Thời phong kiến ở Trung Quốc, những người phụ nữ không cần làm phi tần cũng có được địa vị cao chỉ có thể là bà vú của các hoàng tử, đặc biệt là bà vú của vị hoàng tử được kế vị ngai vàng. Họ có "công dưỡng", nuôi dạy các hoàng tử nên rất được trọng vọng, không cần lo lắng về cái ăn cái mặc, gia đình cũng được "thơm lây". Thế nhưng, bà vú của Hoàng đế Phổ Nghi - Hoàng đế cuối cùng của chế độ phong kiến Trung Quốc - lại không may mắn được như vậy.
Phổ Nghi đã nhắc đến bà vú của mình - Vương Tiêu thị - trong cuốn tự truyện "Nửa đời trước của tôi". Không đơn giản chỉ là người cấp sữa, đối với Phổ Nghi, bà vú này còn là người giúp ông thay đổi, dạy cho ông biết thế nào là "tính người".Vương Tiêu thị là người phụ nữ sinh ra trong một gia đình nghèo khó, cuộc sống thêm khó khăn khi phải sinh tồn trong thời thế loạn lạc, thiên tai hoàng hành. Khi ứng tuyển làm vú nuôi cho Phổ Nghi của phủ Thuần Thân vương, bà đã vượt qua vô số bước để được lựa chọn. Thế nhưng điều này hóa ra lại không phải là may mắn khi Phổ Nghi chưa lên ba đã phải làm Hoàng đế. Vương Tiêu thị vì là bà vú nên cũng phải theo vào cung, chịu đủ mệt mỏi.
Cụ thể, Vương Tiêu thị phải tuân thủ luật lệ nghiêm ngặt, không được về nhà, cũng không được phép gặp mặt người thân vì tính chất nghề nghiệp. Thông thường, các bà vú sẽ được thay thế sau 3 tháng để tránh quá thân thiết với các hoàng tử, thế nhưng Phổ Nghi chỉ có mỗi bà vú là người thân thiết và có thể dựa dẫm nên khi đó đã kiên quyết không cho bà về nhà, cũng không chấp nhận thay bà vú mới.
Suốt 3 năm trời không được về nhà, con gái Vương Tiêu thị vì thiếu sữa mà qua đời. Ấy vậy mà bà lại bị người trong vương phủ che giấu để có thể chuyên tâm phục vụ Phổ Nghi. Chỉ đến khi Phổ Nghi lên 9, không còn cần bà vú nữa, Vương Tiêu thị mới được phép về nhà. Thế nhưng con gái bà khi đó không còn nữa, Vương Tiêu thị chỉ có thể đau khổ, oán trách bản thân khi phải làm cái nghề vú nuôi đầy chua chát.