1. Tây Thi là ai?
Câu chuyện về một trong tứ đại mỹ nhân nổi tiếng lịch sử Trung Quốc sở hữu nhan sắc mê hoặc lòng người nhưng lại chết thảm vì lý do không ai ngờ đã để lại cho hậu thế rất nhiều băn khoăn, trăn trở. Tây Thi là ai? Nàng đẹp tới nhường nào mà có thể khiến tâm huyết và bút mực của các văn sĩ hao tổn vô số.
Tây Thi có tên thật là Thi Di Quang. Nàng sinh vào thời Xuân Thu. Nàng là con gái của một người kiếm củi ở núi Trữ Gia, Gia Lãm. Dù lớn lên trong cảnh nghèo khó, không có lụa là gấm vóc mà quanh năm chỉ có thể mặc vải bố nhưng vẻ đẹp của Tây Thi vẫn mê hoặc lòng người. Nhan sắc của nàng kiều diễm tới nỗi được xếp vào hàng đầu trong tứ đại mỹ nhân trứ danh ở thời kỳ Xuân Thu.
Theo ghi chép trong sử sách, Tây Thi đẹp đến mức khiến cho vạn vật cũng ngây ngất, đắm say. Chỉ cần thấy nàng, chim bay trên trời cũng mải nhìn tới quên vỗ cánh, cá nhìn mải ngắm bóng hình còn quên cả bơi.
Cuộc đời bi ai của Tây Thi: Trở thành quân cờ trong tay kẻ khác và sự biến mất khó hiểu
Thế nhưng như người đời vẫn nói, "hồng nhan thì bạc mệnh", vẻ đẹp của Tây Thi quả thực lại ứng với câu nói đó. Vì sắc đẹp quá hoàn hảo nên số mệnh nàng cũng khó vẹn tròn, cuộc đời nàng bắt đầu rơi vào bể khổ trầm luân sau khi bị Việt Vương Câu Tiễn lôi kéo vào cuộc chiến đầy mưu mô và toan tính với Ngô Vương Phù Sai.
Theo những ghi chép trong sử sách, Việt Vương Câu Tiễn vì không nghe lời can gián của 2 vị hiền thần là Phạm Lãi và Văn Chủng mà bại trận trong trận đánh với nước Ngô ở Phu Tiêu, gây ra đại tội làm cho nước mất nhà tan. Nhân cơ hội nắm quyền hành trong tay, Ngô Vương liền yêu cầu Việt Vương Câu Tiễn sang nước Ngô làm con tin. Dù không muốn chấp nhận yêu cầu quá đáng này của Ngô Vương nhưng bản thân rơi vào tình cảnh không thể phản kháng, Câu Tiễn đành thuận theo nhưng điều này cũng khiến cho Câu Tiễn đem lòng căm phẫn, thù hận và quyết tâm trả thù rửa hận.
Trước lúc Câu Tiễn sang nước Ngô làm con tin, Văn Chủng, một quân sư thân cận của nước Việt đã dâng lên 7 kế sách. Một trong số đó là "Mỹ nhân kế", nghĩa là lựa chọn những người đẹp nhất dâng lên Ngô Vương với mục đích mê hoặc và làm gian tế. Bên cạnh đó, nước Việt còn cống nạp nhiều vàng bạc châu báu để đẩy Ngô Vương lún sâu vào tửu sắc.
Đứng trước tình cảnh bản thân phải làm con tin, nước nhà thì bị hủy hoại, không có lựa chọn nào khác, kế sách "Mỹ nhân kế" thực sự là lựa chọn hợp lý nhất ở thời điểm đó.
Sau một cuộc tuyển chọn, họ đã tìm được 2000 mỹ nữ, trong đó bao gồm hai mỹ nhân tuyệt thế là Tây Thi và Trịnh Đán. Tương truyền rằng, trong thời gian này Tây Thi và Phạm Lãi đã gặp gỡ và yêu nhau. Tuy nhiên vì việc nước, họ đã phải gác chuyện tình cảm này lại.
Quả nhiên biết người biết ta thì trăm trận trăm thắng, kế sách của quân sư Văn Chủng khiến Ngô Vương phải điên đảo tâm hồn trước vẻ đẹp của đại mỹ nhân - Tây Thi. Theo cuốn "Ngô Việt xuân thu", vừa trông thấy Tây Thi, Ngũ Tử Tư, tướng quốc nước Ngô đã can gián cho rằng nàng là "hồng nhan họa quốc", tức là cái họa vong quốc. Nhưng Phù Sai không hề nghe mà chìm vào tửu sắc, bỏ mặc triều chính.
Mọi sự diễn ra theo đúng ý đồ của Câu Tiễn, nhờ Tây Thi, Ngô Vương Phù Sai đã thả Câu Tiễn về nước Việt. Tuy nhiên, Câu Tiễn với lòng căm phẫn Ngô Vương đã nhân cơ hội này mà gây dựng lực lượng, quay lại đánh bại nước Ngô. Phù Sai đã sai sứ giả mang rất nhiều vàng bạc sang giảng hòa nhưng không được, sau đó, vì hối hận, Ngô Vương đã cắt cổ tự vẫn. Nước Ngô cũng vì thế mà rơi vào nguy cơ bị diệt vong, với người dân nước này, Tây Thi đã bị coi là "hồng nhan họa quốc", là gián điệp của nước Việt cài vào để phá hoại.
Tuy nhiên, việc các nhà khảo cổ tìm thấy mộ của Phạm Lãi ở Giang Tô thì sự thật mới được sáng tỏ. Đó là vào năm 2014, tại thị trấn Hồng Sơn, một nhóm mộ cổ thuộc thời kỳ Xuân Thu đã được khai quật. Một ngôi mộ trong số đó được xác nhận là của Phạm Lãi.
Bên trong ngôi mộ, các nhà khảo cổ đã tìm thấy một số ống tre. Theo nội dung ghi chép trên ống tre có thể hiểu rằng, Phạm Lãi và Tây Thi có tư thông, họ còn có con chung là Ngôn Nhi Đình. Phạm Lãi đã dùng con làm con tin và ép buộc Tây Thi đến nước Ngô làm gián điệp. Vì bảo vệ con nên nàng không thể không làm việc này.
Hóa ra, lý do Tây Thi sang nước Ngô là bởi vì con của nàng đã bị bắt, nàng chỉ có thể chọn cách hi sinh bản thân để bảo vệ tính mạng của con. Quả là, trên đời này không gì có thể lớn bằng tình mẹ hi sinh cho con.
Hơn nữa, từ bức thư này, hậu thế có thể thấy được đại mỹ nhân Tây Thi thực sự là gián điệp của nước Việt cài vào bên cạnh Ngô Vương và việc nước Ngô bị diệt vong có liên quan đến nàng. Dù vậy, định kiến "hồng nhan họa quốc" mà người đời dùng để nói về nàng có lẽ cũng không hoàn toàn là đúng.
Nhưng, sau khi Việt Vương Câu Tiễn thành công đánh chiếm nước Ngô, Tây Thi đã biến mất một cách bí ẩn, từ đó không ai biết số phận của nàng ra sao.
2. 3 giả thuyết của các nhà sử học hé lộ về sự biến mất bí ẩn của Tây Thi
Sự mất tích kỳ lạ của nàng Tây Thi đã trở thành bí ẩn gây tranh cãi với hậu thế. Các nhà sử học đã đặt ra rất nhiều giả thuyết khác nhau dựa trên những ghi chép trong sử sách. Hãy cùng tìm hiểu những giả thuyết vén bức màn bí mật đã được tìm thấy nhiều nhất nhé!
Tây Thi cùng Phạm Lãi bỏ trốn khỏi nước Việt
Theo giả thuyết này, trước khi sang nước Ngô làm nhiệm vụ, Tây Thi và Phạm Lãi đã là một đôi phu thê. Sau khi hoàn thành sứ mệnh, Phạm Lãi đã được Việt Vương Câu Tiễn trọng thưởng và ông đã xin lui về quê ở ẩn. Ông đã cùng Tây Thi đi ngao du Tây Hồ, sống một cuộc sống an nhàn, không lo nghĩ nữa.
Sở dĩ có giả thuyết này là bởi trước đó, Phạm Lãi từng khuyên Văn Chủng rằng: "Câu Tiễn là người chỉ có thể cùng chung hoạn nạn nhưng không thể cùng hưởng phú quý". Khi đó, Văn Chủng cho rằng mình đã lập công lớn cho nước Việt, sau chiến thắng chắc chắn sẽ được hưởng công lao. Tuy nhiên, lời nhận xét về Câu Tiễn của Phạm Lãi hoàn toàn chính xác, Văn Chủng đã bị Câu Tiễn giết chết sau khi đánh thắng nước Ngô. Phạm Lãi vì nhìn thấu con người của Câu Tiễn nên đã kịp thời rời bỏ nước Việt.
Ngô Vương Phù Sai và Việt Vương Câu Tiễn có liên quan tới sự biến mất bí ẩn và cái chết của Tây Thi
Đây là giả thuyết ra đời sau khi nước Ngô bị đánh bại trong chưa đầy 100 năm và cũng được coi là có mặt sớm nhất. Theo học thuyết "Mặc Tử" nổi tiếng của thời Chiến Quốc, ở phần "Thân sĩ thiên", Mặc Tử có viết: "Tỷ Can chi ế, kỳ kháng dã; Mạnh Bí chi sát, kỳ dũng dã; Tây Thi chi trầm, kỳ mỹ dã; Ngô Khởi chi liệt, kỳ công dã". Theo đó, ông đã xác nhận Tây Thi chết là do bị dìm chết.
Đặc biệt, với giả thuyết này, nhiều nhà học giả hậu thế đã đặt ra 4 trường hợp cụ thể về việc Tây Thi chết như thế nào như sau:
● Tây Thi bị chính Ngô Vương Phù Sai dìm chết trên sông. Phù Sai làm như vậy dù hết mực yêu thương Tây Thi là bởi khi nước Ngô bị tiêu diệt, ông đã phát hiện ra Tây Thi là gian tế của nước Việt.
● Sau khi Ngô Vương tự tử, Tây Thi đã bị bắt và sau đó bị người dân nước Ngô thả trôi sông mà chết để trả thù cho đất nước.
● Lập luận khác lại cho rằng, vợ của Câu Tiễn sợ Tây Thi sẽ mê hoặc chồng mình nên đã bí mật buộc đá vào người nàng và vứt xuống sống. Lập luận này đã từng được nhắc tới trong tiểu thuyết "Đông Chu liệt quốc".
●Tuy nhiên, trong cuốn "Ngô Việt xuân thu", chính Câu Tiễn đã giết chết Tây Thi để cúng tế Ngũ Tử Tư. Việc làm này của Câu Tiễn được nhận định là để xóa hết những bằng chứng về chuyện xấu xa của mình cũng như để lấy lòng người dân nước Ngô.
Phạm Lãi ra tay giết chết Tây Thi
Có một giả thuyết khác nói về số phận của Tây Thi sau khi nước Ngô bị diệt vong là vì sắc đẹp mê đắm của nàng, Việt Vương Câu Tiễn muốn giữ cô lại bên mình. Phạm Lãi đã kiên quyết phản đối vì sợ rằng Câu Tiễn sẽ đi vào vết xe đổ của Ngô Vương. Sau đó Phạm Lãi đã nghĩ ra một kế hoạch và sai người lừa Tây Thi tới Thái Hồ, khi tới giữa hồ, ông ta đã tự tay giết chết nàng.
Tuy nhiên, dựa theo những ghi chép tìm thấy bên trong mộ của Phạm Lãi, có thể thấy tình cảm giữa ông và Tây Thi theo như những lời đồn trước đây là sự thực. Phạm Lãi sẽ không vì thế mà xuống tay giết hại Tây Thi một cách tàn nhẫn như vậy. Bởi vậy, giả thuyết này đã bị nhiều học giả bác bỏ.
Kết cục của Tây Thi ra sao, nàng đã chết như nào thì cuộc đời của người đẹp này quả thực ứng với câu nói "hồng nhan bạc mệnh". Dù là đại mỹ nhân nhưng Tây Thi lại bị dâng tặng cho người khác, phải chia lìa chồng con để sống cùng kẻ địch, sau đó lại bị giết thảm, quả thực là một đời oan trái.
3. Đại mỹ nhân nổi tiếng Tây Thi có thật không hay chỉ là giai thoại?
Không chỉ có sự biến mất bí ẩn, cho tới nay, việc Tây Thi có thực hay chỉ là nhân vật hư cấu hay không vẫn là đề tài tranh cãi của hậu thế, các nhà sử học cũng chưa có lời giải.
Dù có giả thuyết cho rằng Tây Thi không phải là tên riêng mà chỉ là một từ được tạo ra để chỉ chung những người đẹp thời xưa. Thế nhưng, người ta vẫn tìm thấy trong rất nhiều cuốn sử sách có ghi chép lại nhiều đoạn mô tả về Tây Thi. Dù chi tiết hay chỉ đơn giản là vài dòng miêu tả thì những dẫn chứng này đã phần nào chứng tỏ sự hiện diện của nàng đối trong lịch sử của nhân loại.
Cụ thể, theo "Câu Tiễn âm mưu ngoại truyện" trong "Ngô Việt xuân thu" có viết rằng khi chép lại rằng "Việt Vương tìm được hai đại mỹ nhân là Tây Thi, Trịnh Đán rồi ra lệnh cho đại phu là Văn Chủng mang tới dâng cho Ngô Vương Phù Sai". Sau đó, đã có rất nhiều cuốn sách đề cập tới Tây Thi, một trong số đó là cuốn sách nổi tiếng có tên "Việt tuyệt thư".
Ngoài ra, trong rất nhiều tác phẩm văn thơ nổi tiếng, các văn sĩ cũng tốn không ít tâm huyết để ca tụng sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành của Tây Thi cũng như thể hiện sự thương tiếc cho số phận của nàng như bài "Tây Thi than" của Thôi Đạo Dung, "Ngô vương mỹ nhân bán túy" của Lý Bạch hay "Tây Thi vịnh" của Thi Phật Vương Duy… Thậm chí, cuốn tiểu thuyết dã sử "Đông Chu liệt quốc chí" đã đề cập tới Tây Thi ở hồi thứ 81 có tên là "Tây Thi mê hoặc vua Ngô, Tử Cống đi du thuyết các nước".
Từ câu chuyện bi thương của đại mỹ nhân Tây Thi, chúng ta có thể thấy rằng dù nàng là gián điệp hay "hồng nhan họa quốc" thì tất cả những việc nàng làm đều xuất phát từ tình yêu dành cho con, dành cho người mình yêu. Với sự hi sinh cao cả, vì bảo vệ con mà không màng hiểm nguy, nàng Tây Thi vẫn xứng đáng là một nhân vật được sử sách ca ngợi và ghi nhận công lao.