Khi nào cần thay ban thờ mới
Ban thờ là nơi linh thiêng trong mỗi căn nhà, xét theo phong thủy mà nói trong ngôi nhà hiện diện đủ 4 yếu tố Môn - Chủ - Táo - Thờ là một ngôi nhà đầy đủ năng lượng, đảm bảo về mặt vượng khí, thuận vận trình. Đây cũng là nơi quan trọng thờ cúng Thần linh bản thổ, Tổ tiên.... để con cháu ghi nhớ về công ơn cõi xưa.
Vậy nên, trong văn hóa thờ cúng của người Việt, ban thờ gia tiên là nơi hội tụ đầy đủ yếu tố tâm linh và thành kính.
Trong một vài trường hợp cần phải thay lại ban thờ như ban thờ lâu năm gặp mối mọt, xuống cấp. Chưa xét về mặt tâm linh nhưng về mặt thẩm mỹ và tính an toàn thì những ban thờ như vậy theo thời gian sẽ không còn đảm bảo được tính vững chắc, an toàn cho gia đình.
Về mặt tâm linh mà nói, ban thờ mối mọt dễ bị lắc lư, rung lắc khi có những va chạm nhẹ gây động bát hương - tối kỵ trong thờ cúng.
Hay khi phá dỡ nhà cũ, nhập trạch về nhà mới thì đều cần phải thay ban thờ mới. Sau đây là quy trình thay mới ban thờ gia tiên có thể tham khảo:
Lựa chọn ngày giờ phù hợp
Có quan niệm cho rằng muốn thay mới bàn thờ gia tiên, cần phải chọn ngày đẹp, giờ tốt. Tuy nhiên dưới góc độ Phong Thủy, ngày giờ đẹp chính là phải phù hợp với tuổi của gia chủ.
Đối với mỗi bản mệnh khác nhau lại có những ngày tốt phù hợp khác nhau, có thể ngày này tốt với tuổi này nhưng lại xấu với tuổi khác.
Bên cạnh đó, gia chủ có thể làm công việc thay mới bàn thờ vào những ngày Tuế Phá hoặc Trực Phá. Ngày Tuế Phá là biểu tượng của sự đổi mới, ngày Trực Phá diễn tả sự cũ nát, sự suy yếu của vạn vật, phù hợp thay đổi những thứ lỗi thời, cũ kỹ.
Vậy nên hai ngày này cũng phù hợp để gia chủ thực hiện các công việc, dọn dẹp, phá dỡ và đem bỏ bàn thờ đã cũ.
Thực hiện dâng lễ tạ
Sau khi đã chọn được ngày giờ tốt phù hợp với tuổi của mình, gia chủ cần sắm sửa lễ vật dâng lên chư vị thần linh và gia tiên. Dâng lễ tạ bàn thờ cũ là để báo cáo, trình bày nguyện vọng của bản thân, cũng như xin phép được di chuyển linh vị của các vị thần linh và hương kinh của gia tiên từ đồ cũ sang đồ mới.
Lễ vật tùy theo điều kiện của gia chủ, không nhất thiết phải cầu kỳ, thịnh soạn. Gia chủ chỉ cần chuẩn bị một mâm lễ nhỏ gồm hoa quả, đèn nhang, quan trọng nhất là thành tâm khấn vái.
Như vậy là đủ để gia tiên và thần linh lắng nghe đầy đủ sở cầu sở nguyện của gia chủ, mà tạm lánh sang một bên để con cháu thực hiện công việc thay mới bàn thờ.
Di chuyển đồ lễ sang ban thờ mới
Sau khi khấn vái và dâng lễ, gia chủ đợi cho hết một tuần hương rồi bái tạ, tiếp theo hãy hạ các vật dụng và đồ cúng trên bàn thờ xuống. Đại diện của bàn thờ là bát hương, vì vậy khi thay mới bàn thờ, gia chủ cần xử lý bát hương đầu tiên.
Gia chủ hãy rút một vài chân nhang từ bát hương cũ cắm sang bát hương mới, để cho hương khói bàn thờ lúc nào cũng ấm cúng. Sau đó gia chủ rút hết chân hương ở bát hương cũ rồi mới đem bỏ bát hương. Tiếp theo, gia chủ an vị các đồ lễ như linh vị, ảnh thờ, đèn nhang, hương hoa sang bàn thờ mới.
Xử lý ban thờ và đồ thờ cũ
Nhiều gia chủ vì không biết nên đã vô tình đem bỏ bàn thờ xuống sông hoặc vứt đi cùng với các loại rác thải khác. Điều này không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn là hành động bất kính với thần linh và gia tiên.
Quy trình xử lý và vứt bỏ đồ thờ cúng gọi là hạ giải bàn thờ. Theo nguyên tắc là mọi thứ sinh ra từ cát bụi thì sẽ trở về với cát bụi, mà bàn thờ làm từ gỗ, trong ngũ hành thuộc Mộc. Bàn thờ trở về cát bụi là trở về Thổ, vậy nên dùng hỏa để đốt thành tro.
Nếu bàn thờ làm bằng gạch đá thì gia chủ có thể phá đi. Sau đó đem tro hoặc phế liệu đổ ra nơi thanh tịnh, tốt nhất là xuống sông. Tương tự như vậy, đối với bát hương, gia chủ cũng chỉ cần đem thả trôi sông là được.
Hạ giải bàn thờ đúng cách sẽ giúp cho gia chủ vạn sự hanh thông, khắc chế những khó khăn, tránh tác động xấu tới gia đạo hay cản trở sự nghiệp tiền tài, đồng thời góp phần kích hoạt tài lộc đến với ngôi nhà.
*Thông tin chỉ mang tính tham khảo