không tỉa chân hương, để bát hương quá đầy, khi thắp những nén hương tiếp theo không chạm được vào bát hương được sẽ chèn lên chân hương trước, như vậy việc thắp hương sẽ không còn ý nghĩa.
Hơn thế, bát hương mà có chân hương cao sẽ giống như cái cột “che mắt” thần linh, gia tiên, cũng giống như ta đang ngồi mà có vật gì chắn trước mặt sẽ cảm thấy rất khó chịu.