Vụ việc
bé trai 12 tuổi bị voi của đoàn xiếc hài kịch Bình Minh quật và dẫm chết tại Đăk Nông mới đây là một câu chuyện đau lòng, để lại nhiều bài học cho các phụ huynh có con nhỏ. Liên quan tới vụ việc này, theo các nhân chứng kể lại và phía công an địa phương xác nhận, nguyên nhân bé Nguyễn Văn Luật (12 tuổi) bị con voi có tên là Buk (40 tuổi) quật và dẫm chết một phần đến từ việc cháu bé đùa nghịch và chọc giận con voi.
Cụ thể, Luật cầm lá chuối tiến đến gần cho voi ăn - cách vị trí con voi khoảng hơn nửa mét. Khi voi đưa vòi để quấn lá chuối ăn thì Luật lấy tay giữ lại, đồng thời vỗ vào 2 bên vòi. Vỗ một lúc, con voi giận dữ đưa vòi quấn vào 2 tay Luật rồi quật cậu bé vào hông xe. Tiếp đó, con voi nhấc bổng Luật vào thùng xe rồi dùng chân phải dẫm 2 cái vào người Luật khiến cậu bé tử vong.
|
Con voi đã quật và dẫm chết bé Luật. |
Vậy trong vụ việc bé trai 12 tuổi bị voi dẫm chết trên, ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm, họ phải bồi thường cho gia đình nạn nhân ra sao, có bị xử lý hình sự không hay chỉ phải chịu trách nhiệm dân sự?
Theo Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến, Văn phòng Luật sư Đức Thịnh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, việc bồi thường thiệt hại trong vụ việc này căn cứ vào Điều 263 Bộ luật Dân sự 2005 quy định về việc Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Cụ thể, Điều 263 nêu rõ:
1. Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.
Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải tuân thủ các quy định bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng các quy định của pháp luật.
2. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì những người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
3. Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp sau đây:
a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;
b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
4. Trong trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại.
Khi chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ cũng có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
“Ở đây, con voi của đoàn xiếc được xem là thú dữ. Thú dữ là những con thú có thể giết chết con người như hổ, báo, voi, gấu... Vì thế, trường hợp này áp dụng Điều 623 Bộ luật Dân sự, chứ không áp dụng Điều 625 Bộ luật Dân sự quy định việc việc Bồi thường thiệt hại do súc vật (những vật nuôi đã được thuần hóa hoặc chưa thuần hóa như trâu, bò, lợn, gà, hươi, nai...) gây ra”, luật sư Tiến giải thích thêm.
Như vậy, theo Điều 623 Bộ luật Dân sự thì chủ sở hữu của con voi này, hay ông chủ đoàn xiếc hài kịch Bình Minh phải chịu trách nhiệm bồi thường cho gia đình nạn nhân, kể cả trong trường hợp nạn nhân có một phần lỗi.
Theo như báo chí đưa tin thì đoàn xiếc Bình Minh có viết biển cảnh báo ở đuôi xe, ghi là “xa voi 10 mét”. Thế nhưng khi vụ tai nạn xảy ra, đoàn xiếc lại không có một người nào đứng canh giữ voi. Như vậy, đoàn xiếc sở hữu con voi đã không tuân thủ các quy định về trông giữ voi, khiến tai nạn xảy ra.
Phân tích thêm về sự việc, Luật sư Trương Quốc Hòe, Văn phòng Luật sư Interla, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho rằng, vụ việc trên bên cạnh việc bồi thường dân sự còn có thể bị khởi tố hình sự và chủ đoàn xiếc Bình Minh phải chịu trách nhiệm hình sự nếu gia đình nạn nhân nộp đơn khởi kiện. Theo đó, chủ sở hữu của con voi có thể bị khởi tố về hành vi vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 227 Bộ luật Hình sự.
Cụ thể, Điều 227 Bộ luật hình sự nêu rõ:
Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người
1. Người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Là người có trách nhiệm về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười hai năm.
4. Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
“Tuy nhiên, việc có xử phạt hình sự hay không còn phải xem xét trên nhiều khía cạnh và phụ thuộc vào kết quả điều tra cuối cùng của cơ quan chức năng”, Luật sư Hòe nói.
Còn theo Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến, việc đoàn xiếc Bình Minh đã đến thăm hỏi, chia buồn và gửi lời xin lỗi tới gia đình nạn nhân, đồng thời bồi thường ban đầu 10 triệu đồng sau khi sự việc con voi dẫm chết bé trai là một việc nên làm. “Tuy báo chí không nói đến cụ thể nhưng tôi nghĩ chắc đoàn xiếc cũng lo các chi phí cứu chữa, ma chay cho cháu bé. Dưới góc độ nhân đạo, anh là một đơn vị hoạt động kinh doanh, khi xảy ra một tai nạn nào đó liên quan đến anh, thì việc trước tiên, anh nên lo cứu người, nếu chẳng may có người thiệt mạng, anh nên thăm hỏi, chia buồn, lo ma chay cùng gia đình nạn nhân rồi sau đó hãy phân bua đến chuyện đúng sai, chứ đừng vì khăng khăng cho mình đúng, lỗi tại nạn nhân mà bỏ qua các nghĩa cử trên”, Luật sư Tiến nói.