Lã hậu vốn được coi là hoàng hậu đầu tiên của lịch sử Trung Quốc và được các sử gia đánh giá rất cao về tài năng chính trị lẫn quân sự khi giúp Lưu Bang lên ngôi hoàng đế, lập ra nhà Hán. Tuy nhiên người đời khi nhắc đến Lã hậu sẽ chỉ nghĩ đến sự tàn nhẫn cùng những đòn ghen tuông tàn độc, khét tiếng trong lịch sử của bà.
|
Chân dung Lã hậu (nguồn baike) |
Lã hậu vốn tên là Lã Trĩ. Cha bà là Lã Công, một đại phú hào có mối quan hệ sâu rộng với giới quan lại thuở bấy giờ. Khi trưởng thành, Lã Trĩ rất được nhiều người ngưỡng mộ và muốn hỏi cưới nhưng Lã Công đều từ chối vì cảm thấy không ai xứng với con gái mình. Trong một buổi tiệc, Lã Công vô tình gặp được Lưu Bang và cho rằng đây là người có tài, chắc chắn sẽ thành việc lớn. Ông quyết định gả Lã Trĩ cho Lưu Bang dù cả 2 chênh nhau đến 15 tuổi và Lưu Bang xuất thân bần hàn. Sau hôn lễ, Lã Trĩ đã phải từ giã cuộc sống giàu sang để giúp chồng chăm sóc gia đình.
Lã Trĩ đã khiến nhiều người phải tôn kính vì sự nhạy bén trong chính trị và quân sự của mình. Chẳng những thế bà còn góp công rất lớn để giúp Lưu Bang lên ngôi hoàng đế bằng cách tiếp tế tiền bạc, giải nguy cho Lưu Bang trong các trận đánh lớn, mở rộng các mối quan hệ với những nhà cầm quyền nổi danh đương thời. Không chỉ giúp đỡ Lưu Bang đánh bại các thế lực đối lập và lập ra nhà Hán, Lã Trĩ còn sinh cho ông 2 người con. Sau khi Lưu Bang lên ngôi hoàng đế ông đã phong con trai Lưu Doanh làm thái tử còn con gái là Lỗ Nguyên công chúa.
Một trong số những hành động gây tranh cãi nhất của bà chính là tham gia trực tiếp vào việc sát hại 2 vị tướng có công lớn lập ra nhà Hán là Hàn Tín cùng Bành Việt. Sự tàn nhẫn lẫn thông minh của Lã Trĩ khi đó được nhiều người đánh giá là vượt trội hơn cả Hán Cao Tổ Lưu Bang. Đây cũng được coi là lý do khiến Hoàng đế ngày càng xa lánh Lã hậu và sủng ái các thị thiếp của mình hơn.
|
Hán Cao Tổ Lưu Bang (Ảnh: Internet) |
Trong số đó có một người tên là Thích phu nhân. Hán Cao Tổ yêu Thích phu nhân đến mức đi đâu cũng đưa bà theo cùng. Đến khi Thích phu nhân mang thai và hạ sinh hoàng tử, Lưu Bang đã đặt tên cho con là Như Ý là yêu thương hết mực. Đồng thời Hán Cao Tổ cũng ngày càng ghét con trai của ông và Lã hậu là thái tử Lưu Doanh vì cho rằng thái tử quá hiền lành nhu nhược. Không ít lần Hán Cao Tổ còn tuyên bố với các vị quan lớn trong triều: "Lưu Doanh yếu đuối nhu nhược không giống trẫm. Như Ý lại giống hệt như trẫm". Dần dần, Hán Cao Tổ bắt đầu suy nghĩ đến việc phế Lưu Doanh đến lập Như Ý làm thái tử nhưng lần nào cũng bị bá quan văn võ ngăn cản.
Hành động của Hán Cao Tổ đã chọc giận Lã hậu. Bà vốn là thiên kim tiểu thư lại bỏ tất cả để theo Hán Cao Tổ "nếm mật nằm gai" lập nên nhà Hán. Đến khi công thành danh toại, Hán Cao Tổ không chỉ thờ ơ lạnh lùng với Lã hậu mà còn có ý định phế truất con Lưu Doanh. Không dám làm gì Lưu Bang, Lã hậu chuyển cơn giận sang Thích phu nhân và bắt đầu bày mưu tính kế để giữ vững ngôi vị thái tử cho con trai cũng như giải quyết tình địch.
2 năm sau đó, Lưu Bang vì bệnh tật mà qua đời. Lưu Doanh kế vị thành Hán Huệ Đế, phong Lã hậu làm Thái hậu. Việc đầu tiên Lã Thái hậu làm chính là bắt giam Thích phu nhân. Bà cho người cạo đầu Thích phu nhân, cho tình địch mặc đồ dơ cũ, ăn thức ăn thừa. Chưa bõ tức, Lã thái hậu lại đưa Như Ý vào cung với ý định đầu độc. Lưu Doanh đoán được âm mưu của mẹ nên cố ý cho Như Ý ở chung cung với mình, ăn uống cùng với mình. Không ngờ Lã Thái hậu lại lợi dụng lúc Lưu Doanh đi săn để ép Như Ý uống thuốc độc tử vong.
Như Ý qua đời, Lã thái hậu quay sang hành hạ Thích phu nhân khiến bà mất hết tay chân, ép Thích phu nhân uống thuốc câm. Chưa bõ tức, bà cho người ném Thích phu nhân vào nhà vệ sinh và gọi đó là "Nhân trư" (người lợn). Thích phu nhân vừa chịu nỗi đau mất con lại bị hành hạ đến thân tàn ma dại nên chẳng bao lâu thì qua đời trong uất ức.
|
Hình tượng Lã hậu do Tần Lam thủ vai trong Hán Sở Truyền Kỳ. (Ảnh: Internet) |
Nhiều sử sách còn ghi chép, sau khi biến Thích phu nhân thành nhân trư, Lã hậu còn gọi con trai Lưu Doanh đến xem. Lưu Doanh vốn là người có tính cách lương thiện, nhân hậu nên đã bị sự độc ác của mẹ đẻ hù dọa đến mức sợ hãi thốt lên: "Đây không phải là việc người làm! Tôi là con của Thái hậu, như vậy thì làm sao có thể trị vì thiên hạ đây!". Từ đó Lưu Doanh thường xuyên đổ bệnh nên càng không màng đến chuyện triều đình. Lã Thái hậu nhờ vậy mà đã nắm quyền quản lý triều chính và ngày càng lộng hành hơn, ban quyền hành rất lớn cho người trong gia tộc họ Lã của mình.
Năm 180 TCN, Lã hậu mắc bệnh nặng rồi qua đời ở tuổi 61. Sau khi Lã hậu qua đời, các đại thần của nhà Hán đã giết hết tướng quân họ Lã của bà và giành lại quyền thống trị cho nhà họ Lưu. Dẫu vậy người ta vẫn an táng Lã hậu cùng với Hán Cao Tổ ở Trường lăng. Không ai ngờ được 200 năm sau đó, thi hài của Lã hậu lại bị quân khởi nghĩa Xích Mi cướp phá và đào bới. Sau khi Hán Quang Vũ Đế Lưu Tú khôi phục nhà Hán lại cho người dời mộ phần của Lã hậu khỏi Trường lăng và thờ tại một ngôi miếu riêng. Thay thế vị trí hợp táng của bà là Bạc phu nhân, một trong những phi tần của Hán Cao Tổ và là mẹ của Hán Văn Đế Lưu Hằng.