Thời đại tiến bộ, nữ quyền cũng được chú ý nhiều hơn, kết hôn hay độc thân là quyền tự do của mỗi người. Thế nhưng ở thời cổ đại, độc thân là một vấn đề rất nghiêm trọng. Không kết hôn đồng nghĩa với việc không thể nối dõi tông đường.
Thời xưa, chiến tranh có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, dân số càng đông, quốc gia càng hùng mạnh, vì vậy việc tăng dân số, mở rộng lãnh thổ luôn là ưu tiên hàng đầu của các bậc đế vương thời xưa. Chính vì vậy, nam nữ thanh niên muốn ế vợ, ế chồng cũng không ế nổi.
Theo ghi chép lại, chính quyền thời cổ đại có 7 phương thức chủ yếu để giải quyết vấn đề ế vợ, ế chồng của nam nữ thanh niên.
|
Hình minh họa. |
1. Ép buộc thiếu nữ phải lấy chồng
Các thiếu nữ đến tuổi cập kê (khoảng 15 tuổi), nếu chưa chịu lấy chồng sẽ phải chịu phạt tiền. Điển hình thời Hán Huệ Đế, 15 tuổi chưa có đối tượng, các thiếu nữ sẽ bị liệt vào danh sách theo dõi, tới 30 tuổi vẫn chưa gả đi, họ sẽ phải nộp thuế gấp 5 lần người thường. Thời Nam Bắc Triều, thiếu nữ 15 tuổi chưa gả, người nhà còn bị đi tù vì không quản được gia.
2. Quan trên chỉ định
Nếu thiếu nữ qua 15 tuổi không có người đoái hoài, hỏi han, nam tử vì quá nghèo, gia đình cũng không thu xếp được mối hôn sự nào, quan địa phương có quyền chỉ định hôn sự cho họ.
Thời này, lợi dụng chức vụ, các quan địa phương có thể chỉ định hôn nhân của người dân, tuyệt đối không để cho địa phương xảy ra tình trạng có người ế chồng, ế vợ.
3. Góa phụ tái giá
Thời xưa, chiến tranh liên miên, đàn ông phải xa nhà chinh chiến, bỏ mạng ở nơi xa trường vô số. Bởi vậy, ở nhiều địa phương xuất hiện tình trạng mất cân bằng giới tính, nữ nhiều hơn nam. Để khắc phục điều này, chính quyền cổ vũ, ủng hộ nhiều phụ nữ góa chồng tái giá, lấy chồng hai.
4. Hạn chế số lượng lấy vợ bé của người giàu
Thời cổ đại, quan niệm trọng nam khinh nữ vô cùng phổ biến, những nhà quyền quý nhiều tiền lắm của thường cưới vợ, nạp thiếp rất nhiều, khiến đàn ông có điều kiện bình thường không cưới được vợ.
Nhận thấy tình trạng này, chính quyền ban hành những chính sách, luật lệ, ghi chú rõ ràng, quy định về số lượng thiếp thất của một người, hạn chế những người giàu có cưới quá nhiều vợ bé.
5. Chính sách một vợ nhiều chồng
Vốn nghĩ rằng người thời xưa tư tưởng bảo thủ, phụ nữ bị ràng buộc bởi nhiều giới hạn, quy định vô cùng khắt khe. Thế nhưng không ngờ rằng, vẫn có những chính sách đặc biệt cởi mở trong chuyện kết hôn để duy trì, gia tăng dân số. Theo ghi chép, ở những nơi có tỷ lệ nam nhiều hơn nữ, các hoàng đế cổ đại cho phép một vợ có nhiều chồng.
Điều này nghe có vẻ trái luân thường đạo lý, thế nhưng thật sự đã xảy ra. Quả nhiên là, không có điều gì là không thể.
6. Kế hôn
Chính sách kế hôn chủ yếu thịnh hành ở các dân tộc thiểu số. Theo chính sách này, cha chết, con trai có thể kế thừa thiếp thất của cha (trừ mẹ đẻ).
Trong lịch sử, nổi danh nhất về tục kế hôn có lẽ phải nhắc đến Vương Chiêu Quân, một trong tứ đại mỹ nhân Trung Quốc. Vương Chiêu Quân vốn là được gả cho Thiền Vu Hô Hàn Tà. Sau khi Hô Hàn Tà chết, Vương Chiêu Quân lại tiếp tục được gả cho con trai trưởng của Hô Hàn Tà là Phục Chu Luy Nhược Đề. May mắn, lần tái giá này của Vương Chiêu Quân không hề uất ức, nàng vẫn rất hạnh phúc.
7. Tổ chức đại hội mai mối, gặp gỡ
Để tạo điều kiện cho những nam, nữ thanh niên đến tuổi trưởng thành mà vẫn không tìm được đối tượng, người thời xưa tổ chức những buổi gặp gỡ gọi là "Đại hội tương thân". Trong đại hội này, các chàng trai, cô gái sẽ ăn vận chỉnh tề, đẹp đẽ, tự do trao đổi, giao lưu, nhằm tìm ra người phù hợp để kết hôn.
Nếu trong độ tuổi trưởng thành, chưa có đối tượng lại không có lý do chính đáng mà không chịu tham gia đại hội, sẽ bị xử phạt theo quy định.
Có thể thấy, với những chính sách về hôn nhân, gia đình vô cùng phong phú, đa dạng, nam nữ thời xưa có muốn ế vợ, ế chồng cũng thực khó. Nếu quyết tâm sống đời độc thân an nhàn, họ chỉ có thể lên chùa, cạo tóc đi tu.