Thưa đạo diễn, đến thời điểm này, bộ phim tiếp theo của “Ma làng” đã hoàn thành đến tiến độ nào? Ông có thể chia sẻ một chút về bộ phim?
|
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần
|
Giai đoạn quay được 70%, còn lại đằng sau rất nhiều việc nữa, ít nhất còn vài tháng nữa mới hoàn tất. Tôi muốn quay xong sớm để đỡ bị cái nắng, nóng mùa hè làm ảnh hưởng đến êkíp phim. Bộ phim mới này có tên gọi là “Làng ma 10 năm sau”, chứ không phải tên gọi là “Ma làng 2” đâu. Bởi tôi muốn bộ phim có sự tách biệt với một câu chuyện khác hoàn toàn. Một câu chuyện về nông thôn đổi mới sau 10 năm, còn bộ phim “Ma làng” đã kết thúc vào đúng thời điểm khoán ruộng đất năm 1990.
Có nhiều người hỏi tại sao ông vẫn cứ làm phần tiếp theo của bộ phim cũ, có phải vì muốn ăn theo bộ phim đã từng thành công?
Không phải vậy, bởi tôi luôn ý thức rằng, mình tạo ra số phận người nông dân rất rành mạch. Ví dụ bắt đầu từ năm 1956, người nông dân được chia ruộng đất trong thời kỳ cải cách ruộng đất, cho đến năm 1957 lại hợp nhất vào hợp tác xã và không người nông dân nào có ruộng.
Và đến năm 1990, Nhà nước lại khoán ruộng cho người nông dân; đến năm 1995, người nông dân lại tiếp tục mất rất nhiều đất cho những dự án, khu công nghiệp…
Vì thế tôi mới lấy bối cảnh làng đó để khán giả có thể hình dung được sự nối tiếp của từng thời kỳ, tức là những số phận, cuộc đời người nông dân được nối tiếp. Nhưng cốt truyện không phải là những tuyến nhân vật chính như anh Dỏ, cô Ló… mà nối tiếp là thế hệ con cháu họ.
Nói như vậy điểm nhấn của bộ phim sẽ là gì?
Đó là một lứa “ma” mới, một thế hệ con cháu tiếp nối như là cô gái Mưa, anh Hẹn, Hiệp, Ất… Tức là khi được chia ruộng đất năm 1990, nhiều người tưởng nông dân được lên thiên đường đến nơi rồi, nên người ta reo hò, sung sướng lắm. Nhưng bây giờ sau 10 năm, 20 năm, chúng ta lại thấy nông thôn đã phức tạp hơn rất nhiều, nhiều “ma” hơn rất nhiều. Những thế hệ mới, những lứa ma mới tinh vi, xảo quyệt hơn thế hệ cha ông.
Vậy thì vai trò anh Dỏ trong bộ phim này sẽ như thế nào?
Anh Dỏ trong phần tiếp theo này khác trước rất nhiều, bây giờ anh là công nhân vui vẻ, không còn nát rượu của một công ty lâm nghiệp sản xuất đa ngành nghề từ nuôi cá, nuôi dê đến làm nấm.
|
Cảnh trong phim “Làng ma 10 năm sau”. |
Nếu như vậy, đạo diễn có sợ rằng bộ phim sẽ mất đi sự cuốn hút khán giả. Bởi một nghịch lý, khi nhân vật xấu đã trở thành người tốt, thường ít đi sự kịch tính, hấp dẫn khán giả?
Theo tôi, cuốn hút phim không phải bằng bản thân nhân vật, mà bằng chính những trò đạo diễn tạo ra tình huống. Ví dụ như ở tập đầu tiên của bộ phim, nhân vật Dỏ sẽ đi cày đêm theo đúng nghĩa, tức là anh Dỏ này đi cày vào lúc 2 giờ sáng và từ câu chuyện cày đêm này, sẽ nảy sinh ra rất nhiều chuyện, nhiều vấn đề để thu hút sự tò mò của người xem.
Vậy khi nghệ sĩ Hồng Sơn qua đời, đạo diễn đã phải vất vả như thế nào trong việc tìm một anh Dỏ thứ hai. Khi mà vai diễn dường như là đo ni, đóng giày cho Hồng Sơn?
Đúng là vai diễn này, Hồng Sơn đã tạo thành một anh Dỏ hoàn chỉnh. Mà bộ phim “Làng ma 10 năm sau” có được kịch bản như ngày hôm nay là nhờ Hồng Sơn. Ngày Hồng Sơn vẫn còn sống, cậu ấy cứ giục giã tôi viết kịch bản, để cậu ấy tiếp tục được tham gia vai diễn cũng như để cùng một công ty cậu ấy đầu quân vào cùng sản xuất. Thế nhưng khi tôi viết gần xong kịch bản, nghĩa là chỉ còn 10 tập nữa là hoàn chỉnh kịch bản thì tôi biết tin Hồng Sơn đã ra đi mãi mãi. Lúc đó tôi cảm thấy rất hụt hẫng, và nghĩ rằng mình không thể tiếp tục.
Sau này về nhiều lý do, khi tôi tiếp tục nhận lời làm đạo diễn cho bộ phim, tôi đã tìm kiếm rất nhiều nghệ sĩ, từ Công Lý, Quốc Khánh, Quốc Trị nhưng đều thấy không ổn. Chỉ đến khi nghĩ đến Trung Hiếu tôi mới thấy yên tâm. Cậu ấy mặc dù đã đóng rất nhiều phim, nhưng không bị định hình ở vai diễn nào. Nói về nghề, thì Trung Hiếu là một diễn viên giỏi, vì thế tôi quyết định chọn Trung Hiếu. Tôi cũng chia sẻ với Trung Hiếu, không cần phải bắt chước cho được vai diễn của Hồng Sơn, mà hãy là anh Dỏ của đổi mới, hãy là anh Dỏ độc lập, là anh Dỏ do Trung Hiếu thể hiện.
Đạo diễn có thể cho biết thông điệp của “Làng ma 10 năm sau”?
Thông điệp của bộ phim và cũng là quan điểm của cá nhân tôi, là nên để nông thôn tự phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp, thủ công nghiệp theo kiểu công ty cổ phần. Không thể lấy đất của dân để lắp vào đó là những khu công nghiệp, những dự án. Bởi đó không phải là vấn đề lãi lời, mà là sự ổn định của xã hội, văn hóa, đời sống, của người dân.
TIN LIÊN QUAN
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU