Một chiều cuối tuần, tôi đến thăm nhà thơ Hoàng Cát khi biết ông đã về điều trị tại gia sau 5 đợt xạ trị hóa chất chữa căn bệnh ung thư hạch cổ. Đầu ông tóc đã rụng sạch nhẵn, nhưng cái cổ đã nhẹ nhõm hơn chứ không còn sưng như ngày mới phát hiện cơn bạo bệnh. Ông cười, giọng vẫn trầm ấm như ngày nào: "Khổ thế đấy, bây giờ có cọng tóc nào là rụng sạch, cái loại hóa chất này có tác dụng chặn đứng bệnh lại ngay nhưng cũng hại lắm…"
Rồi ông khoe đã tìm được một loại thuốc tuyệt vời, có công dụng diệt tế bào ung thư gấp 10.000 lần truyền hóa chất mà lại không gây tác dụng phụ như rụng tóc, nôn mửa, đó là nước ép quả mãng cầu xiêm. Nói rồi ông lắp chân giả, khập khiễng đi lại lấy siêu nước rót mời tôi một cốc, thứ thuốc thần kỳ mà với ông, trời Phật đã chỉ đường để ông gặp được. Câu chuyện của chúng tôi chậm rãi, có lúc là những khoảng trống lặng thinh, bởi có quá nhiều những thăng trầm, bể dâu trong suốt 71 năm cuộc đời mà nhà thơ thương binh này đã gặp.
|
Hoàng Cát và nhà thơ Vương Trọng |
Làm thơ tri ân đồng đội
Sau 5 đợt xạ trị, hiện nay sức khỏe của nhà thơ thế nào?
Đỡ nhiều rồi chứ. Đợt trước ăn uống kém lắm nhưng giờ đã thấy ngon miệng hơn. Hôm nọ có người gửi tặng một chai nước mắm ngon. Chỉ ăn cơm với nước mắm mà được hai bát. (Cười)
Nhiều bạn bè của ông nhận xét, cuộc đời ông là một chuỗi những thăng trầm, biến cố, đến lúc sắp “lên tiên” còn bị trời đày. Ông có thể chia sẻ gì về điều này?
Hồi nhỏ, lúc còn đi học, tôi đã chịu nhiều thiệt thòi. Với lý lịch “đen thui” gia đình là địa chủ, tôi không được kết nạp đoàn, học đại học không được đành phải chọn trường Trung cấp cơ khí, đến khi đi bộ đội cũng phải 8 lần viết đơn xin mới được đi B.
27 tuổi đã bị thương, một chân bị bom dập nát. Trở về đời thường, chọn nghiệp thơ văn kiếm sống thì dính phải nghi án văn chương “Cây táo ông lành”. Bị quy chụp chống phá chế độ XHNC, “treo bút” suốt 15 năm trời. Cuộc đời quăng quật khắp nơi, với đủ các công việc sang hèn kiếm sống. Rồi lại bệnh tật, ốm đau, nào là nhồi máu cơ tim, thoát vị ổ bụng, đến giờ là ung thư…Kể ra cũng lắm tai ương. Cuộc đời tôi có thể làm phim được.
Ấn tượng về những lần chết hút của ông thế nào?
So với bạn bè đã ngã xuống tôi thế này vẫn còn lãi chán. Nhiều khi cái chết đã cận kề ngay cổ mà còn thoát. Thật tài tình.
Lần đó, mồng 2 Tết năm Kỷ Dậu (1969), tôi làm đội trưởng, dẫn một tổ quân khí của Đoàn 4 vào cánh bắc Quảng Nam để học cách chế tạo mìn bay của quân và dân Quân khu 5. Học xong, sản xuất thử tốt rồi, định trở về đơn vị ở Phú Lộc, thì bất ngờ địch rải bom B52 trúng công xưởng. Tôi bị bom hất tung lên rồi rơi xuống một sườn đồi. Chân trái nát như một cái bắp cải bị đập dập...
Khi vết thương đã ổn định, tôi được anh em đồng đội cáng dần ra Bắc. Nhưng vừa cáng rời khỏi bệnh xá một ngày thì gặp một trận càn rất lớn của địch. Chiến sĩ tên Linh, đồng hương Nghệ An, cùng một chiến sĩ người dân tộc Tà Ôi cáng tôi khi đó không may lọt đúng vào điểm đổ quân của máy bay cánh quạt Mỹ! Chúng bắn như vãi trấu. Lính đi trước cáng gục chết ngay tại chỗ. Người lính dân tộc Tà Ôi bỏ chạy xuống suối. Cái võng cáng tôi bị cánh quạt máy bay thổi tốc lên trời.
Tôi nghĩ mình cầm chắc cái chết! Tôi liều bò, lăn xuống sườn dốc. Đêm đến, nghe ám hiệu “tróc chó” của đồng đội người Tà Ôi bò tới. Thấy tôi còn sống, liền cõng tôi ra trạm chuyển thương.
Chưa hết, ra đến trạm thương binh lại tiếp tục gặp bom. Các lán xung quanh tôi bị bom đánh bay phăng teo hết. Võng tôi nằm bị bom giật, cả người cả võng rơi xuống hầm. Thế mà vẫn sống được. Thần kỳ.
Ông từng nói, sự sống với ông bây giờ là niềm tri ân đồng đội. Vì sao vậy?
Đúng vậy, không có những người đồng đội dũng cảm ấy tôi chết lâu rồi.
Dạo trước còn khỏe, tôi hay vào thăm lại chiến trường xưa. Thăm những người mẹ, người chị đã che chắn quân thù cho tôi. Thăm những người đồng đội đã ngã xuống, máu xương đã hòa vào đất.
Trái tim tôi là một nấm mồ/ Tôi chôn cất mẹ tôi bị bom tàn sát/ Tôi chôn cất em trai tôi -không thấy xác/ Trên chiến trường phía Nam. …Trái tim tôi là một nấm mồ/ Tôi chôn cất, ấp iu người em tình nghĩa/ Linh ở Yên Thành, Nghệ Tĩnh/ Tôi cụt chân, Linh cáng cứu tôi/ Địch xả liên thanh/ Linh nát người/ Máy bay đổ quân – chặt Linh làm hai mảnh!... Tôi giữ mãi những nấm mồ/ Luôn được ấm/ Giữa ngực tôi (Trái tim tôi là một nấm mồ).
Tại sao ông chọn hình ảnh trái tim là một nấm mồ?
Cái tên này tôi không cần phải nghĩ mà nó luôn thường trực trong mình, trở thành nỗi niềm ám ảnh, đến một lúc nào đó tự nó bật ra.
Bài thơ là một bức tranh chân thực nhất về một cuộc chiến tranh khủng khiếp. Nó tàn sát mẹ tôi, em tôi và những bạn bè, đồng đội. Những cái chết ám ảnh, không thể nào tôi quên được.
|
Cuộc sống giản dị của nhà thơ Hoàng Cát |
Sống được nhờ vào lòng bè bạn
Trở về sau chiến tranh, dính vào nghi án văn chương và bị treo bút 15 năm. Quãng thời gian đó để lại trong ông những ấn tượng gì?
Bị “treo bút” gần 15 năm, tôi và vợ phải trải qua gần 20 nghề khác nhau để kiếm sống. Nào là dán hộp đựng thuốc cho ngành dược, cuốn thuốc lá điếu rồi đi bỏ cho các quán nước; rang đậu phộng, bán nước chè, phong thuốc lào, làm bóng bì (món làm bằng da lợn, dùng cho món canh ngày tết), làm nem chạo, nuôi gà công nghiệp, úm gà con giống, nuôi chó ta, chó Nhật, nuôi chim vẹt cảnh, làm lồng chim, bán kem mút, nuôi lợn...
Những bài thơ viết về quãng thời gian này tập hợp trong tập Cám ơn vỉa hè. Nhiều bạn bè văn nghệ đọc được ứa nước mắt. Đúng là cảnh ngộ của tôi khi ấy cơ cực quá. Ngày đi làm nhà máy, tối về dán hộp đựng thuốc. Hai vợ chồng nhiều đêm thức trắng để dán hàng mấy trăm cái hộp, kịp sáng mai đủ hàng trả theo hợp đồng. Gian phòng 12m2 chất đầy hộp giấy, không còn chỗ mà nằm nữa. Sáng sớm ra, lại đeo chân giả, đạp xe thồ đống hộp giấy cao ngất ngưởng trên phố đi nhập hàng.
Mình khổ đã đành, con gái mới chục tuổi đầu cũng phải ngồi chợ bán hàng suốt ngày hè. Bạn bè ai nhìn cháu cũng rơi nước mắt. Con mười ba tuổi ngây thơ/ Nghỉ hè ngồi chợ từ trưa tới chiều/ Nắng ròng dội xuống nhà thiêu/ Nón cời che mặt, chẳng lều chẳng phên... (Tha cho ba).
Những ngày tháng cơ hàn đó tôi biết ơn người vợ tảo tần, đã cùng tôi chia sẻ đắng cay. Sau này kỷ niệm 17 năm ngày cưới, tôi làm thơ tặng vợ: Mười bảy năm ta chưa đi đến Nhà hát lớn/ Nhưng đã trải qua mười bảy nghề mặn nhạt có nhau.
Những ân tình nào khiến ông viết nên câu thơ “Ta sống được nhờ vào lòng bè bạn”?
Vì họa vô đơn chí, cuối năm ngoái, cùng một lúc tôi phát hiện ra mình bị thoát vị ổ bụng và ung thư hạch cổ. Hai bệnh đều trong tình trạng cấp cứu. Nhập viện bệnh viện Đại học y mổ ổ bụng song, tôi được chuyển sang bệnh viện Bạch Mai xạ trị hóa chất. Ban đầu tôi có ý định từ bỏ, vì bảo hiểm trái tuyến, gia đình lại khó khăn, trong khi đó mỗi đợt xạ trị tốn cả chục, trăm triệu. Sau đó bạn bè văn chương biết được đã giúp đỡ, nhờ vậy tôi mới có điều kiện chữa bệnh. Câu tiên tri “ta sống được nhờ vào lòng bè bạn” đã đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Tôi sống được là nhờ bạn bè và vợ con.
Dạo này ông còn làm thơ nữa?
Có chứ. Nhiều chứ. Nếu trời cho khỏe, chắc chắn tôi sẽ in thêm và làm lại tuyển tập. Bây giờ vốn liếng thơ cũng hòm hòm rồi.
|
Qua bao thăng trầm càng thấy yêu cuộc đời gấp bội |
Không chỉ dính nghi án văn chương, Hoàng Cát còn vướng vào nghi án “tình trai” với nhà thơ Xuân Diệu. Ông có thể chia sẻ gì với bạn đọc về câu chuyện "hậu trường làng văn" được rất nhiều người quan tâm này?
Lần đầu tôi gặp Xuân Diệu là năm 1958, khi ấy mới 17 tuổi. Lúc ấy đang hớt hơ hớt hải đi tìm trâu lạc thì gặp Xuân Diệu ngồi nghỉ dưới tán cây giữa đồng làng. Anh về thực tế ở Nghệ An. Sau buổi gặp đó, chúng tôi trở nên thân thiết.
Thực ra, Xuân Diệu có yêu tôi. Tôi biết điều đó, nhưng chỉ thương Xuân Diệu chứ không thể yêu giống kiểu trai gái yêu nhau, hay như một người đồng tính, bởi mình là người bình thường. Nhưng về mặt lý trí và tình cảm thì rất thương Xuân Diệu. Mà thương quá hóa chiều…
Những người đọc thơ Xuân Diệu thời đó và sau này đã nhận xét rằng chính ông là "người mẫu” cho một số bài thơ của ông hoàng thơ tình Xuân Diệu. Sự thật thế nào, thưa nhà thơ?
Xuân Diệu làm khá nhiều thơ tặng tôi. Những bài thơ tràn đầy cảm xúc mà tôi nghĩ anh đã viết rất nhanh. Em đi, để tấm lòng son mãi/ Như ánh đèn chong, như ngôi sao/ Em đi, một tấm lòng lưu lại/ Anh nhớ thương em, lệ muốn trào. Ôi Cát! Hôm vừa tiễn ở ga/ Chưa chi ta đã phải chia xa!/ Nụ cười em nở, tay em vẫy/ Ôi mặt em thương như đóa hoa... (Bài Em đi viết vào ngày 11/7/1965).
Anh không xứng là biển xanh/Nhưng anh muốn em là bờ cát trắng/ Bờ cát dài phẳng lặng/ Soi ánh nắng pha lê/Bờ đẹp đẽ cát vàng/Thoai thoải hàng thông đứng/ Như lặng lẽ mơ màng/ Suốt ngàn năm bên sóng…(Biển). Chỉ xét trên khía cạnh thơ thì đây là một bài thơ tình tuyệt hay!
Với ông, Xuân Diệu của đời thường là người thế nào?
Xuân Diệu là một người độ lượng, đặc biệt là hiểu biết và có tâm hồn rộng mở. Ở ông không có sự ti tiện, tầm thường của thói đời, nhưng vẫn đầy những nhược điểm của một con người. Ví dụ, ông ấy là người tham ăn, rất tiếc tiền… Thời bao cấp nghèo khổ, đến cái tăm cũng phải ra mậu dịch mua. Tăm mậu dịch thì làm to đoành, ông cứ hay kêu ca và bắt chẻ đôi hoặc bẻ ra làm 4 cái. Ông mặc quần vá, áo may ô vá… Thế nhưng với bạn bè thì khác, lúc cần ông vẫn sẵn sàng giúp đỡ, thậm chí cho cả trăm đồng, mà tiền trăm khi ấy thì lớn lắm. Tính ông trung thực, bộc trực và thẳng thắn. Rất lãng mạn nhưng cũng rất chỉn chu, cụ thể, hiện thực. Đói là nói đói, ngon là nói ngon. Và có một điều tuyệt vời ở ông là tuyệt đối không có một tí đạo đức giả nào. Bất cứ ai có chuyện gì buồn đau, dù nỗi buồn, nỗi đau đó tầm thường đến mấy thì đến với ông, đều được ông chia sẻ. Điều đó thật không dễ chút nào.
Quan điểm của ông về tình yêu, hôn nhân đồng tính?
Ngày xưa, chuyện đồng tính được coi là ghê gớm lắm, nhưng đến giờ thái độ nhìn nhận về đồng tính cũng được cởi mở hơn, vì đó là vấn đề của sự sống. Trên thế giới tỷ lệ người đồng tính ở cả hai giới là rất cao, thậm chí một số nước người ta đã thừa nhận tình yêu, hôn nhân đồng tính. Điều đó là đúng thôi. Thượng đế sinh ra mọi người đều có quyền bình đẳng trước sự sống. Ai cũng có nhu cầu yêu thương và được yêu thương.
Cảm ơn nhà thơ về cuộc trò chuyện. Chúc ông sớm vượt qua cơn bạo bệnh!
TIN LIÊN QUAN
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU