Trong Tam Quốc, có rất nhiều nhân tài vô cùng nổi bật, trở thành nhân vật được mọi người tôn sùng, lưu danh sử sách. Trong số những người này, không thể không kể đến Gia Cát Lượng.
Hẳn chúng ta đều đã quá quen với câu nói: "Ngọa Long - Phượng Sồ, có được một trong hai người này là có thể nắm thiên hạ" – câu nói đánh giá cao tài năng xuất chúng của Ngọa Long và Phượng Sồ. Ngọa Long chính là Gia Cát Lượng.
Nhưng niềm tiếc nuối lớn nhất cuộc đời Gia Cát Lượng chính là: Dưới sự phò tá của ông, sau cùng Thục Hán vẫn không thể thống nhất thiên hạ. Dòng chảy lịch sử cũng chuyển động theo cách nằm ngoài dự đoán của con người, hai nhà Tào Ngụy và Đông Ngô về sau cũng không có được thiên hạ, mà tất cả mọi thành quả lại rơi vào tay gia tộc Tư Mã hưởng lợi.
Có một câu hỏi đặt ra là: Trong suốt cuộc đời làm mưu sĩ của Gia Cát Lượng, ai mới là người ông căm hận nhất?
Có ý kiến cho rằng Gia Cát Lượng hận Tào Tháo và Chu Du. Tuy nhiên theo phân tích từ các thông tin lịch sử thì người Khổng Minh hận nhất không phải Tào Tháo, cũng không phải Chu Du, thay vào đó là một nhân vật rất nhiều người không nghĩ tới.
Trước hết, Tào Tháo, Chu Du và Gia Cát Lượng, quan hệ giữa ba người họ có thể nói là người tài quý mến người tài.
Chu Du, Tào Tháo và Gia Cát Lượng đều là nhân sĩ có tài năng thời Tam Quốc, ba người họ không hề căm hận lẫn nhau mà chẳng qua phò chủ nào thì theo chủ nấy nên có sự xung đột về phe phái mà thôi, trên thực tế, giữa họ có tồn tại tình cảm quý mến và nể trọng giữa các anh hùng với nhau.
Bởi vậy mới nói người Gia Cát Lượng căm hận hoàn toàn không phải Tào Tháo hay Chu Du. Với họ, Khổng Minh tiên sinh mang lòng kính nể nhiều hơn.
Vậy người Gia Cát Lượng căm hận nhất là ai? Theo quan điểm của trang Sohu (Trung Quốc), người này chắc hẳn là Mạnh Đạt.
Mạnh Đạt chỉ là một tướng quân hết sức bình thường của Thục Hán, tại sao nói người Gia Cát Lượng căm hận nhất cuộc đời lại là Mạnh Đạt? Thật ra giữa Gia Cát Lượng và Mạnh Đạt không chỉ có thù chung mà còn có cả thù riêng.
Thù chung đó là: Quan Vũ đánh mất Kinh Châu, Mạnh Đạt không ra tay giúp đỡ để rồi cuối cùng Quan Vũ không thể giữ được Kinh Châu, bản thân còn bỏ mạng.
Với Gia Cát Lượng, hoặc với Thục Hán mà nói, Kinh Châu là một vùng đất hết sức quan trọng, khi đưa ra "Long Trung đối sách" Gia Cát Lượng đã nhắc tới.
Kinh Châu mới là nhân tố quyết định của Thục Hán, nếu như Kinh Châu thất thủ, vậy thì Thục Hán sẽ rơi vào cảnh ngàn cân treo sợi tóc.
Vậy mà trong trận Tương Dương - Phàn Thành, bốn quận Kinh Châu bị Đông Ngô cướp mất; ba quận Thượng Dung, Tây Thành, Phòng Lăng lại bị Tào Nguỵ chiếm được, có thể nói, tuyến đường đánh lên phía Bắc của Thục Hán đã hoàn toàn bị chặt đứt. Thục Hán hoàn toàn không còn ở tình thế tốt, Mạnh Đạt không ra tay trợ giúp Quan Vũ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, hiển nhiên Gia Cát Lượng vô cùng căm hận ông.
Thù riêng đó là: Rất có thể chị gái của Gia Cát Lượng chết trọng trận chiến công thành của Mạnh Đạt.
Khi ấy ở Kinh Châu, giữa các dòng họ lớn thích kết thông gia, thật ra kết thông gia là để củng cố địa vị của gia tộc. Các gia tộc lớn đều kết thông gia với nhau, gia tộc của Gia Cát Lượng cũng không nằm ngoài số đó. Khi ấy, chị cả của Gia Cát Lượng được gả cho Thái thú Phòng Lăng.
Nhưng khi Mạnh Đạt tấn công Phòng Lăng, anh rể của Gia Cát Lượng - cũng tức là Thái thú Phòng Lăng đã chết dưới tay đám loạn quân. Chị cả của Gia Cát Lượng cũng không còn tin tức.
Trong tài liệu lịch sử về sau hoàn toàn không có chút thông tin gì về chị cả của Gia Cát Lượng. Điều này cũng có nghĩa là, khi Mạnh Đạt tấn công vào Phòng Lăng, rất có khả năng chị cả của ông cũng bị đám loạn quân giết chết. Cũng tức là, xét từ điểm này, giữa Gia Cát Lượng và Mạnh Đạt có mối thù riêng.
Từ hai điều nêu trên, có thể nhận thấy người Gia Cát Lượng căm hận nhất chính là Mạnh Đạt. Nhưng cuối cùng, vì kế hoạch lâu dài của Thục Hán, Gia Cát Lượng vẫn dụ hàng nhân vật này. Không thể không nói, tấm lòng của Thừa tướng Gia Cát quả thật rộng lớn.