Hai Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson và Richard Nixon đều đã xem xét phương án tấn công hạt nhân Triều Tiên do những vụ khiêu khích trước đó trong thời Chiến tranh Lạnh.
|
Tổng thống Johnson đã tính chuyện tấn công hạt nhân – bên cạnh nhiều phương án khác - để trả đũa vụ CHDCND Triều Tiên bắt giữ tàu tuần tra USS Pueblo ở vùng biển quốc tế. Ảnh: The Washington Times |
Tổng thống Johnson đã tính chuyện tấn công hạt nhân – bên cạnh nhiều phương án khác - để trả đũa vụ CHDCND Triều Tiên bắt giữ tàu USS Pueblo vào ngày 23 tháng 1 năm 1968. Triều Tiên đã bắt giữ tàu tuần tra USS Pueblo của Mỹ, giết chết một thủy thủ và giam giữ 83 người khác. Những thủy thủ này đã bị Triều Tiên giữ làm con tin gần một năm.
Trong năm 2014, hai nhà nghiên cứu John Prados và Jack Cheevers, làm việc tại Thư viện An ninh Quốc gia của Đại học George Washington, đã viết: "Các tài liệu đã được giải mật của Thư viện An ninh Quốc gia mô tả phản ứng của Mỹ đối với vụ bắt giữ (tàu tuần tra USS) Pueblo, bao gồm các cuộc thảo luận về chính trị-quân sự cấp cao về việc phản ứng như thế nào, trong bối cảnh đầy rẫy nguy cơ của một cuộc xung đột siêu cường. Những kế hoạch khẩn cấp của quân đội Mỹ mà Tổng thống Lyndon Johnson cuối cùng đã bác bỏ bao gồm một cuộc phong tỏa hải quân, các cuộc không kích lớn và thậm chí sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Bắc Triều Tiên".
Quả thực, các tài liệu thu thập được từ các kho lưu trữ cho thấy mặc dù Bộ Ngoại giao Mỹ đang đàm phán, Lầu Năm Góc đã chuẩn bị phương án tấn công phủ đầu, trong đó có việc sử dụng vũ khí hạt nhân.
Hai nhà nghiên cứu John Prados và Jack Cheevers cho biết tiếp: "Mặc dù Bộ Ngoại giao Mỹ đã tiến hành các cuộc đàm phán bí mật với Bắc Triều Tiên nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng một cách hòa bình, Lầu Năm Góc đã lên kế hoạch giải quyết các tình huống bất ngờ bao gồm một cuộc tấn công phủ đầu có thể xảy ra của Bắc Triều Tiên chống lại Hàn Quốc. Tài liệu được sửa đổi một phần này đã phác thảo kế hoạch của Đô đốc Ulysses S. Grant Sharp, chỉ huy lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương, trong đó các máy bay chiến đấu Mỹ và Hàn Quốc sẽ cố gắng tiêu diệt toàn bộ không quân Bắc Triều Tiên. Máy bay chiến đấu của Mỹ và máy bay ném bom chiến lược B-52, cùng với các chiến đấu cơ phản lực của Hàn Quốc, sẽ tấn công vào các căn cứ 'cộng sản hấp dẫn nhất' suốt ngày đêm cho đến khi bầu trời sạch bóng chiến đấu cơ của Bình Nhưỡng”.
Trong vụ khiêu khích ngày 15/4/1969, khi các máy bay chiến đấu của Bình Nhưỡng bắn rơi chiếc máy bay do thám Lockheed EC-121 của Hải quân Mỹ giết chết 31 thành viên phi hành đoàn, Tổng thống Nixon cũng xem xét cuộc tấn công hạt nhân trả đũa CHDCND Triều Tiên.
|
Tổng thống Nixon cũng xem xét cuộc tấn công hạt nhân trả đũa vụ CHDCND Triều Tiên bắn rơi máy bay do thám Lockheed EC-121 của Hải quân Mỹ giết chết 31 thành viên phi hành đoàn. Ảnh: Business Insider |
Robert Wampler, một nhà sử học thuộc Thư viện An ninh Quốc gia, cho biết: "Quân đội Mỹ đã đưa ra nhiều lựa chọn, tăng cường lực lượng quân đội cho một cuộc chiến tranh toàn diện và sử dụng vũ khí hạt nhân”.
Một phi công của Không lực Mỹ lái chiến đấu cơ F-4 Phantom II tên là Bruce Charles đã kể lại cảnh đang ngồi chờ lệnh xuất kích để tấn công một căn cứ không quân Triều Tiên bằng một quả bom nhiệt hạch 330KT B61.
Cuối cùng, Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã chọn công cụ kiềm chế Triều Tiên thay vì tấn công hạt nhân. Ông Nixon biết rằng bắt đầu một cuộc chiến tranh có thể là dễ dàng, nhưng các sự kiện có thể nhanh chóng vượt khỏi tầm kiểm soát. Do đó, Tổng thống Nixon đã khôn khéo rút lại phương án sử dụng vũ khí hạt nhân.
Người ta chỉ có thể hy vọng rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ theo gương của hai vị tổng thống trước đây là Johnson và Nixon để không làm cho cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên trở nên tồi tệ hơn nữa.