Công ước LHQ về Luật biển năm 1982 quy định gì? (2)

Google News

(Kiến Thức) - Theo công ước Luật biển 1982, vùng biển nằm ngoài phạm vi chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển được hiểu thế nào?

 Theo công ước Luật biển 1982, vùng biển nằm ngoài phạm vi chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển được hiểu thế nào?
Kiến Thức trích Công ước LHQ về Luật biển năm 1982, quy định như sau:
Biển cả: là vùng biển nằm ngoài các vùng biển thuộc phạm vi chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của các quốc gia ven biển. Trong vùng biển này, tất cả các quốc gia đều được hưởng các quyền tự do hàng hải; tự do hàng không; tự do đặt các dây cáp và ống dẫn ngầm; tự do xây dựng các đảo nhân tạo và các thiết bị khác được pháp luật cho phép; tự do đánh bắt hải sản; tự do nghiên cứu khoa học… Các quốc gia thực hiện các quyền tự do biển cả trên cơ sở tôn trọng và lưu ý tới lợi ích của nhau.
Đáy đại dương: là đáy biển và lòng đất dưới đáy biển nằm bên ngoài các vùng biển thuộc quyền tài phán quốc gia. Ngoài ra, luật biển còn quy định quyền và nghĩa vụ của các quốc gia không có biển. Theo đó, các quốc gia không có biển có quyền đi ra biển và đi từ biển vào để thực hiện các quyền mà những quốc gia này được hưởng theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, kể cả các quyền liên quan tới tự do trên biển cả và liên quan đến những lợi ích phát sinh từ chế độ di sản chung của nhân loại. Các quốc gia không có biển thực hiện quyền đi ra biển thông qua những thoả thuận trực tiếp, phân khu vực hay khu vực với quốc gia láng giềng có biển – được gọi là quốc gia quá cảnh. Quốc gia quá cảnh có quyền định ra mọi biện pháp cần thiết để đảm bảo rằng các quyền và các điều kiện thuận lợi được quy định trong Công ước vì lợi ích của quốc gia không có biển không hề đụng chạm đến các quyền lợi chính đáng của quốc gia quá cảnh.
Trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, bên cạnh những những chứng cứ lịch sử, pháp lý chứng minh chủ quyền của Việt Nam đã được xác lập liên tục, hoà bình từ lâu đời đối với hai quần đảo, Công ước Luật biển 1982 là công cụ pháp lý để phản bác những yêu sách phi lý, ngang ngược của Trung Quốc đối với cái gọi là “đường lưỡi bò” chiếm đến 80% diện tích Biển Đông, vốn là vùng biển nửa kín được bao bọc bởi 9 quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Xem tiếp: Vùng đặc quyền kinh tế VN theo Công ước Luật biển 1982?
Hoàng Hoa

Bình luận(0)