3 thương gia “cự phú” nào đã xoay chuyển cục diện Xuân Thu Chiến Quốc?

Google News

Phạm Lãi thành công rút lui khỏi quan trường, tích lũy khối tài sản lớn. Tử Cống một chuyến đi sứ làm thay đổi bố cục của năm nước. Lã Bất Vi đầu tư ngân lượng, giúp Tử Sở trở thành người thừa kế của nước Tần...

Trung Quốc thời xưa có hai hình thức kinh doanh thương mại, gồm hành thương (đi buôn) và tọa cổ (ngồi bán). Chương “Thương cổ” trong “Bạch Hổ thông nghĩa” có giới thiệu: “Thương chính là tìm hiểu rõ ràng, tìm hiểu (hàng hóa) xa gần, hàng hóa có hay không, từ đó lưu thông hàng hóa khắp nơi, nên gọi là thương. Cổ chính là cố định, giữ lại tất cả hàng hóa để bán cho người nào cần, để kiếm lợi nhuận trong đó. Đi là thương, ngồi im là cổ”. Phần ghi chép này khá là rõ ràng, phàm những ai đi ra ngoài, đi bôn ba khắp nơi để làm ăn buôn bán thì gọi là “hành thương” (tức đi buôn). Còn những người ở yên tại địa điểm cố định mở tiệm buôn bán thì gọi là “tọa cổ” (tức ngồi bán).
Trong “Du hoạn kỷ văn” nói: “Cái thân hành thương, Năm châu bắc huyện”. Ý muốn nói: những người theo nghề hành thương cũng giống như tăng nhân đi vân du khắp nơi trong thiên hạ, quanh năm vất vả bôn ba ở bên ngoài, chịu đựng đói khát khổ cực, chịu đựng tình người mong manh. Hoặc là họ mang theo hàng hóa đi đến một nơi nào đó bán cho những người dân cần những hàng hóa đó, hoặc là mua những sản phẩm tại địa phương này mang đến địa phương khác bán. Họ lưu thông toàn bộ hàng hóa trong thiên hạ, làm phong phú đời sống vật chất của người dân ở các nơi, thông qua vận chuyển và buôn bán cực khổ, họ kiếm được lợi nhuận tương ứng. Họ vất vả tích lũy của cải, ngoài việc để duy trì cuộc sống của bản thân ra, còn dùng cho những mục đích khác nhau.
Phạm Lãi "công thành thân thoái’, kinh doanh phát đạt, cứu trợ dân nghèo
Vào thời kỳ Xuân Thu, hai nhà chính trị nổi tiếng của nước Sở là Phạm Lãi và Văn Chủng cùng nhau phân tích thời cuộc của thiên hạ, đoán rằng hai nước Ngô, Việt sẽ tranh hùng. Đầu tiên họ đi đến nước Ngô, nhưng không nhận được sự trọng dụng, vì vậy cả hai quay đầu lại đi đến nước Việt, nhận được sự trọng dụng của Việt Vương Câu Tiễn. Phạm Lãi và Văn Chủng phò tá Việt Vương Câu Tiễn suốt hai mươi năm, “mười năm sinh sôi, mười năm giáo huấn”, dần dần nâng cao nhân khẩu, kinh tế, sức mạnh quân sự của nước Việt, giúp Việt Vương Câu Tiễn diệt Ngô phục quốc, thành tựu được bá nghiệp vĩ đại. Sau đó Phạm Lãi được thăng quan làm thượng tướng quân, vang danh thiên hạ.
Phạm Lãi có huệ nhãn đặc biệt, nhìn ra được bản tính của Việt Vương Câu Tiễn từ trong tướng mạo của ông ta, Phạm Lãi viết cho Văn Chủng một bức thư khuyên rằng: “Việt Vương là người cổ dài mỏ nhọn, có thể cùng hoạn nạn, không thể cùng hưởng lạc. Sao ông lại không đi?”, Phạm Lãi nhìn ra được Câu Tiễn không thể cùng thần tử của mình vui hưởng phú quý, cùng hưởng an lạc, vì vậy vội vàng rút lui, mang theo vàng bạc châu báu rời đi từ trước. Văn Chủng không tin lời khuyên của Phạm Lãi, kết quả bị Câu Tiễn ban kiếm ép chết.
Phạm Lãi rời khỏi nước Việt, đi đến nước Tề, ông thay đổi tên họ, dựa vào trí tuệ sẵn có của bản thân để kinh doanh mua bán, và dẫn theo con trai đi khai hoang, trồng trọt bên bờ biển, tạo dựng được mấy trăm vạn gia sản. Tề Vương nghe nói Phạm Lãi là một thánh hiền, liền mời ông về làm tướng quốc, chủ trì công việc chính trị của nước Tề.
3 thuong gia “cu phu” nao da xoay chuyen cuc dien Xuan Thu Chien Quoc?
Phạm Lãi (ảnh minh họa: Wikipedia). 
Nhưng Phạm Lãi đang ngồi hưởng vinh hoa phú quý lại không có suy nghĩ như vậy, “Ở nhà thì đến ngàn vàng, làm quan thì đến khanh tướng, đây là cực điểm của y bố (y bố tức dân thường). Hưởng tôn danh quá lâu, không cát tường”. Ông cho rằng bản thân làm quan có thể làm đến khanh tướng, ở nhà có thể tích lũy tài sản ngàn vàng, đối với một dân thường khởi nghiệp bằng hai bàn tay trắng mà nói, công danh phú quý đã đi đến cực điểm của đời người. Theo như quan niệm truyền thống “vật cực tất phản” (khi sự vật phát triển đến giới hạn nó sẽ chuyển biến sang chiều ngược lại), ý nghĩa sâu xa của quy luật tự nhiên này chính là khi đời người thành công đến điểm giới hạn cuối cùng thì sẽ bắt đầu trở nên suy thoái. Vì vậy ông cho rằng đây là điềm báo không may mắn.
Thế là ba năm sau, Phạm Lãi từ bỏ chức vị tể tướng của nước Tề, tiêu hết gia sản, rời khỏi nước Tề, di cư đến Định Đào (Định Đào, Sơn Đông), tự đặt danh hiệu là Đào Chu Công. Tại huyện Định Đào, hai cha con Phạm Lãi đồng tâm hiệp lực, siêng năng trồng trọt và chăn nuôi, chuyển đổi hàng hóa dựa theo các mùa khác nhau, thông qua đó để kiếm lợi nhuận. Vài năm sau, Phạm Lãi lại lần nữa tích lũy được số tài sản khổng lồ không thể đếm hết được, ông vẫn thường xuyên cứu trợ cho những bá tánh nghèo khổ. Vì ông giàu mà có đức nên người dân địa phương gọi Đào Chu Công là “Thần tài”.
Tử Cống giàu mà có đức, ngang hàng ngang vế với chư hầu
Tử Cống là một học trò xuất sắc của Khổng Tử, người này thông minh nhạy bén, khả năng hùng biện rất xuất sắc, và cũng rất giỏi kinh doanh buôn bán. Tử Cống biết cách kinh doanh, kiếm được sản nghiệp ngàn vàng, được người đời sau gọi là nho thương đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc. Bởi vì Tử Cống có đầy đủ sự giàu có, trí tuệ, đức hạnh, vì vậy ông đi đến đâu cũng được tôn kính, ngoài ra ông còn truyền bá danh tiếng của Khổng Tử khắp thiên hạ.
Khi Tử Cống nhậm chức tại nước Lỗ, Điền Thường của nước Tề muốn tạo phản, bởi vì kiêng dè mấy vị trọng thần của nước Tề, liền muốn điều động quân đội của mấy vị trọng thần đi tấn công nước Lỗ, để mưu tính thời cơ cho mình. Vì nước Lỗ là quê hương của Khổng Tử, Khổng Tử nghe được chuyện này, liền phái đệ tử là Tử Cống đi thuyết phục các nước láng giềng. Tử Cống qua lại với quốc vương của các nước, thường xuyên ngồi trên cỗ xe lớn được kéo bởi bốn con ngựa, khí thế khi đi ra ngoài cực kỳ oai phong. Đi đến đâu cũng được tôn trọng, thậm chí có thể cùng ngồi ngang hàng ngang vế với chư hầu. Vì Tử Cống có đức hạnh và giàu có, quốc vương các nước đều rất tôn kính ông, vì vậy đối với sự ghé thăm của Tử Cống, không một nước chư hầu nào dám tiếp đãi thiếu sót.
Tử Cống dựa vào tài hùng biện hơn người của mình, dựa vào tài chí của mình mà làm thay đổi cục diện của năm nước trong vòng mười năm. Trong lần đi du thuyết này, Tử Cống thành công trong việc phá hoại kế hoạch của Điền Thường nước Tề, bảo toàn được nước Lỗ, khiến nước Ngô bị tiêu diệt, còn khiến nước Tấn càng trở nên lớn mạnh, đồng thời cũng góp phần thúc đẩy nước Việt xưng bá. Chuyến đi sứ lần này của Tử Cống vô cùng nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc, trở thành truyền kỳ ngàn năm.
3 thuong gia “cu phu” nao da xoay chuyen cuc dien Xuan Thu Chien Quoc?-Hinh-2
 Chân dung Tử Cống trong bức tranh Tượng bán thân của Chí tiên thánh hiền (trưng bày ở Bảo tàng Cung điện Quốc gia).
Lã Bất Vi "buôn" cả đế vương, phò tá quốc sự
Vào cuối thời kỳ Chiến Quốc, tại Dương Địch (Vũ Châu, Hà Nam) xuất hiện một thương gia giàu có, tên gọi Lã Bất Vi, trong lịch sử Trung Quốc, Lã Bất Vi là một nhân vật vô cùng nổi tiếng. Lã Bất Vi đi khắp nơi để buôn bán hàng hóa, mua rẻ bán đắt, tích lũy được vô số của cải.
Lúc bấy giờ, thái tử An Quốc Quân có một người con trai thứ xuất (con trai của tỳ thiếp hoặc vợ lẽ), tên là Dị Nhân (còn gọi là Tử Dị, về sau đổi tên thành Tử Sở), Dị Nhân bị đưa đến nước Triệu làm con tin. Với thân phận con tin, chi tiêu thường ngày của Dị Nhân rất thiếu thốn, cuộc sống khó khăn cùng cực. Lã Bất Vi đi đến Hàm Đan ở nước Triệu để làm ăn, nhìn thấy Dị Nhân, ông cho rằng Dị Nhân giống như một món hàng quý hiếm, có thể ‘đồn tích cư kỳ’, ông nghĩ rằng có lẽ một ngày nào đó Dị Nhân có thể kế thừa vương vị, lúc này Dị Nhân chính là một cơ hội có thể mang đến ‘lợi nhuận’ cao. Thế là, ông tặng cho Dị Nhân 500 lượng vàng, dùng để kết giao khách quý, rồi lại dùng 500 lượng vàng để mua những báu vật quý hiếm, đi đến nước Tần để làm thuyết khách hậu thuẫn cho Dị Nhân.
Lã Bất Vi mang theo báu vật đi đến nước Tần làm thuyết khách, thành công trong việc xoay chuyển tình thế khốn khó của Dị Nhân, giúp Dị Nhân trở thành người thừa kế của nước Tần, tức là Tần Trang Tương Vương sau này. Sau khi Tần Trang Tương Vương lên ngôi, phong cho Lã Bất Vi làm tướng bang (tướng quốc), phong cho ông làm Văn Tín Hầu, được hưởng thực ấp 10 vạn hộ tại Lạc Dương, Hà Nam. Thậm chí vào năm Tần Trang Tương Vương thứ 3 (năm 247 TCN), sau khi Tần Trang Tương Vương qua đời, Doanh Chính 13 tuổi lên ngôi, tức Tần Thủy Hoàng, Tần Thủy Hoàng cũng phong cho Lã Bất Vi làm “trọng phụ”. Thủ đoạn gan dạ “kỳ hóa khả cư” của Lã Bất Vi giúp ông được làm tướng quốc tại nước Tần suốt 13 năm.

"Kỳ hóa khả cư" và "đồn tích cư kỳ" đều có ý nghĩa là tích trữ một lượng lớn những mặt hàng quý hiếm trong nhà, chờ khi được giá sẽ bán ra để kiếm lợi, đây được xem là một trong những đầu tư dài hạn

Theo Châu Yến/Danviet

>> xem thêm

Bình luận(0)