Khang Hy (1654- 1772) là hoàng đế ngồi trên ngai vàng lâu nhất trong lịch sử Trung Quốc (61 năm) và cũng là một trong những nhà cai trị tại vị lâu nhất trong lịch sử thế giới. Ông được hậu thế đánh giá là vị vua anh minh, tài ba lỗi lạc bậc nhất, là người đã thiết lập sự thịnh trị kéo dài 134 năm của nhà Thanh sau một thời gian dài chìm trong chiến loạn.
Dưới thời cai trị của ông, Đế quốc Đại Thanh đã hoàn thành thống nhất và kiểm soát toàn bộ lãnh thổ Trung Hoa, Mãn Châu, nhiều phần của vùng Cận Đông nước Nga, bảo hộ Mông Cổ và Triều Tiên.
Thậm chí cháu nội của Khang Hy là Càn Long Đế (1711- 1799) vì không dám vượt quá số năm trị vì của tổ phụ mà đã thoái vị sau 60 năm cầm quyền để nhường ngôi cho Gia Khánh Đế (1760- 1820).
Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu Tử Cấm Thành, các nhà khảo cổ học Trung Quốc hiện đại đã tình cờ phát hiện một bản tấu bí mật. Nội dung của bản tấu đã mang đến cho hậu thế một góc nhìn hoàn toàn khác về Khang Hy Đế. Liệu vị vua vĩ đại ấy có thật sự anh minh, vĩ đại?
Khi tìm hiểu lịch sử cuối nhà Minh, đầu nhà Thanh, bạn sẽ dễ dàng thấy được rằng quá trình lập nước của người Mãn Châu cũng được viết nên bằng xương máu của biết bao dân tộc.
Để tiến vào Tử Cấm Thành, người Mãn đã thực hiện rất nhiều cuộc chiến đẫm máu với người Hán. Tuy nhiên sau khi lập nước và thống nhất lãnh thổ, nhà Thanh đã thực hiện một loạt chính sách ôn hòa nhắm xoa dịu mâu thuẫn dân tộc cũng như ổn định cuộc sống của nhân dân.
Khi Hoàng đế Khang Hy lên nắm quyền, chiến tranh đã lùi xa, nhà Thanh tập trung vào phát triển kinh tế, xã hội.
Vào năm Khang Hy thứ 18, một vị quan trong triều tên Lý Chí Phương (1622- 1694) đã đệ trình lên cho Khang Hy một bản tấu đề xuất việc yêu cầu Bát Kỳ quân (tên lực lượng quân đội của nhà Thanh) ở Giang Tây thả tự do cho những người dân vô tội. Từng là một vị tướng, ông đã chứng kiến những hành động tàn bạo không thể dung thứ của Bát Kỳ quân với người Hán.
Thế nhưng trước bản tấu này, Khang Hy không phê chuẩn. Ông cho rằng Giang Tây trước đây từng chống lại quân đội nhà Thanh thì người dân địa phương, bất kể trẻ nhỏ hay người già đều là kẻ thù của nhà Thanh. Bao dung với họ chỉ là hành động ngu xuẩn "nuôi ong tay áo. Ngay sau đó Lý Chí Phương đã bị Khang Hy giáng chức.
Lịch sử nằm trong tay kẻ chiến thắng, Khang Hy với những đóng góp to lớn của mình với nhà Thanh xứng đáng là một vị vua vĩ đại. Vậy nhưng điều đó cũng không thể phủ nhận rằng ông cũng là một hoàng đế tàn bạo, luôn đặt lợi ích của người Mãn lên hàng đầu.