Dư âm vụ thảm sát ở Bình Phước còn chưa kịp lắng xuống, mới đây dư luận cả nước lại một lần nữa chấn động trước vụ án thương tâm “mẹ giết 2 con ném xuống giếng” xảy tại thôn 9, xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước.
Hai nạn nhân bị sát hại là là Điểu M (SN 2010) và Điểu B (SN 2012). Hung thủ của vụ án mạng này là bà Điểu Thị C (SN 1989). Cả ba mẹ con là người dân tộc S’Tiêng – dân tộc thiểu số sinh sống khá đông trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
Theo thông tin ban đầu, vào khoảng 14h chiều 15/7, ông Điểu S (chồng bà C) đi làm về thấy bà C đứng ở cửa sau nhà mà không thấy hai con đâu. Ông S hỏi thì bà C chỉ vào trong buồng. Ông S vào tìm lại không có, bước ra ngoài, ông S thấy bà C đã chạy ra vườn ẩn nấp.
Nghi ngờ hai con gặp chuyện, ông S đã hô hoán hàng xóm và báo cho lực lượng công an xã đến nhà điều tra. Sau khoảng nửa giờ tìm kiếm trong khuôn viên vườn nhà và lần theo vết chân của bà C công an đã phát hiện thi thể của cháu M và B nằm dưới giếng.
|
Hiện trường vụ việc. |
Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy nạn nhân tử vong không phải do ngạt nước. Thi thể cháu Điểu M có một vết đâm và dấu vết nghi là siết cổ. Còn thi thể cháu Điểu B khi được tìm thấy vẫn còn một đoạn tay áo bị xé ra, quấn quanh cổ.
Theo nhiều người nhà, trong nhiều năm trở lại đây bà C có dấu hiệu bị tâm thần. Bà này có những hành động khó hiểu và thường xuyên bỏ nhà đi lang thang.
Nguồn thông tin từ cơ quan công an cho hay, khi bị tạm giữ để điều tra, bà C khai báo đã sát hại 2 con bằng cách siết cổ và đâm bằng dao Thái Lan. Hiện cơ quan công an tiếp tục mở rộng điều tra và trưng cầu kết quả giám định tâm thần đối với nghi can C.
Liên quan đến vụ việc trên, PV báo Kiến Thức đã có cuộc trao đổi với Luật sư Chu Văn Tiến – Công ty Luật TNHH An Nam thuộc Đoàn Luật Sư thành phố Hà Nội và đồng nghiệp.
|
Luật sư Chu Văn Tiến – Công ty Luật TNHH An Nam. |
Luật sư Tiến nhận định những vụ án mạng xảy ra trong xã hội khiến dư luận đặc biệt quan tâm là khi các hung thủ đã cố ý xuống tay tước đoạt mạng sống của những đứa trẻ thơ ngây vô tội lại chính là người mẹ từng sinh ra và nuôi nấng chúng. Thực trạng này không phải là phổ biến nhưng hậu quả của nó mang lại khiến cho chúng ta phải suy ngẫm về tính nhân văn, nhân đạo trong cuộc sống.
Lý giải cho hành vi tàn độc này, hung thủ thường đưa ra nhiều lý do để biện minh như vì họ giận chồng, rơi vào tình trạng trầm cảm mà không ý thức được hành vi hay cũng có những bà mẹ đã giết con chỉ vì muốn được “vui vẻ” bên nhân tình…
Tuy nhiên, với với bất kỳ lí do nào đi nữa thì việc tước đi sinh mạng của chính những người con mà họ đã mang nặng đẻ đau là không thể tha thứ và cần được pháp luật xử lý nghiêm.
Luật sư Tiến phân tích, trong vụ án này, bà C đã giết hai người con: Điểu M (SN 2010) và Điểu B (SN 2012) - được xác định là “trẻ em” theo quy định của pháp luật (Theo Điều 1 Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục Trẻ em năm 2004, Trẻ em được xác định là người dưới 16 tuổi).
Với các hành vi được xác định là giết 2 bé bằng cách bóp cổ và đâm bằng dao Thái lan, rồi ném xác hai bé xuống giếng, hành vi của bà C “có thể” cấu thành tội giết người theo khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự, với khung hình phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù trung thân hoặc tử hình, với các tình tiết tăng nặng theo điểm a “Giết nhiều người”, điểm c “Giết trẻ em”.
Theo những thông tin mà người nhà bà C đưa ra, trong nhiều năm gần đây, bà C có dấu hiệu bị tâm thần, do đó, để có thể biết được bà C có phạm tội hay không, và phải chịu trách nhiệm hình sự như thế nào thì cần phải tiến hành trưng cầu giám định pháp y, xác định xem bà C có bị tâm thần thật sự hay không?
Nếu bị tâm thần thì bị tâm thần “trước khi”, “trong khi”, hay “sau khi” bà C thực hiện hành vi “giết hai con” và mức độ tâm thần như thế nào, có làm “mất đi hoàn toàn” khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi hay không?
Bởi theo quy định tại Điều 13 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 về Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự thì “người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự” nếu được hội đồng giám định tâm thần xác định và kết luận.
Đối với vụ án này,có hai trường hợp có thể xảy ra. Trường hợp thứ nhất, nếu sau khi hội đồng giám định tâm thần có kết luận “trong khi” thực hiện hành vi “giết hai con”, bà C bị tâm thần làm mất đi khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình thì không phải không phải chịu trách nhiệm hình sự với tội phạm mình gây ra, vì không nhận thức được hành vi tội phạm của mình nhưng vẫn phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh (Điều 13 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009).
Trường hợp thứ hai, nếu sau khi hội đồng giám định tâm thần có kết luận Bà C không bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh tâm thần trước và/hoặc sau khi thực hiện hành vi “giết hai con” hoặc khi thực hiện hành vi “giết hai con” thì có thể bị truy tố về tội phạm Giết người theo điều 93 với khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Khoản 1, Điều 93 Bộ luật Hình sự:
“1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết nhiều người;
b) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
c) Giết trẻ em;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.
2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù ttừ bảy năm đến mười lăm năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.”