Trong “Tây Du Ký”, hẳn ai cũng biết đến sự lợi hại của vô số những bảo vật xuất hiện liên tục trên mỗi chặng đường đi lấy kinh của thầy trò Đường Tăng. Trong số đó không thể không kể đến bảo bối, binh khí chứa đựng sức mạnh vô biên của Tôn Ngộ Không: gậy Như Ý.
Rõ ràng đây chính là bảo vật hàng đầu trong số những bảo vật ở “Tây Du Ký” thế nhưng tại sao khi bị giam ở Ngũ Hành Sơn Tề Thiên Đại Thánh lại không đem bảo bối của mình ra để tự mình thoát thân?
Vốn là nhân vật mang trong mình sức mạnh cường đại, lại có trong tay bảo vật gậy Như Ý Tôn Ngộ Không càng trở nên bất bại. Vậy tại sao Tôn Ngộ Không lại không sử dụng binh khí lợi hại để giúp bản thân có được tự do?
Như mọi người đều biết, Tôn Ngộ Không đại náo thiên cung khiên Ngọc Hoàng phải mời Phât Tổ đến để thu phục. Tôn Ngộ Không đã đánh cược với Phật Tổ rằng nếu thoát được ra khỏi bàn tay của Phật Tổ thì phải để Tôn Ngộ Không lên thay thế vị trí của Ngọc Hoàng. Và kết quả như thế nào hẳn mọi người đều rõ, Tôn Ngộ Không thua bị trừng phạt 500 ở núi Ngũ Hành Sơn.
Khi Tôn Ngộ Không bay lên nhằm muốn thoát khỏi bàn tay của Phật Tổ có nhìn thấy 5 chiếc cột trụ lại cho rằng đây chính là 5 cột trụ trời trên thiên đình và bản thân đã thoát khỏi được bàn tay Phật bay lên thiên đình rồi. Tề Thiên Đại Thánh vô cùng đắc ý còn khắc chữ lên những cây cột mà thật ra đó là những ngón tay của Phật Tổ.
Thế nhưng đợi đến khi quay lại, những dòng chữ này cũng chính là bằng chứng chứng minh Tôn Ngộ Không không hề thoát ra khỏi bàn tay Phật. Vẫn không thể tin bản thân tinh thông 72 phép biến hóa, có thể hô mưa gọi gió mà không thể thoát ra khỏi tay Phật.
Tôn Ngộ Không lại một lần nữa bay lên nhưng lúc này đã quá muộn, Như Lai đẩy Tôn Ngộ Không ra ngoài cửa Tây Thiên, năm ngón tay hóa thành 5 ngọn núi Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ nối liền nhau, gọi là “Ngũ Hành Sơn” đè chặt Tôn Ngộ Không dưới đó.
|
Tề Thiên Đại Thánh oai phong lừng lẫy ngày nào "ăn gió nằm sương" dưới chân núi Ngũ Hành. |
Tôn Ngộ Không thua ván này là vì sự tự cao, tự đại đề cao sức mạnh của bản thân cứ nghĩ dễ dàng thoát khỏi lòng bàn tay của Phật Tổ. Thậm chí đến lúc Phật Tổ giáng núi Ngũ Hành xuống để giam cầm Tề Thiên Đại Thánh vẫn chưa chịu tin là bản thân đã thất bại dưới tay Phật.
Chính vì quá tự tin vào những quyền năng của bản thân mà Tôn Ngộ Không không “thèm” rút gậy Như Ý ra để sử dụng và đến khi thắng thua đã được định đoạt thì rõ ràng Đại Thánh đã không còn kịp để rút “bảo bối” của mình ra để cứu nguy nữa rồi.
Tuy nhiên, nếu nghĩ Ngũ Hành Sơn có thể giam giữ được vị Tề Thiên Đại Thánh tinh thông 72 phép thần thông lại nắm trong tay thứ binh khí lợi hại nhất tam giới thì bạn đã nhầm. Tôn Ngộ Không hoàn toàn có thể biến nhỏ hoặc dùng gậy Như Ý để phá tan Ngũ Hành Sơn để thoát ra.
Tại sao thần khí của Tôn Ngộ Không lại gọi là gậy Như Ý? Như Ý mang hàm ý tùy tâm sử dụng, có thể phóng to thu nhỏ, chống trời chống đất, trị thủy,… làm theo mọi sự điều khiển bằng ý nghĩ và nội tâm của Tôn Ngộ Không.
Với những quyền năng lợi hại này Tôn Ngộ Không chắc chắc sẽ dùng tâm trí điều khiển gậy Như Ý giúp mình thoát khỏi Ngũ Hành Sơn. Phật Tổ cũng đoán trước được rằng Tôn Ngộ Không sẽ không cam lòng chịu phạt nên ngài đã dùng một vật vô cùng lợi hại để khoá chặt “con khỉ cứng đầu” tận 500 năm.
Đó chính là một lá bùa chú có 6 chữ vàng dán trên đỉnh núi Ngũ Hành. Ngay khi tấm bùa được dán lên quả núi tức thì mọc rễ khép chặt lại, chỉ để một lỗ thông hơi. Đại Thánh bị quả núi đè chặt, chỉ thở được và chân tay thò ra cựa quậy được.
|
Lá bùa chú có 6 chữ vàng dán trên đỉnh núi Ngũ Hành để chế ngự phép thuật và thần khí của Tôn Ngộ Không. |
Trên lá bùa là sáu chữ bí ẩn: “Úm Ma Ni Bát Mê Hồng”, còn được viết là “Om Mani Padme Hum”. Đây là một câu chân ngôn cổ xưa do Bồ Tát Quan Âm truyền lại, có nguồn gốc từ tiếng Phạn. Nó còn được mệnh danh là “Lục Tự Đại Minh Chân Ngôn”. Tấm bùa chú chính là yếu tố quyết định trong việc giam giữ Tôn Ngô Không trong vòng 500 năm.
Lúc lá bùa gồm 6 chữ vàng được dán lên cũng là lúc tâm trí và trái tim của Đại Thánh đã bị khống chế bởi 5 yếu tố Kim, Mộc, Thủy, Hỏa Thổ. Vì vậy không những không thể điều khiển được gậy Như Ý mà 72 phép thần thông cũng không sử dụng được. Đó chính là lí do Tôn Ngộ Không không thể phóng to Như Ý để phá núi thoát ra mà cam chịu bị giam ở núi Ngũ Hành.
Điều đặc biệt vì có lá bùa ấy mà Tôn Ngộ Không phải chịu 500 đày đọa nhưng cũng chính là bùa mà Đường Tăng có thể giải thoát Ngộ Không. Một lá bùa uy lực được nhắc đến 3 lần trong nguyên tác và lần nào cũng gắn liền với con đường giác ngộ của Ngộ Không.
Bên cạnh việc trấn áp Tôn Ngộ Không ở Ngũ Hành Sơn thì lá bùa 6 chữ vàng rõ ràng còn hàm chứa những ỹ nghĩa sâu sa mà Phật Tổ muốn Ngộ Không giác ngộ được.
Trước khi bị núi đè, Tôn Ngộ Không vẫn mang những tính khoe mẽ, cậy mình có tài đối với một người tu hành thì đây là loại tâm lý hết sức không tốt và sau này ắt chuốc vạ vào thân. Ngộ Không đã từng tu luyện nhưng tu mà chưa thành chỉ là tu đạo mà chưa đắc đạo, chưa viên mãn.
Như vậy, câu chân ngôn mang 6 chữ vàng của Phật Tổ như một lời nhắc nhở dành cho Ngộ Không: Con nhất định phải tu thành chính quả! Và như vậy cũng chứng tỏ rằng ngay từ lúc dán là bùa lên Như Lai đã an bài mọi sự cho con đường tu luyện sau này của Tôn Ngộ Không.