Vùng đặc quyền kinh tế là vùng biển nằm ở phía ngoài lãnh hải và tiếp liền với lãnh hải, đặt dưới một chế độ pháp lý riêng. Theo đó các quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển cũng như quyền tự do của các quốc gia khác đều do các quy định thích hợp của Công ước LHQ về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) điều chỉnh.
|
Vùng đặc quyền kinh tế VN theo Công ước Luật biển 1982? |
Căn cứ theo điều 57 – UNCLOS, vùng đặc quyền về kinh tế không được mở rộng ra quá 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải để khai thác, đánh cá và đồng thời là thềm lục địa để khai thác dầu khí. Điều đó chứng minh quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không thể thuộc chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc bởi lẽ Hoàng Sa cách lục địa Trung Quốc khoảng cách 270 hải lý và Trường Sa cách lục địa Trung Quốc 750 hải lý.
Để cung cấp cho độc giả hiểu rõ hơn về các quyền, quyền tài phán, nghĩa vụ của các quốc gia ven biển và các quốc gia khác trong vùng đặc quyền kinh tế... Kiến Thức trích đăng:
Điều 56: Các quyền, quyền tài phán và các nghĩa vụ của các quốc gia ven biển trong vùng đặc quyền về kinh tế
1. Trong vùng đặc quyền về kinh tế, quốc gia ven biển có:
a) Các quyền thuộc chủ quyền về việc thăm dò khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc không sinh vật, của vùng nước bên trên đáy biển, của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, cũng như về những hoạt động khác nhằm thăm dò và khai thác vùng này vì mục đích kinh tế, như việc sản xuất năng lượng từ nước, hải lưu và gió.
b) Quyền tài phán theo đúng những quy định thích hợp của Công ước về việc:
i. Lắp đặt và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình;
ii. Nghiên cứu khoa học về biển;
iii. Bảo vệ và gìn giữ môi trường biển;
c) Các quyền và các nghĩa vụ khác do Công ước quy định.
2. Trong vùng đặc quyền về kinh tế, khi thực hiện các quyền và làm các nghĩa vụ của mình theo Công ước, quốc gia ven biển phải tính đến các quyền và nghĩa vụ của các quốc gia khác và hành động phù hợp với Công ước.
3. Các quyền có liên quan đến đáy biển và lòng đất dưới đáy biển nêu trong điều này được thực hiện theo đúng phần VI.
Điều 58: Các quyền và các nghĩa vụ của các quốc gia khác trong vùng đặc quyền về kinh tế
1. Trong vùng đặc quyền về kinh tế, tất cả các quốc gia, dù có biển hay không có biển, trong những điều kiện trong những quy định thích hợp của Công ước trù định, được hưởng các quyền tự do hàng hải và hàng không, quyền tự do đặt dây cáp ngầm nêu ở Điều 87, cũng như quyền tự do sử dụng biển vào những mục đích khác hợp pháp về mặt quốc tế và gắn liền với việc thực hiện các quyền tự do này và phù hợp với các quy định khác của Công ước, nhất là những khuôn khổ việc khai thác các tàu thuyền, phương tiện bay và dây cáp, ống dẫn ngầm.
2. Các Điều từ 88 đến 115, cũng như các quy tắc thích hợp khác của pháp luật quốc tế, được áp dụng ở vùng đặc quyền kinh tế trong chừng mực mà chúng không mâu thuẫn với phần này.
3. Trong vùng đặc quyền về kinh tế, khi thực hiện các quyền và làm các nghĩa vụ của mình theo Công ước, các quốc gia phải tính đến các quyền và các nghĩa vụ của quốc gia ven biển và tôn trọng các luật và quy định mà quốc gia ven biển đã ban hành theo đúng các quy định của Công ước và trong chừng mực mà các luật và quy định đó không mâu thuẫn với phần này và với các quy tắc khác của pháp luật quốc tế.
Điều 59: Cơ sở giải quyết các tranh chấp trong trường hợp Công ước không quy định rõ các quyền và quyền tài phán trong vùng đặc quyền về kinh tế
Trong những trường hợp Công ước không quy định rõ các quyền hay quyền tài phán trong các vùng đặc quyền về kinh tế cho quốc gia ven biển hay cho các quốc gia khác và ở đó có xung đột giữa lợi ích của quốc gia ven biển với lợi ích của một hay nhiều quốc khác thì sự xung đột này phải được giải quyết trên cơ sở công bằng và có chú ý đến tất cả mọi hoàn cảnh thích đáng, có tính đến tầm quan trọng của các lợi ích có liên quan đó đối với các bên tranh chấp và đối với toàn bộ cộng đồng quốc tế.
Điều 60: Các đảo nhân tạo, thiết bị và công trình trong vùng đặc quyền về kinh tế
1. Trong vùng đặc quyền về kinh tế, quốc gia ven biển có đặc quyền tiến hành xây dựng, cho phép và quy định việc xây dựng, khai thác và sử dụng:
a) Các đảo nhân tạo;
b) Các thiết bị và công trình dùng vào các mục đích được trù định ở Điều 56 hoặc các mục đích kinh tế khác;
c) Các thiết bị và công trình có thể gây trở ngại cho việc thực hiện các quyền của quốc gia ven biển trong vùng.
2. Quốc gia ven biển có quyền tài phán đặc biệt đối với các đảo nhân tạo, các thiết bị và các công trình đó, kể cả về mặt các luật và quy định hải quan, thuế
khóa, y tế, an ninh và nhập cư.
3. Việc xây dựng các đảo nhân tạo, thiết bị và công trình đó phải được thông báo theo đúng thủ tục, và việc duy trì các phương tiện thường trực để báo hiệu sự có mặt của các đảo, thiết bị và công trình nói trên cần được bảo đảm. Các thiết bị hay công trình đã bỏ hoặc không dùng đến nữa cần được tháo dỡ để đảm bảo an toàn hàng hải, có tính đến những quy phạm quốc tế đã được chấp nhận chung do tổ chức quốc tế có thẩm quyền đặt ra về mặt đó. Khi tháo dỡ phải tính đến việc đánh bắt hải sản, bảo vệ môi trường biển, các quyền và các nghĩa vụ của quốc gia khác. Cần thông báo thích đáng về vị trí, kích thước và độ sâu của những phần còn lại của một thiết bị hoặc công trình chưa được tháo dỡ hoàn toàn.
4. Quốc gia ven biển, nếu cần, có thể lập ra xung quanh các đảo nhân tạo, các thiết bị hoặc công trình đó những khu vực an toàn với kích thước hợp lý; trong các khu vực đó, quốc gia ven biển có thể áp dụng các biện pháp thích hợp để bảo đảm an toàn hàng hải, cũng như an toàn của các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình đó.
5. Quốc gia ven biển ấn định chiều rộng của những khu vực an toàn có tính đến các quy phạm quốc tế có thể áp dụng được. Các khu vực an toàn này được xác định sao cho đáp ứng một cách hợp lý với tính chất và chức năng của các đảo nhân tạo, các thiết bị và các công trinh, và không thể mở rộng ra một khoảng cách quá 500m xung quanh các đảo nhân tạo, các thiết bị và các công trình, tính từ mỗi điểm của mép ngoài cùng của các đảo nhân tạo, thiết bị và các công trình dó, trừ ngoại lệ do các vi phạm của quốc tế đã được thừa nhận chung cho phép hoặc tổ chức quốc tế có thẩm quyền kiến nghị. Phạm vi của khu vực an toàn được thông báo theo đúng thủ tục.
6. Tất cả các tàu thuyền phải tôn trọng các khu vực an toàn đó và tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế được chấp nhận chung liên quan đến hàng hải trong khu vực của các đảo nhân tạo, các thiết bị, các công trình và các khu vực an toàn.
7. Không được xây dựng những đảo nhân tạo, thiết bị hoặc công trình, không được thiết lập các khu vực an toàn xung quanh các đảo, thiết bị, công trình đó khi việc đó có nguy cơ gây trở ngại cho việc sử dụng các đường hàng hải đã được thừa nhận là thiết yếu cho hàng hải quốc tế.
8. Các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình không được hưởng quy chế của các đảo. Chúng không có lãnh hải riêng và sự có mặt của chúng không có tác động gì đối với việc hoạch định ranh giới lãnh hải, vùng đặc quyền về kinh tế hoặc thềm lục địa.
Xem tiếp: Thềm lục địa của VN theo Công ước Luật biển 1982?