Hòa Thân là tham quan nức tiếng trong lịch sử Trung Hoa. Tuy nhiên, để đi đến đỉnh cao sự nghiệp, không thể không công nhận hắn thực sự vô cùng thông minh, khéo léo, giỏi xu nịnh, đoán ý quân vương. Minh chứng rõ nhất và cực kì thú vị về "biệt tài" của Hòa Thân thể hiện rõ trong lần tham quan này theo chân Càn Long đi vi hành, xem xét tình hình cứu trợ hạn hán ở phương Nam.
Theo sử sách ghi lại thì vào năm hạn hán ở phương Nam, triều đình từng cử nhiều đại thần tới vùng thiên tai để phân phát lương thực cho người dân nhưng lương thực ngày một hao hụt mà lượng người đến xin cứu trợ cứ tăng lên. Sau đó quan quân với tìm ra lý do, đó chính là có nhiều người dù không chịu ảnh hưởng của thiên tai nhưng vẫn đến nơi cứu trợ để xin bữa ăn miễn phí. Như vậy thì người nghèo thực sự không được ăn no, đồ tiếp tế của triều đình cũng cạn kiệt dần.
Bấy giờ Hòa Thân mới nghe lệnh vua đến vùng thiên tai để thám thính. Hắn sai người thêm cát vào cháo cứu trợ của người dân khiến nhiều quan lại bất bình, thẳng thừng dâng sớ vạch tội lên vua. Lúc bấy giờ Hòa Thân mới lên tiếng giải thích ngọn ngành. Y cho rằng không phải tất cả người đến nhận cứu trợ cũng đều là dân gặp nạn. Để phân biệt chúng thì hắn bỏ thêm cát vào cháo, kẻ giả mạo sẽ không thể ăn vì quen với đồ ăn ngon trong khi người nghèo vì quá đói khát sẽ cố ăn để được no bụng.
Nghe xong kế sách của Hòa Thân, Càn Long vô cùng hài lòng. Vua không chỉ khen nức nở đại thần thân cận mà còn trọng thưởng cho hắn. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng Hòa Thân chỉ là dùng chút mẹo nhỏ để nhanh chóng xong việc, bất chấp sức khỏe của dân nghèo. Tuy nhiên, quan trọng là kết quả mà tham quan này đem lại khiến bậc quân vương hài lòng thì hắn đã đạt được mục đích cũng như củng cố thêm vị trí của mình trong triều đình.