Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC (CEO Summit - diễn ra từ ngày 8-10/11) là một trong những sự kiện chính diễn ra trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tổ chức tại Đà Nẵng. Tuần lễ Cấp cao APEC chính là chuỗi sự kiện cuối cùng và quan trọng nhất trong Năm APEC 2017 do Việt Nam tổ chức. Theo ước tính, khoảng 12.000 - 14.000 đại biểu của 21 nền kinh tế thành viên tham gia Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC với chủ đề "Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung", trong đó có 2.000 đại biểu chính thức, 5.000 doanh nghiệp.
Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đồng thời là Chủ tịch APEC CEO Summit 2017 diễn ra vào ngày 8/11, ông Vũ Tiến Lộc cho hay đây là hội nghị doanh nghiệp lớn nhất trong lịch sử APEC.
"APEC CEO Summit năm nay là Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp lớn nhất trong lịch sử APEC, diễn ra ở thời điểm hệ trọng của khu vực này khi mà chúng ta cần chung tay sáng tạo ra những động lực mới cho tương lai, thời điểm mà quá trình toàn cầu hóa và hội nhập khu vực cần được định hình lại để đáp ứng các yêu cầu của thời đại mới", ông Vũ Tiến Lộc phát biểu.
Ông Vũ Tiến Lộc cho biết hội nghị bàn về những ngành công nghiệp đem đến cơ hội việc làm trong tương lai. Phát biểu về vấn đề này, ông Vũ Tiến Lộc nói: "Đặt vấn đề lao động và việc làm lên trên tất cả có nghĩa là chúng ta đã đặt con người và doanh nghiệp vào trung tâm của sự phát triển - tôn chỉ cao nhất mà các nền kinh tế APEC đang hướng tới".
|
Các lãnh đạo, doanh nhân thế giới đã có những phát biểu nổi bật tại Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC (APEC CEO Summit). Ảnh: TTXVN. |
Tại Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC (APEC CEO Summit) ngày 9/11 với chủ đề “Đối thoại về các phương pháp tiếp cận để thúc đẩy các công nghệ, công ty và ngành tạo thêm nhiều việc làm trong thị trường toàn cầu đầy cạnh tranh và năng động”, các lãnh đạo, doanh nhân đã APEC bàn về robot và công việc của con người.
Liên quan đến vấn đề công việc của con người trong tương lai, Ngoại trưởng Canada, bà Chrystia Freeland cho rằng chúng ta cần tận dụng công nghệ để tạo việc làm mới cho xã hội.
"Dù có nhiều lo lắng nhưng chúng ta vẫn phải tự tin và lạc quan hơn. Cần tận dụng cơ hội này để có kỹ năng làm việc mới, tận dụng công nghệ để tạo việc làm mới cho xã hội. Chúng ta không thể nói một cách đơn giản máy móc có thể thay con người nhưng nhìn chung chúng ta phải có kĩ năng mới để thay thế việc làm ở trình độ mới", Ngoại trưởng Canada, bà Chrystia Freeland phát biểu.
>> Mời quý vị độc giả xem video Đà Nẵng đẹp lộng lẫy trong video quảng bá dịp APEC (nguồn: Zing):
Có chung nhận định với bà Chrystia Freeland, Chủ tịch kiêm CEO của CreditEase (một trong những công ty fintech hàng đầu Trung Quốc), ông Ning Tang cho rằng, công nghệ làm mất đi một số công việc truyền thống nhưng đồng thời nó sẽ mang đến cơ hội mới cho các ngành nghề như dịch vụ và mô hình kinh doanh dựa trên kinh nghiệm, kỹ năng.
"Ở Mỹ khi nhiều người lo ngại việc giao dịch ngân hàng trên mạng sẽ dẫn đến tình trạng mất việc làm nhưng thực ra điều đó lại tạo ra rất nhiều công việc khác. Chúng ta có Chatbot, tôi nghĩ là công nghệ đó sẽ thay thế người tư vấn, đây là ví dụ cho thấy công nghệ giúp giảm thiểu thời gian, bổ trợ cho công việc của con người", Chủ tịch Ning Tang phát biểu.
Chủ tịch kiêm CEO của CreditEase còn lấy thêm một ví dụ khác về ngành bảo hiểm, vốn được cho là ngày càng quan trọng với doanh nghiệp nhỏ và người tiêu dùng mới.
"Dù có ý kiến cho rằng công nghệ sẽ khiến công việc bán bảo hiểm biến mất nhưng ngược lại, theo tôi, công nghệ sẽ giúp người môi giới bán bảo hiểm tốt hơn, thuyết phục khách hàng hiệu quả", ông Ning Tang cho hay.