Trần Hữu Phúc (sinh năm 1994) đang bắt đầu nghiên cứu tại Đại học Y Vienna theo chương trình tiến sĩ Enlighten+ Marie-Curie (MSCA) tại Áo, liên kết với Đại học Tartu (Estonia) và công ty Qiagen (Đan Mạch).
|
Trần Hữu Phúc giành học bổng danh tiếng sau 40 lần bị từ chối |
Niềm vui của “tiến sĩ tương lai” này vẫn cảm nhận được một cách rõ ràng, bởi cậu đã trải qua một hành trình xin học bổng khá gian nan. Nhất là khi MSCA là một học bổng danh giá, với tỉ lệ cạnh tranh thường rất cao. Ví dụ như trong 1 chương trình MSCA Phúc từng nộp có 450 thí sinh với 580 đơn cho 15 vị trí.
Học bổng MSCA là một trong những học bổng cạnh tranh nhất và sáng giá nhất ở Châu Âu. Cơ quan điều hành nghiên cứu Research Executive Agency đã cấp hơn 6 tỷ euro cho chương trình Marie Curie.
Không tiết lộ cụ thể, song Phúc cho biết MSCA đem đến cho người học một mức lương cao hơn hẳn so với mặt bằng chung của các nghiên cứu sinh và thậm chí hơn hẳn các tiến sĩ đã tốt nghiệp. Ngoài ra, còn có cơ hội kết nối với các nhà nghiên cứu trong cùng dự án ở nhiều nước khác nhau tại châu Âu.
30 bộ hồ sơ cho 40 vị trí
Sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Khoa học - ĐH Huế, năm 2018, Trần Hữu Phúc du học thạc sĩ ngành miễn dịch học tại bệnh viện Asan - ĐH Ulsan (Hàn Quốc).
“Miễn dịch là đề tài đang được quan tâm gần đây, mình may mắn khi làm quen nhiều với lĩnh vực này nhiều hơn ở bậc Thạc sĩ và mong muốn tiếp tục hướng nghiên cứu này trong tương lai”.
|
Hữu Phúc trong thời gian du học thạc sĩ tại Hàn Quốc |
Con đường xin học bổng tiến sĩ của Trần Hữu Phúc có thể tính từ tháng 11/2020, khi cậu hướng đến ĐH Helsinski (Phần Lan). Tuy đã chuẩn bị tốt, lọt tới vòng quyết định nhưng Phúc bị từ chối.
“Dù đã tập phỏng vấn và chuẩn bị khá kỹ, lần đầu trải nghiệm phỏng vấn thật không dễ dàng khi mình cần tinh tế hơn trong cách mô tả kinh nghiệm bản thân, cách làm việc nhóm và định hướng giải quyết các vấn đề của dự án mới”.
Vài tuần sau, Phúc lại tiếp tục được phỏng vấn học bổng Marie-Curie tại Đức và Thuỵ Sĩ, khi vào tới vòng phỏng vấn 1:1, cậu lại tiếp tục không được chọn.
“Lần đầu phỏng vấn với hội đồng nhiều Giáo sư và giám đốc công ty khá căng thẳng, khi nhiều Giáo sư có chuyên môn khác nhau đặt ra rất nhiều câu hỏi hóc búa cho đề tài Tiến sĩ của mình. Mình nhận được những góc nhìn mới từ các Giáo sư phỏng vấn. Một tuần sau, Giáo sư chính có đề cập phỏng vấn một vị trí khác trong chương trình, nhưng nhận thấy dự án đó không phù hợp nên mình đã từ chối để theo đuổi những vị trí khác” - Phúc kể lại.
|
Những chương trình mà Hữu Phúc từng nộp hồ sơ xin học bổng tiến sĩ |
Trong vài tháng sau đó, Phúc tiếp tục ‘bắn’ hồ sơ đi nhiều nơi khác nhau tại châu Âu…, nhưng vẫn chỉ nhận lại lời từ chối.
“Sau khoảng 2 tháng toàn nhận kết quả bị loại ở vòng hồ sơ, mỗi tuần 2-3 thư như thế, mình cũng khá lo lắng vì muốn kịp đi học trước kỳ mùa thu. Mình cũng bắt đầu lo sợ liệu rằng mình có quá đề cao bản thân khi nộp vào các trường thứ hạng tầm trung và cao, trong khi các chủ đề nghiên cứu mình theo đuổi thường rất cạnh tranh với các sinh viên trên toàn thế giới” – Phúc nhớ lại những trạng thái cảm xúc mà cậu đã trải qua trong quãng thời gian xin học bổng.
Vào đầu tháng 4 năm nay, Phúc nhận được email phỏng vấn của 2 Giáo sư của cùng một chương trình MSCA. Rút kinh nghiệm từ các đợt phỏng vấn trước, cậu đã chuẩn bị kỹ hơn cho các bài trình bày cũng như cách mô tả bản thân ngắn gọn và ấn tượng.
“Kinh nghiệm 2 lần phỏng vấn trước giúp mình tự tin khi trả lời các câu hỏi và nhận thấy sự hài lòng của các Giáo sư cùng sinh viên trong phòng thí nghiệm đó. Mình khá bất ngờ khi Giáo sư bên Áo chấp nhận sau 2 cuộc phỏng vấn chỉ trong vòng 27 giờ. Thời gian xảy ra khá nhanh, mình không kịp chờ kết quả phỏng vấn phía bên Pháp nên đồng ý bên Áo. Mình thấy lựa chọn này rất tốt khi nhận được nhiều hỗ trợ từ Giáo sư và đồng nghiệp, môi trường làm việc rất thuận lợi” – Phúc chia sẻ về quyết định của mình.
Cho đến khi nhận được kết quả này, chỉ còn 3 trong số gần 30 bộ hồ sơ mà Phúc gửi đi chưa có kết quả.
Nói về sự kiên trì khi “rải” tới 30 bộ hồ sơ xin học bổng, Phúc cho biết mình cũng đã chuẩn bị kỹ lưỡng từ hồi học thạc sĩ nên tự tin sẽ tìm được vị trí phù hợp.
“Việc nộp 5-10 hồ sơ đầu tiên sẽ bỡ ngỡ về quy trình nộp và các giấy tờ kèm theo, về sau thì chỉ cần dành thời gian ngắn có thể hoàn thành nên mình đã rải nhiều hơn để nhận được 4 vị trí gọi phỏng vấn. Mình cũng may mắn khi có giáo viên cố vấn tận tình và nhiều anh chị hỗ trợ các kinh nghiệm phỏng vấn”.
Hữu Phúc cũng tự nhận định rằng hồ sơ của cậu chỉ đủ tốt và không xuất sắc, cậu cho rằng điểm mấu chốt nằm ở sự chuẩn bị cho quá trình xin học bổng, cộng với sự phù hợp với dự án và chút may mắn.
TS.DS Phạm Đức Hùng – research fellow tại Bệnh viện Nhi Cincinnati (Mỹ) là người đã hỗ trợ cho Phúc và nhiều bạn trẻ Việt Nam trong quá trình chuẩn bị hồ sơ xin học bổng du học. Anh cho biết điều anh thích nhất ở Hữu Phúc là tinh thần lạc quan, không chấp nhận bỏ cuộc.
“Phúc nói em ấy tự tin vào khả năng của bản thân và lạc quan hơn vì đã có những người có kinh nghiệm như mình tiếp sức”.
Sẽ nghiên cứu sâu hơn sau tiến sĩ
Ngành học mà Hữu Phúc theo đuổi ở bậc tiến sĩ tiếp tục là Miễn dịch học.
“Trong các đề tài bậc tiến sĩ, mình hy vọng sẽ làm rõ hơn những cơ chế cũng như vai trò của các tế bào miễn dịch trong bệnh tự miễn và tác động của các thuốc ức chế lên các tế bào này” – Phúc cho biết. Cậu cũng hướng đến một vị trí postdoc về hướng nghiên cứu này ở châu Âu sau khi hoàn thành bậc tiến sĩ.
Còn hiện tại, bên cạnh việc học và nghiên cứu, theo đuổi các sở thích là nấu ăn và du lịch, Phúc vẫn thường lướt tìm các học bổng phù hợp để gửi cho các bạn cùng ngành Y sinh, hỗ trợ cách tìm học bổng, sửa CV hay tập phỏng vấn.
“Dù kinh nghiệm không quá nhiều, mình nghĩ có thể giúp các bạn tránh những sai lầm mà mình từng mắc phải để tìm được học bổng dễ dàng hơn”.
Phúc cũng hy vọng với trường hợp của mình, các bạn trẻ khác sẽ cảm thấy thân thuộc và tự tin hơn. Bởi dù hồ sơ không quá nổi bật - GPA đủ giỏi, không xuất sắc, không nhiều hoạt động ngoại khóa, không nhiều giải thưởng, công trình nghiên cứu đã công bố chủ yếu là trong nước… nhưng 9X này vẫn tìm được học bổng tốt.