Quân Thanh bị tấn công bất ngờ vô cùng hoảng loạn, không kịp trở tay, xô nhau tháo chạy.
Theo nhận định của các sử gia đương thời cũng như ngày nay, chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (chiến thắng Kỷ Dậu - 1789) mãi mãi là một trong những trang sử chống ngoại xâm hào hùng nhất của dân tộc, gắn liền với tên tuổi của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ. Góp phần vào chiến thắng vĩ đại này còn có rất nhiều những con người vô danh và hai cô gái họ Vũ ở làng Nhân Mục.
Chuyện xưa kể lại rằng, vào tết năm Kỷ Dậu đạo quân của Đô đốc Đặng Tiến Đông từ vùng Tam Điệp ngược Nho Quan rồi theo đường núi Kếu về huyện Chương Đức, qua cầu Thanh Oai vào trú quân ở Nhân Mục. Khi ấy, Nhân Mục có 5 làng là Giáp Nhất, Chính Kinh, Cự Lộc, Quan Nhân và Phùng Khoang. Nhân dân các làng Nhân Mục thời đó khổ sở vì sự kìm kẹp, quấy rối của giặc Thanh nên khi gặp đội quân của Đặng Tiến Đông đã tích cực ủng hộ. Khi đó lại đúng vào dịp tết Nguyên đán nên nhà nào cũng có cỗ bàn, bánh chưng, bánh dày đem mời quân sĩ.
|
Ảnh minh hoạ: Báo Bình Phước. |
Khi ấy, nghĩa quân đang tìm cách tiếp cận đồn Khương Thượng để điều tra xem xét sự bố phòng của quân Thanh, số lượng quân và các loại vũ khí để ngày mồng 5 tết sẽ mở đợt tấn công. Trong lúc đang dò la thì có hai cô gái ở thôn Lý (làng Giáp Nhất) cho biết: Hàng ngày có vài tên lính Thanh đến chợ Mọc mua thức ăn thường trêu chọc con gái. Nghe hai cô gái họ Vũ nói vậy, đội trưởng đội trinh sát nhờ hai cô dẫn đường và cho một tổ trinh sát đột nhập vào chợ để bắt bọn lính. Hai cô vui vẻ nhận lời và đưa tổ trinh sát tới chợ Mọc.
Buổi chiều ngày 27 tết năm Kỷ Dậu, nghĩa quân thấy 5 tên lính Thanh từ trong thành đi ra chợ Mọc, chúng không biết rằng quân Tây Sơn ở sát đồn của chúng. Chúng nghênh ngang đi tới cầu Mọc bắc qua sông Tô Lịch, gần làng Phùng Khoang thì bị nghĩa quân Tây Sơn bắt, lột quần áo của chúng. Sau đó, các trinh sát mặc quần áo lính Thanh và được hai cô gái chỉ đường để vào đồn giặc điều tra quân số, vị trí đặt kho thuốc súng, sự bố phòng của chúng rồi trở về trình báo đô đốc Đặng Tiến Đông.
Sang mồng 4 tết, đô đốc Đặng Tiến Đông do hai cô gái dẫn đường tiến vào đồn Khương Thượng. Quân ta đưa các "con rồng lửa" được bện bằng rơm, rồi đốt đồn giặc. Quân Thanh bị tấn công bất ngờ vô cùng hoảng loạn, không kịp trở tay, xô nhau tháo chạy. Thái thú Điền Châu Sầm Nghi Đống chỉ huy đồn Khương Thượng thắt cổ tự tử. Quân ta giải phóng hoàn toàn đồn Khương Thượng và đồn Hạ Yên Quyết. Trong khi giao chiến với giặc, cả hai cô gái họ Vũ đã hy sinh.
Sau khi hạ xong đồn Khương Thượng, quân Tây Sơn chiếm luôn đồn Nam Đồng và tiến đánh đại bản doanh của quân Thanh ở Thăng Long khiến Tôn Sĩ Nghị phải tháo chạy. Sáng ngày 5 tết, Quang Trung hạ lệnh đánh đồn Ngọc Hồi. Quân Thanh không chống nổi, phải bỏ thành chạy, cũng bị quân Tây Sơn tiêu diệt.
Trận Ngọc Hồi - Đống Đa đã đánh bại âm mưu xâm lược của nhà Thanh, mãi mãi là trang sử oanh liệt của dân tộc Việt Nam. Tuy trong sử sách không nhắc nhiều tới chiến công thầm lặng của hai cô gái họ Vũ nhưng nhân dân không bao giờ quên họ. Dân làng Nhân Mục và quân sĩ vô cùng thương tiếc hai cô và lập miếu thờ gọi là miếu Trung nữ. Miếu thờ dựng ở thôn Giáp Nhất, tiếc rằng đến nay miếu đã không còn. Nhưng những câu ca dưới đây thì vẫn lắng đọng trong lòng người dân quanh vùng, rằng: "Đầu làng cây duối, cuối làng cây si, con nhạn bay đi, con nhạn bay về. Giặc đến Bồ Đề thì giặc phải tan". Ý của câu ca này nói hai cô đi lại trinh sát đồn địch và nhân dân nhộn nhịp giúp đỡ nghĩa quân. Và chùa Bồ Đề là nơi quân Thanh xin hàng sau trận đánh này. Chùa Bồ Đề hiện nay vẫn còn ở làng Nhân Mục.
Lời bàn về chiến thắng của Tây Sơn
Mùa Xuân năm 1771, cơn bão táp cách mạng của nông dân và các tầng lớp nhân dân dưới sự tổ chức, lãnh đạo của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ nổ ra ở ấp Tây Sơn, phủ Quy Nhơn (Bình Định). Và trong suốt 17 năm liên tục chiến đấu, phong trào Tây Sơn đã lật đổ các chính quyền phong kiến thối nát Nguyễn - Trịnh - Lê, xóa bỏ ranh giới chia cắt đất nước, đặt nền tảng thống nhất quốc gia. Đồng thời, phong trào Tây Sơn đã đánh tan cuộc xâm lược của 5 vạn quân Xiêm. Đặc biệt là với cuộc chiến chống lại 30 vạn quân Thanh xâm lược, nghĩa quân Tây Sơn đã lập nên chiến công hiển hách vào bậc nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta.
Có được thắng lợi này, trước hết là nhờ ý chí đấu tranh chống áp bức bóc lột và tinh thần yêu nước cao cả của nhân dân ta. Và hình ảnh hai cô gái trong giai thoại trên là một minh chứng hùng hồn về truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, đó là "giặc đến nhà đàn bà cũng đánh". Và cũng chính vì có được lòng dân cùng với sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của người anh hùng áo vải Quang Trung mà nghĩa quân Tây Sơn đã viết nên những trang vàng sáng chói nhất trong lịch sử dân tộc. Vì vậy, các sử gia đương thời cũng như ngày nay đều phải thừa nhận rằng, tuy là triều đại phong kiến Việt Nam ngắn nhất nhưng lại là một trong số ít triều đại có chiến công hiển hách nhất trong cuộc chiến chống giặc ngoại xâm phương Bắc, giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.