|
Nạn nhân của khủng hoảng lương thực ở Đông Phi. Ảnh GlobalGiving |
Nạn đói tái xuất hiện ở Nam Sudan
Nạn đói trầm trọng tái xuất hiện tại bang Unity, Nam Sudan, với khoảng 80.000 người bị thiếu ăn. Đây là quê hương của Phó Tổng thống Riek Machar, người đứng đầu một cuộc nổi dậy vũ trang khiến đất nước kiệt quệ từ tháng 12/2013. Theo Libération, vùng đất này hiện bị tàn phá bởi một trong số các cuộc xung đột được coi là tàn bạo nhất thế giới.
Khoảng 1,5 triệu dân rời Nam Sudan, chủ yếu sang nước láng giềng Uganda. Những người ở lại thường không còn nguồn sống. Theo đánh giá của tổ chức Acted, nạn đói có thể lan rộng trong những tháng tới. Chính phủ Nam Sudan phải chịu phần lớn trách nhiệm về tình trạng này. Theo Liên Hợp Quốc, ít nhất, một nửa ngân sách nhà nước được dành cho quân đội.
Hơn 1/2 dân số Yemen bị thiếu ăn nghiêm trọng
Yemen, quốc gia lớn thứ hai trên bán đảo Arập, có khoảng 17 triệu người đang phải đối mặt với tình trạng “khủng hoảng lương thực” (mức độ báo động 3 trên mức thang 5). Theo ông Stephen O’Brien, phụ trách điều phối cứu hộ khẩn cấp của Liên Hợp Quốc, “đây là cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất trên thế giới”.
Trước khi rơi vào chiến tranh, Yemen mua 90% lương thực từ nước ngoài. Con đường nhập khẩu bị tê liệt hoàn toàn vì cuộc chiến kéo dài hơn 2 năm nay giữa người Houthi, hiện đang chiếm thủ đô Sana và lực lượng trung thành với tổng thống Abd Mansour Hadi (lập thủ đô ở Aden) và nhận được hậu thuẫn từ liên quân các nước Hồi giáo do Ả-rập Xê-út cầm đầu. Khu cảng chính Hodeida dẫn vào miền bắc đất nước bị đóng cửa và nằm trên chiến tuyến. Trong khi đó, cả hai bên đôi khi lại từ chối phân phát hàng cứu viện cho người dân.
Nigeria : Qui mô khủng hoảng bị đánh giá thấp
Bang Borno của Nigeria, khu vực đông dân nằm bên hồ Tchad, bị liệt vào tình trạng “khẩn cấp lương thực”. Hàng triệu dân làng bỏ nhà và ruộng đồng để lên thành phố hay đến các khu vực cứu trợ nhân đạo của Liên Hợp Quốc vì sợ nhóm khủng bố thánh thiến Boko Haram đến cướp bóc tàn phá và cũng sợ những đợt trả đũa của quân đội Nigeria.
Khác với Nam Sudan, ở Nigeria có lương thực-thực phẩm, nhưng giá cao đến mức di dân không thể mua được. Vì vậy, các tổ chức nhân đạo chọn giải pháp trợ cấp tài chính. Còn đối với người dân nằm trong các vùng có giao tranh, phân phối lương thực là ưu tiên hàng đầu. Tổ chức Bác sĩ không biên giới lo ngại một số “khu vực đói” sẽ lại xuất hiện trong thời gian sắp tới.
Somalia dễ bị tổn thương nhất về lương thực
Những đợt hạn hán kéo dài và thường xuyên, mà gần đây nhất là vào năm 2011-2012, đã biến Somalia, ở vùng Sừng Châu Phi thành một trong những vùng dễ bị tổn thương nhất trên thế giới về lương thực.
Ngoài yếu tố khí hậu, Somalia còn bị tàn phá vì các cuộc chiến kéo dài từ hơn 20 năm nay, mà tình hình ngày càng đáng báo động hơn, theo đánh giá của Liên Hợp Quốc. Cuối tháng 02/2017, chính phủ ban hành tình trạng “thảm họa quốc gia”, trong khi phần lớn lãnh thổ vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát. Quân thánh chiến Al Shebad ở miền nam nước này thường xuyên ngăn cản các đoàn cứu trợ nhân đạo vào khu vực. Năm 2011, nạn đói đã giết chết gần 260.000 người Somalia.