Công chúa Ngọc Hân trong lịch sử được biết đến là người phụ nữ tài sắc vẹn toàn. Nàng lấy vua Quang Trung và trở thành Bắc Cung Hoàng hậu - một vị hoàng hậu nổi tiếng trong lịch sử.
“Hồng nhan đa truân”, câu nói đó có lẽ nó ứng vào cuộc đời của Bắc Cung Hoàng hậu Ngọc Hân. Nàng mất ở tuổi 29 vì héo mòn trước nỗi đau mất chồng, mất con. Những tưởng đó là dấu chấm hết cho một kiếp hồng nhan, nhưng, cái nghiệp “giai nhân” đã đeo đuổi số phận của nàng ngay cả sau khi Ngọc Hân mất.
Vòng xoáy báo thù của triều Nguyễn với những người trung thành với vương triều Tây Sơn đã không buông tha cả khi Bắc Cung hoàng hậu Ngọc Hân đã thành người thiên cổ.
|
Đền Ghềnh nơi thờ công chúa Ngọc Hân. |
Quật mộ để trả thù
Để tưởng nhớ đến người xưa, vào một buổi chiều đầy nắng và gió, men theo đê , chúng tôi đặt chân đến làng Nành (xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội). Đây là quê ngoại của Bắc Cung Hoàng hậu Ngọc Hân.
Bâng khuâng đứng trước khu tưởng niệm công chúa Ngọc Hân cùng hai người con (khu tưởng niệm này được xây dựng và hoàn thành vào năm 2010-PV) mà lòng thấy quặn đau cho số phận bi thương của một nàng công chúa tài sắc vẹn toàn. Thắp nén nhang trên di lăng (ngôi mộ giả của công chúa Ngọc Hân cùng hai con), bỗng chốc lòng chúng tôi cảm thấy thương xót cho người xưa.
>> Mời quý độc giả xem video Manh mối kho báu 3.000 năm của vị vua giàu nhất lịch sử (Nguồn: Zing)
Các cụ cao niên làng Nành kể lại, công chúa Ngọc Hân từng chịu nhiều đau đớn ở cõi trần. Và lúc chết, nàng vẫn còn bị đày đọa khi có kẻ tà tâm báo cho triều đình nhà Nguyễn (thời vua Thiệu Trị) biết nơi công chúa đã nhắm mắt xuôi tay. Nhà Nguyễn không ngần ngại cho đào mộ công chúa Ngọc Hân và hai con của nàng với vua Quang Trung vứt xuống sông Hồng.
Theo ông Nguyễn Đắc Bình (65 tuổi, người làng Nành), trước đây các cụ cao niên trong làng thường kể lại cho con cháu về chuyện vợ vua Lê Hiển Tông là bà Nguyễn Thị Huyền- mẹ của công chúa Ngọc Hân. Khi đó, do sợ việc nhà Nguyễn truy bức nhà Tây Sơn sẽ làm hại đến mộ phần của con gái cùng hai cháu, bà đã bí mật vào Huế đưa hài cốt của ba mẹ con Hoàng hậu Ngọc Hân từ Huế về chôn cất tại bãi Cây Đại, ở rìa làng Nành.
Để làm được điều này, bà Nguyễn Thị Huyền đã chuẩn bị hết sức kỳ công, phải cực khổ vượt qua quãng đường từ Hà Nội vào Huế và luôn tuyệt đối giữ bí mật. Tuy nhiên, vào năm 1842, một kẻ tiểu nhân đã tìm cách báo lên quan để mong lĩnh thưởng. Sau đó, nhà Nguyễn đã ra lệnh quật mộ lên, lấy hài cốt ba mẹ con đem ném xuống sông Hồng.
“Cơn thịnh nộ"... của sông Hồng?
Theo sự mách nước của ông Bình, chúng tôi tìm đến khúc sông nơi quan quân triều Nguyễn ném xác Bắc Cung Hoàng hậu Ngọc Hân. Được biết, do thương cảm cho số phận của một tuyệt sắc giai nhân, người dân đã âm thầm xây đền tại nơi tương truyền xác của bà được ném xuống để thờ phụng mang tên đền Ghềnh.
|
Tượng thờ vua Quang Trung và Bắc Cung Hoàng hậu Ngọc Hân tại xã Ninh Hiệp. |
Nằm sâu trong con ngõ nhỏ thuộc thôn Ái Mộ (xã Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội), đền Ghềnh ngày nay cách cầu Chương Dương hơn 100m ở phía hạ lưu. Phía trước của đền Ghềnh là dòng sông Hồng cuộn chảy với bao hoài niệm trôi đi theo từng con nước. Đứng nơi đây, chúng tôi phóng tầm mắt nhìn thẳng ra xa là một vùng nước mênh mông như cố kiếm tìm những dấu vết của người xưa. Nhưng dường như tất cả đã chìm sâu theo năm tháng.
Trên văn bia ở đền hiện nay chỉ ghi lại: Năm 1858 bà Đặng Thị Bản, một người trong vùng vì mến mộ tài năng, đức hạnh của công chúa Ngọc Hân, cùng với tấm lòng trắc ẩn đối với người con gái đất Thăng Long tài hoa nhưng đoản mệnh đã đứng ra quyên góp xây dựng đền Ghềnh. Trong hậu cung đền Ghềnh hiện vẫn còn lưu đôi câu đối ca ngợi công chúa Lê Ngọc Hân: “Núi nhạc linh thiêng, gương bà họ Lê lưu truyền sử sách - Sóng gió lặng yên, đền dựng lên to đẹp bên sông Hồng”.
Trước đây, sông Hồng đoạn chảy qua đền là một ghềnh nước xoáy. Nhưng theo năm tháng do dòng chảy biến động, ghềnh nước này mất đi và chỉ còn lại dấu tích nơi tên đền. Cụ Đặng Đình Khuê, thủ từ của đền Ghềnh cho biết, vào năm 1842, khi quan quân nhà Nguyễn đưa thi hài công chúa Ngọc Hân trên đường đi vứt thì qua đây đột nhiên sóng gió nổi lên, giông lốc giật mạnh.
Cả đoàn thuyền lớn phút chốc bị sóng gió quật mạnh, xô đập dữ dội. Chiếc thuyền trong phút chốc bị sóng gió làm cho nghiêng ngả. Tình thế hiểm nguy khôn lường, quan quân triều Nguyễn không biết làm cách nào, đành vứt vội xác của công chúa Ngọc Hân và xác hai con của nàng xuống sông rồi chèo thuyền tìm cách vào bờ chạy trốn.
Cụ Đình Khuê cũng cho rằng, đền Ghềnh ra đời thời kỳ nhà Nguyễn còn trị vì nên tượng thờ của bà chúa Tiên (công chúa Ngọc Hân) được đặt bí mật ở Hậu Cung. Trao đổi với PV báo ĐS&PL, chị Đặng Bích Diệp, nhân viên thuộc ban quản lý di tích đền Ghềnh cũng cho biết, nét đặc trưng trong lễ hội đền Ghềnh là tục rước nước từ sông Hồng vào đền.
Thực chất đó là nghi lễ ẩn dụ rước linh hồn của công chúa Ngọc Hân và hai con trước khi tổ chức lễ hội. Nghe cụ Khuê và chị Diệp kể chuyện, lòng chúng tôi bỗng xốn xang vì số phận và lịch sử đã xô đẩy cuộc đời của một tuyệt sắc giai nhân thành bi kịch. Giờ đây, thân xác của nàng công chúa tài sắc cùng hai con đã hòa vào sông núi, như nhắc nhở cho thế hệ sau về số phận của một nữ nhi tài hoa nhưng bạc mệnh.
Những hàm oan xuyên thế kỷ
Số phận của nàng công chúa Ngọc Hân không chỉ bi thương mà cuộc đời bà còn gắn liền với những nỗi hàm oan xuyên thế kỷ. Theo đó, từng có người cho rằng, công chúa Ngọc Hân không chết vào năm 1799 mà bà còn sống mãi về sau. Rồi bà lấy vua Gia Long – người sáng lập ra vương triều Nguyễn. Thậm chí, có nhà văn từng tưởng tượng ra câu chuyện tình đẫm nước mắt giữa bà và vua Gia Long.
Rồi người ta gán ghép cho bà là nhân vật trong câu ca ở Huế, “Người đâu có số lạ lùng/ Con vua lại lấy hai chồng là vua”. Nhưng thực chất đến nay nhân vật được nhắc đến trong câu ca trên được làm rõ là công chúa Lê Ngọc Bình em của Ngọc Hân. Oan thất tiết của bà Ngọc Hân được giải. Nhưng oan này chưa hết thì có thông tin bôi nhọ phẩm hạnh của bà cho rằng, bà chính là người giết chồng (tức vua Quang Trung). Đến nay, sử sách đã khẳng định, tất cả đều là thông tin bịa đặt. Qua đó có thể thấy được, cuộc đời của công chúa Ngọc Hân đầy rẫy những điều thi phị và có cái kết đầy bất hạnh.
Phác họa cuộc đời ngắn ngủi của tuyệt sắc giai nhân
Công chúa Lê Ngọc Hân sinh năm 1771, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 32, là công chúa thứ 21, con vua Hiển Tông nhà Hậu Lê. Mẫu thân của công chúa Lê Ngọc Hân là Nguyễn Thị Huyền, người làng Phù Ninh (huyện Ðông Ngàn, tỉnh Bắc Ninh). Công chúa Lê Ngọc Hân là em Thái tử Lê Duy Vỹ và là cô Hoàng tử Lê Duy Kỳ tức người sau này lên nối ngôi vua Lê lấy niên hiệu Chiêu Thống.
Khi Nguyễn Huệ làm Tiết chế, thống lĩnh quân đội Tây Sơn đánh Bắc Hà với danh nghĩa “Phù Lê diệt Trịnh” năm 1786 thì công chúa Ngọc Hân mới 16 tuổi. Công chúa Lê Ngọc Hân lấy Nguyễn Huệ năm 1786, thụ phong Bắc Cung Hoàng hậu năm 1789. Bà sinh hạ một con trai là Nguyễn Văn Ðức và một gái là Nguyễn Thị Ngọc. Công chúa Ngọc Hân mất năm 1799, đương triều vua Cảnh Thịnh nhà Nguyễn Tây Sơn. Năm đó nàng mới 29 tuổi.