Chia sẻ về câu chuyện chuyên đi săn mua cua Hoàng đế Alaska “hấp hối” của mình, chị Hoàng Thị Chung ở Trần Điền (Thanh Xuân, Hà Nội) thành thật: “Chúng còn rất tươi nhưng giá lại rẻ chỉ bằng một nửa so với cua đang bơi”.
Chị tâm sự, ăn hải sản, ai cũng muốn chọn mua những loại tươi ngon nhất. Song, với những loại hải sản nhập khẩu, đi kèm với sự tươi ngon ấy luôn là mức giá vô cùng đắt đỏ. Ví như cua Hoàng đế Alaska, loại cua này có trọng lượng khủng lên tới vài cân mỗi con. Nếu là hàng đang bơi thì con nhỏ nhất có giá vài triệu đồng, con to giá tới hơn chục triệu đồng. Một mức giá không hề rẻ so với thu nhập của gia đình chị.
“Thú thực được ăn con cua nặng cả mấy cân ai cũng thích. Nhưng trước đây tôi chỉ vào mấy cửa hàng hải sản online xem rồi lại lướt qua chứ không dám mua vì quá đắt đỏ”, chị nói.
|
Cua Hoàng đế ngộp được rao bán với giá khá rẻ so với cua cùng loại đang bơi |
Thế nhưng hơn nửa năm nay, đều đặn tháng nào chị Chung cũng mua cua Hoàng đế, có tháng mua ăn tới 2-3 lần. Song, thay vì cua tươi sống đang bơi, chị lại chọn mua cua “hấp hối”.
Cua “hấp hối” là cách gọi vui của người mua và người bán, còn từ hay được dân buôn dùng là “cua ngộp” - chỉ những con cua Alaska nhập khẩu yếu do quá trình vận chuyển thiếu oxi, không thể sống nữa được người bán vớt ra khỏi bể đem ướp đá. Chính vì vậy, loại cua này được các chủ hàng hải sản bán với giá rất rẻ, thường chỉ bằng 50% so với cua đang bơi, chị giải thích.
Mới đầu, chị Chung không biết tới loại cua Hoàng đế ngộp này, sau được một chị trong cùng khu phố rủ mua chung một con về chia đôi. Con cua nặng tới gần 5kg, giá dù rẻ hơn cua sống mà vẫn 850.000 đồng/kg, nếu một gia đình mua ăn cả con cũng thấy xót tiền.
Sau lần đó, chị trở thành người chuyên săn cua “hấp hối” về ăn. Nếu săn được con nhỏ thì vừa đủ cho gia đình chị, còn săn được con to lại rủ chị em trong nhóm ai có nhu cầu thì ăn chung.
Theo chị, loại cua ngộp này hay có bán ở các cửa hàng hải sản, mấy fanpage chuyên về hải sản nhập khẩu. Tuy nhiên, vì là hàng ngộp nên không có thường xuyên, lượng hàng cũng ít, trong khi đối tượng muốn cua ngộp giống như chị khá nhiều, do đó chị phải săn mua.
“Dịp này cua Hoàng đế Alaska giá giảm mạnh nên cua ngộp cũng giảm giá theo. Bữa trước, tôi săn được con cua 5kg, giá chỉ 650.000 đồng/kg, hàng ngộp vớt ra chưa kịp ướp đá được chủ hàng ship ngay. Lúc nhận, hai gia đình chia đôi con cua nên tôi chỉ bỏ ra hơn 1,6 triệu đồng. Con cua to nên thịt nhiều, ăn chất lượng hơn hẳn”, chị khoe.
Trao đổi với PV.VietNamNet, anh Trần Văn Hưng, chủ một cửa hàng hải sản ở Tân Mai (Hoàng Mai, Hà Nội), cho hay vì giá rẻ nên cua ngộp đắt hàng hơn cả cua đang bơi.
|
Do giá rẻ chỉ bằng 40-60% cua sống đang bơi nên cua ngộp được nhiều bà nội trợ săn mua |
Anh cho biết, vì cửa hàng là đầu mối lớn, lại có nhiều chi nhánh nên mỗi lần nhập cua Hoàng đế về số lượng đều lên tới đầu tấn. Trong quá trình vận chuyển sẽ có những con cua yếu ngộp. Hàng này bị loại ra ngay, bởi nếu để chúng chết trong bể sẽ ảnh hưởng tới những con cua sống khác.
Hải sản khi tươi sống thì rất có giá, nhưng là hàng ngộp rồi lại giảm giá trị ngay. Do đó, cua ngộp thường được bán với giá rẻ để đẩy hàng đi nhanh. Chính vì thế nên mỗi lần đăng bán cua ngộp, khách hỏi mua còn nhiều và nhanh hơn cả cua sống.
“Hôm kia, lô cua mới nhập về có khoảng chục con bị ngộp, mỗi con trọng lượng đều từ 2,9-4 kg/con, chân càng đầy đủ. Tôi bán với giá 850.000 đồng/kg mà chưa đầy 15 phút sau khách đã mua hết sạch”, anh nói. Song, anh Hưng thừa nhận cua ngộp không có nhiều, thường chỉ khi cửa hàng nhập lô mới mới có, còn ngày thường chỉ có 1-2 con bởi để ngộp nhiều thì lỗ vốn.
Trong khi đó, chị Đào Thị Mai - quản lý một cửa hàng hải sản ở Đường Láng (Đống Đa, Hà Nội) - nhận xét, dù cua Hoàng đế ngộp khi bán ra được bao về chất lượng, nhưng độ tươi ngon thì chỉ bằng khoảng 80% so với hàng đang bơi. Tuy nhiên, do giá rẻ chỉ bằng 50-60% so với hàng đang bơi nên cua ngộp được rất nhiều bà nội trợ săn lùng.
“Cua sống còn lo ế hàng chứ cua ngộp thì đắt như tôm tươi. Có hôm 10 giờ đêm đăng bán cua ngộp mà chỉ vài phút sau khách đua nhau chốt đơn, lượng cua khách đặt còn nhiều hơn lượng cua ngộp cửa hàng có bán”, chị chia sẻ.
Trên thị trường, cua ngộp được rao bán với giá phổ biến từ 650.000-850.000 đồng/kg tuỳ chất lượng. Thông thường, hàng ngộp gãy chân sẽ có giá rẻ hơn hàng ngộp nguyên con. Song, các chủ hàng tiết lộ loại cua này không có nhiều, cửa hàng cũng không nhận đặt trước, do đó khách muốn ăn phải canh giờ mới mua được.