Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, đến tháng 3/1945, Hitler chỉ còn kiểm soát một phần lãnh thổ Đế chế thứ ba (Đức Quốc xã). Ở mặt trận phía đông, Hồng quân Liên Xô đã tiến sát sông Oder và chuẩn bị tấn công đánh chiếm Berlin. Ở mặt trận phía tây, quân Mỹ đã vượt sông Rhein và tiến vào “trái tim công nghiệp” Ruhr của nước Đức. Các thành phố của Đế chế thứ ba lần lượt bị không quân Anh san thành bình địa.
|
Hitler đã ra lệnh phá hủy cơ sở hạ tầng ở những khu vực của nước Đức sắp bị rơi vào tay quân đồng minh. |
Trong bối cảnh tuyệt vọng đó,
trùm phát xít Adolf Hitler đã ra lệnh phá hủy cơ sở hạ tầng như cầu cống, đường hầm, thông tin liên lạc, khu công nghiệp và hầm mỏ ở những khu vực sắp bị rơi vào tay quân đồng minh. Các mệnh lệnh “vườn không, nhà trống” trước đó của Hitler đã được thực thi và trên sông Rhein chỉ còn lại độc nhất một cây cầu Remagen vốn bị quân Mỹ chiếm hồi trung tuần tháng Ba năm 1945.
“Sắc lệnh Nero” đề ngày 19/3/1945 có đoạn viết: “Cuộc chiến đấu vì sự sinh tồn của nhân dân đòi hỏi phải sử dụng tất cả các phương tiện trong Đế chế thứ ba để làm suy yếu sức chiến đấu và ngăn chặn bước tiến của quân thù”.
Hitler cho rằng không chịu phá hủy cơ sở hạ tầng trong nước đề phòng trường hợp “quân Đức có thể tái chiếm những vùng lãnh thổ đã mất” quả là ngờ nghệch vì “trong khi rút lui, quân thù sẽ đốt trụi mọi thứ”. Trên thực tế, khi rút lui trước sức tấn công như vũ bão của quân Đức Quốc xã trong năm 1941/1942, Hồng quân Liên Xô cũng đã thực hiện chính sách “vườn không, nhà trống” phá hủy cầu đường để cản đà tiến của quân địch. Thế nhưng, chính công binh Đức mới là lực lượng “san thành bình địa” nhiều cơ sở hạ tầng quan trọng ở Liên Xô khi rút chạy về phía tây.
Sắc lệnh của Hitler viết tiếp: "Tất cả các thiết bị và phương tiện quân sự, giao thông liên lạc, công nghiệp cũng như những tài sản qui trên lãnh thổ Đế chế thứ ba, những phương tiện có thể giúp quân thù chiến đấu hoặc có thể sử dụng trong tương lai gần đều phải phá hủy”.
Sắc lệnh bị người đời gọi là “Sắc lệnh Nero”, mang tên của Hoàng đế La Mã Nero điên rồ đã ra lệnh đốt cháy thành Rome trong năm 64 sau Công nguyên.
Hitler biết rõ rằng ông ta không thể sống sót khi nước Đức thất trận và nhiều lần ngỏ ý rằng sẽ tự sát để khỏi rơi vào tay quân thù. Có lẽ vì thế mà Hitler đã ra lệnh hủy diệt cơ sở hạ tầng có ý nghĩa sống còn đối với nhân dân Đức.
Khi nhận được “Sắc lệnh Nero” vào sáng 20/3/1945, Bộ trưởng Khí tài và Vũ trang Albert Speer viết trong nhật ký: “Đây quả là án tử hình dành cho nhân dân Đức” và “đẩy nước Đức lùi về thời trung cổ”. Ông này không muốn tuân thủ cái sắc lệnh “cắt đứt nguồn sống của nhân dân Đức” này.
|
Bộ trưởng Khí tài và Vũ trang Albert Speer (bên trái) và Adolf Hitler.
|
Trong bức thư gửi Hitler đề ngày 29/3/1945, Albert Speer đã bày tỏ thái độ đối với “Sắc lệnh Nero” và sau này đã tìm cách ngăn cản các cơ sở hạ tầng ở nước Đức bị tiếp tục phá hủy một cách rồ dại.
Bộ trưởng Khí tài và Vũ trang Albert Speer (1905-1981) là "kiến trúc sư đầu tiên của Đức Quốc xã” và từng thiết kế nhiều công trình kiến trúc độc đáo như Phủ Thủ tướng mới (1939) ở Berlin. Albert Speer đã cổ vũ cho việc trục xuất người Do Thái ra khỏi Berlin và khiến cho hàng trăm nghìn tù nhân bị thiệt mạng trong khi bị cưỡng bức lao động khổ sai tại các nhà máy sản xuất vũ khí dưới lòng đất. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Albert Speer bị Tòa án quốc tế Nürnberg tuyên án 20 năm tù giam.
Tuy nhiên, trong khi Đế chế thứ ba lâm vào cảnh khốn cùng, Albert Speer vẫn còn tỉnh táo và thẳng thắn ngăn cản hành động hủy diệt điên rồ của Hitler trong cơn tuyệt vọng.