Vụ trộm chó bị đánh chết tại Quảng Ninh: Xử lý thế nào?

Google News

(Kiến Thức) - Luật sư phân tích tội danh của 2 kẻ trộm chó và những người dân quá khích trong vụ trộm chó bị đánh chết tại Quảng Ninh xảy ra tối 2/1.

Dư luận hiện vẫn chưa hết chấn động về vụ việc 2 kẻ trộm chó bị người dân phát hiện, truy đuổi và đánh hội đồng khiến 1 người chết, 1 kẻ bị đa chấn thương xảy ra mới đây tại xã An Sinh, huyện Đông Triều (Quảng Ninh).  
Liên quan đến vụ việc này, Công an tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội và Công an huyện Đông Triều triển khai ngăn chặn các hành vi quá khích, khẩn trương phân loại, chứng minh hành vi phạm tội Giết người, Cố ý gây thương tích cho 2 đối tượng trộm chó của một số người dân. Đồng thời, cơ quan công an cũng đang điều tra làm rõ hành vi phạm tội Trộm cắp tài sản; Tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng của đối tượng Trần Đức Kha và Bùi Đình Đăng.
Dư luận băn khoăn, với hành vi mang súng đi trộm chó, và nổ súng khi bị truy đuổi, đối tượng trộm chó sẽ bị xử lý theo tội Trộm cắp tài sản hay cướp tài sản? Việc xử lý một số người dân quá khích đánh chết kẻ trộm chó và gây thương tích cho kẻ còn lại bị xử lý ra sao?
Vu trom cho bi danh chet tai Quang Ninh: Xu ly the nao?
 Đối tượng Bùi Đình Đăng và hiện trường vụ án.
PV Kiến Thức đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc công ty Luật quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp liên quan đến việc xử lý những hành vi trên trong vụ trộm chó bị đánh chết tại Quảng Ninh.
Theo Luật sư Nguyễn Hồng Thái nhận định, gần đây tình trạng trộm chó ngày càng gia tăng. Những kẻ trộm chó ngày càng hung bạo hơn như sử dụng súng bắn đạn ghém, súng kích điện để chống trả người truy đuổi dẫn đến nhiều người đuổi trộm thiệt mạng. Nhân dân căm phẫn và cách xử lý của chính quyền chưa hiệu quả dẫn đến tình trạng nhân dân tự xử lý ở khắp mọi nơi.
Nói về việc Công an Quảng Ninh khởi tố đối tượng trộm chó tội trộm cắp tài sản, Luật sư Thái nhìn nhận, những kẻ trộm chó bị khởi tố tội trộm cắp và tàng trữ vũ khí có lẽ là chưa hợp lý mà cần xem xét khởi tố tội cướp tài sản.
“Vấn đề ở đây là cách xử lý để ngăn chặn tình trạng trộm cắp trên và chính quyền có các giải pháp xử lý ra sao để người dân không căm phẫn và tự xử như hiện nay. Theo tôi, tình trạng những tên trộm chó công khai bắt chó, dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực nhằm tước đoạt tài sản (con chó) của người dân cần phải truy tố tội cướp tài sản (điều 133 BLHS) thì chính xác hơn”, Luật sư Thái cho biết.
Để chứng minh nhìn nhận của mình, luật sư Thái phân tích:
Khách thể của tội phạm. Tội cướp tài sản trực tiếp xâm hại đến 2 quan hệ xã hội:
- Quan hệ nhân thân, đó là quan hệ về tính mạng, sức khoẻ con người (người dân truy đuổi).
- Quan hệ tài sản (lấy chó).
Mặt khách quan của tội phạm chỉ đặc trưng bởi dấu hiệu hành vi khách quan. Hành vi khách quan của tội cướp tài sản được thực hiện bằng 1 trong 3 hành vi sau:
Hành vi dùng vũ lực: Dùng sức mạnh về vật chất, thể chất tác động lên người khác như xô ngã, chặn xe, đánh, chém...
Hành vi đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc: Có lời nói, cử chỉ khống chế tác động lên tư tưởng của người khác để người này tin rằng nếu không đưa tài sản cho can phạm thì việc dùng vũ lực sẽ xảy ra ngay không tránh khỏi. Cụm từ “ngay tức khắc” chỉ:
Sự mãnh liệt của hành vi đe dọa.
Khoảng cách thời gian không có sự gián đoạn giữa hành vi đe doạ và hành vi dùng vũ lực.
Ví dụ: Đ giơ súng dọa bắn, rút dao dọa chém, dọa đâm. Để đánh giá hành vi đe dọa dùng vũ lực có phải “ngay tức khắc” hay không phải căn cứ vào: Thái độ, cử chỉ, tính chất hành vi đe doạ. Công cụ, phương tiện người phạm tội sử dụng (súng bắn đạn ghém). Không gian, thời gian, hoàn cảnh, địa điểm sự việc xảy ra. Hành vi khác như cho nạn nhân uống thuốc ngủ, dùng ê te, các loại thuốc hướng thần khác.
Tội cướp hoàn thành khi can phạm thực hiện 1 trong 3 hành vi nên trên. Đặc điểm của các hành vi này phải làm tê liệt ý chí (làm nạn nhân không nhận thức, không biết sự việc đang xảy ra) hoặc làm tê liệt khả năng chống cự (biết sự việc xảy ra nhưng không có khả năng phản kháng) của nạn nhân. Việc lấy tài sản hay không là do người phạm tội quyết định.
Chủ thể của tội phạm là bất kỳ ai từ đủ 14 tuổi trở lên, có năng lực trách nhiệm hình sự.
Mặt chủ quan của tội phạm được đặc trưng bởi 2 dấu hiệu:
+ Lỗi cố ý trực tiếp
+ Mục đích chiếm đoạt tài sản là dấu hiệu bắt buộc. Mục đích chiếm đoạt tài sản luôn phải xuất hiện trước hoặc muộn nhất là đồng thời với thời điểm thực hiện hành vi khách quan.
“Qua những qua phân tích, chúng ta thấy những kẻ trộm chó mang theo vũ khí và dọa bắn phải bị khởi tố tội cướp thì hợp lý hơn. Như vậy vừa ngăn chặn được nạn trộm chó hiện nay, vừa khiến người dân không căm phẫn tự xử gây ra án mạng và niềm tin người dân vào hệ thống pháp luật của chúng ta cũng được nâng cao”, Luật sư Thái nêu quan điểm.
Nói về việc một số đối tượng quá khích đánh chết kẻ trộm chó và gây thương tích cho đối tượng còn lại, Luật sư Thái cho biết, Công an Quảng Ninh khởi tố tội danh cố ý gây thương tích dẫn đến chết người là hoàn toàn chính xác. Căn cứ theo tội danh này, những người quá khích đánh chết kẻ trộm chó và gây thương tích sẽ bị xử lý theo điều 104, Bộ luật hình sự.
Điều 104 - Bộ luật Hình sự Việt Nam sửa đổi, bổ sung 2009:
Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;
b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;
c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;
d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Có tổ chức;
g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;
i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;
k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người, hoặc từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.

 

Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)