Trong xã hội phong kiến Trung Quốc, xuất phát từ quan niệm trọng nam khinh nữ, việc đàn ông có tam thê tứ thiếp vốn được coi là điều bình thường.
Bởi vậy cho nên việc một người có địa vị tối cao Hoàng đế sở hữu trong tay hậu cung trăm ngàn giai lệ, thê thiếp thành đoàn cũng được xem là chuyện nghiễm nhiên.
Thế nhưng dù vậy thì trong lịch sử Trung Hoa vẫn có 3 vị Hoàng đế được xếp vào ngoại lệ. Tuy nhiên điều đáng nói nằm ở chỗ, kết cục của những vị vua si tình, chung thủy này lại không hoàn toàn viên mãn như nhiều người vẫn tưởng...
Ngụy Phế đế Nguyên Khâm là vị Hoàng đế thứ 2 của Tây Ngụy. Ông sinh vào năm 525, là con trưởng của Tây Ngụy Văn Đế Nguyên Bảo Cự
Sau khi cha ruột là Nguyên Bảo Cự lên ngôi lập ra triều Tây Ngụy, Nguyên Khâm liền trở thành Hoàng Thái tử khi mới hơn 10 tuổi.
Sau này, quyền thần khét tiếng lúc bấy giờ là Thừa tướng Vũ Văn Thái gả con gái Vũ Văn Vân Anh cho ông.
Điều đáng nói nằm ở chỗ, khi Nguyên Khâm chưa lên ngôi, Vũ Văn Thái đã nắm đại quyền, hoàng tộc chỉ là hữu danh vô thực.
Sau khi trở thành Hoàng đế, vì không muốn làm bù nhìn dưới tay cha vợ, vị vua này đã cố gắng tìm cách để đoạt lại chính quyền. Chỉ tiếc rằng trời không chiều lòng người, cuối cùng ông vẫn bại dưới tay Vũ Văn Thái.
Thời gian tại vị của vị Ngụy Phế Đế Nguyên Khâm vô cùng ngắn ngủi, chỉ kéo dài từ năm 551 đến năm 554. Trong suốt những năm ấy, ông chỉ có duy nhất một vị Hoàng hậu là Vũ Văn Vân Anh.
Mặc dù hôn nhân của Nguyên Khâm và Vũ Văn Vân Anh là một cuộc hôn nhân chính trị điển hình, vị Hoàng hậu ấy cũng chỉ là nằm vùng do quyền thần phái tới, thế nhưng tình cảm phu thê giữa họ vẫn hết sức mặn nồng.
Hoàng hậu Vũ Văn Vân Anh luôn đồng cảm cùng nhà vua và hy vọng ông có thể thực hiện lý tưởng của bản thân để trở thành một Hoàng đế tốt. Nguyên Khâm cũng vì vậy mà vô cùng cảm động và yêu thương Hoàng hậu.
Bởi vậy cho nên khi còn sống, vị Hoàng đế này cũng không sắc phong thêm bất kỳ phi tần nào khác. Hậu cung của ông cũng chỉ có duy nhất người chính thê là Vũ Văn Vân Anh mà thôi.
Sau này, quyền thần Vũ Văn Thái rốt cục vẫn lật đổ con rể, thành lập chính quyền nhà Bắc Chu. Và không lâu sau khi Nguyên Khâm bị giết, Hoàng hậu Vũ Văn Vân Anh cũng vì quá đau lòng nên đã uống thuốc độc tự sát.
Tùy Văn Đế Dương Kiên: Nghi án bị con ruột sát hại
Tùy Văn Đế Dương Kiên là khai quốc Hoàng đế của nhà Tùy và là vị quân vương có tiếng trong lịch sử Trung Hoa.
Hoàng hậu của Dương Kiên là Độc Cô Già La. Sử cũ ghi lại, họ thành thân vào năm Độc Cô Già La mới lên 14 tuổi, còn Dương Kiên năm ấy 17 tuổi.
Khi kết tóc nên duyên vợ chồng, Dương Kiên từng thề với Độc Cô rằng cả đời ông sẽ không lấy thêm người nào khác
Tới năm Độc Cô Già La 38 tuổi, nhờ có sự trợ giúp của bà, Dương Kiên đã thành lập Tùy triều và trở thành Hoàng đế khai quốc.
Sau khi trở thành Hoàng đế, hậu cung của Dương Kiên ngoài Hoàng hậu ra thì chỉ có thêm 2 vị phu nhân khác. Tuy nhiên ông không mấy khi gần gũi họ và cũng rất ít khi sủng hạnh hai người này.
Trên thực tế, tất cả những người con của Dương Kiên đều do duy nhất Độc Cô Hoàng hậu sinh ra.
Có giai thoại còn truyền lại rằng, Hoàng đế lúc sinh thời vô cùng tôn trọng Hoàng hậu. Thậm chí mọi chuyện trong hậu cung do bà sắp xếp, ông đều nghe theo.
Sau khi Độc Cô Hoàng hậu qua đời, Dương Kiên lúc về già cũng từng thử đón nhận hai mỹ nhân còn lại trong hậu cung, thế nhưng trong lòng vẫn nhớ mãi không quên người vợ kết tóc của mình.
Năm 604, Tùy Văn Đế Dương Kiên qua đời ở tuổi 64. Mặc dù nguyên nhân được công bố là do lâm bệnh, tuy nhiên vẫn có không ít người hoài nghi rằng ông bị chính con ruột của mình là Dương Quảng sát hại để cướp ngôi.
Minh Hiếu Tông Chu Hựu Đường: Trở thành minh quân được ca ngợi
Minh Hiếu Tông Chu Hựu Đường (1470 - 1505) là con trai của vua Minh Hiến Tông.
Sử cũ ghi lại rằng, cha ông là Minh Hiến Tông từ nhỏ từng có một người cung nữ chăm sóc, sau này lớn lên đã sắc phong người đó làm sủng phi. Đó chính là Vạn Quý phi độc sủng hậu cung khét tiếng năm nào.
Vì không muốn ai uy hiếp tới địa vị của mình, Vạn Quý phi từng nhiều lần trừ khử những người phụ nữ được nhà vua để ý, đặc biệt là những người đã được sủng hạnh và mang long thai.
Mẹ của Chu Hựu Đường năm xưa từng là một cung nữ, vì sở hữu dung nhan xinh đẹp nên đã được Hoàng đế lâm hạnh rồi hoài thai.
Vạn Quý Phi sau khi biết được cũng tìm mọi cách hãm hại hai mẹ con bà, may mắn là nhờ có người trong cung che chở nên mới thoát được một kiếp nạn.
Cứ như vậy, Chu Hựu Đường được sinh ra và lớn lên trong cảnh sống chui lủi. Mãi tới sau này, Minh Hiến Tông mới biết được rằng mình còn có người con trai ấy.
Vì từ nhỏ đã phải trải qua cuộc sống như vậy, Chu Hựu Đường vô cùng bất mãn với chế độ hậu cung.
Vì vậy sau khi lên ngôi, ông không chỉ dốc lòng chăm lo triều chính mà còn duy trì chế độ một vợ một chồng.
Từ sau khi cưới Trương Hoàng hậu, vị Hoàng đế ấy cũng không lập thêm thê thiếp nào khác. Ông ngày ngày ở chung với Hoàng hậu, trải qua cuộc sống giản đơn như những cặp phu thê bình dị nơi dân gian.
Sau này, Trương Hoàng hậu đã hạ sinh cho nhà vua hai người con trai và một người con gái, trong số đó có Minh Vũ Tông Chu Hậu Chiếu.
Về phần Chu Hựu Đường, nhờ một lòng chăm lo triều chính và khởi xướng những tư tưởng tiến bộ, thời đại của ông được lịch sử Trung Hoa ca tụng là thời kỳ "Hoằng Trị trung hưng".