Nghệ sỹ Trung Dân: Lợi dụng nghệ thuật, tôi “chặt” thẳng tay

Google News

(Kiến Thức) - “Những người nào mượn danh nghệ thuật để mưu cầu điều khác mà tranh luận với tôi, tôi “chặt” thẳng tay…”

Anh thường khai thác chủ đề “nông dân, nông thôn” để mổ xẻ trong các kịch bản và vai diễn của mình, tại sao vậy?
 
 "Những người nào mượn danh nghệ thuật để mưu cầu điều khác mà tranh luận với tôi, tôi “chặt” thẳng tay..."

Trong cuộc sống nếu anh biết anh là ai, anh sẽ biết anh nên làm gì để đạt được thành công. Tôi chào đời ở vùng ngoại thành Sài Gòn, lớn lên trong bầu không khí nông thôn nên tôi xác định tôi là nông dân từ trong ra ngoài. Tôi hiểu được tâm tư và tình cảm của họ, hay nói cách khác tôi hiểu được vấn đề mà họ đối mặt, tôi muốn mượn nghệ thuật để thay họ biểu lộ buồn vui thương ghét. Đó là sở trường của tôi.

Người nông dân có đóng góp rất lớn cho đất nước nhưng họ vẫn còn thiệt thòi về nhiều mặt. Tôi đứng về phía họ. Những vấn đề xảy ra với nông dân nói hoài nói mãi vẫn không hết. Đây là một đề tài rộng lớn, tôi nghĩ mình không cần phải dấn thân vào mảng đề tài khác.

Nhưng các tiểu phẩm và lối diễn của anh “chửi đời” nhiều quá. Bên ngoài anh có phải là tuýp người “bất mãn” thế không?

Tính cách của người nông dân luôn bộc trực và ăn ngay nói thẳng, vì vậy, tôi phải thể hiện đúng bản chất ấy. Tôi làm được như thế vì kỹ năng diễn xuất và cũng vì máu nông dân có sẵn trong người. Ngoài đời cũng vậy thôi, tôi không ỡm ờ hay cuốn theo chiều gió. Thích hay không thích nói rõ ràng. Những người nào mượn danh nghệ thuật để mưu cầu điều khác mà tranh luận với tôi, tôi “chặt” thẳng tay. Những con người kiểu đó không bao giờ có cơ hội hợp tác với tôi.

Sự thẳng tính đó khiến anh bị ghét ?

 "Một tâm hồn nông dân thì không thể nào có bề ngoài lòe loẹt được. Đó không phải là xì-tai của tôi"

Trong thời gian tôi thực hiện bộ phim Bìm Bịp Kêu Chiều, phim truyền hình đầu tiên do tôi làm đạo diễn, tôi bị phá trăm bề. Hàng loạt những tin đồn tung ra để bộ phim không thể hoàn thành. Trong quá trình quay phim, tôi tiếp tục bị nội bộ phá ngầm, âm mưu đình công. Hiện tại, tất cả những dự án tôi thực hiện đều không muốn công bố trước vì có thể sẽ bị thọc gậy bánh xe. Tôi nghĩ, một phần nhỏ vì sự thẳng tính của tôi, và phần lớn là sự ghen ăn tức ở. Tôi không nể và sợ sệt trước những âm mưu tiểu nhân này, vì tôi luôn quan niệm cây ngay không sợ chết đứng.

Trong nghệ thuật luôn có một luật ngầm, mà ở đó, những nghệ sỹ thành danh có quyền chi phối rất lớn. Anh thì thế nào?

Khi là trưởng nhóm hài tôi có quyền lực với nhóm viên của mình. Bây giờ làm chủ công ty sản xuất phim ảnh, tiểu phẩm hài…quyền hạn tôi mở rộng nhiều hơn. Đôi khi cũng có những va đập khiến tôi và một vài nghệ sỹ thân thiết có bị giảm sút tình cảm. Tuy nhiên, một khi tôi đã chấp nhận làm việc với ai tôi xem họ là anh chị em. Những người giận dỗi bỏ tôi đi vẫn được tạo điều kiện nếu hoàn cảnh cho phép. 

Nhiều nghệ sỹ cho rằng Trung Dân cứng bên ngoài, yếu bên trong. Anh có đồng ý nhận xét này?

Tôi đã từng khóc rất nhiều khi chứng kiến những số phận bất hạnh trong nhiều chương trình từ thiện. Gần đây nhất, tôi cùng một nhóm nghệ sỹ lưu diễn phục vụ bà con Việt kiều ở Đài Loan. Mục đích chuyến lưu diễn này nhằm quyên góp tiền cho bà con nghèo tại Việt Nam. Tại đây, tôi đã gặp một phụ nữ là chủ một nhà hàng giống như nhà hàng bia ôm tại Việt Nam. Chị ấy kể, khi lấy chồng sang đây, hầu như đàn ông trong gia đình chồng đều lạm dụng tình dục chị ấy.

Một lần vì quá sợ hãi và đau đớn, chị ấy đã trốn lên núi. Một toán đàn ông khoảng 18, 19 người rượt theo toan cưỡng hiếp. Chúng đã xé quần áo khiến chị không còn mảnh vải che thân. Lúc ấy chị cầu nguyện ơn trên phù hộ. Bỗng nhiên thời tiết trở lạnh đột ngột và gió thổi mù mịt. Đám đàn ông đó tự nhiên hoảng sợ bỏ đi. Chị ấy chạy đi cầu cứu trong gần 2 km với thân thể trần truồng. Câu chuyện này khiến trái tim tôi nghẹn lại. Tôi ôm chị và cả hai cùng khóc. Tôi nghĩ đây là những giọt nước mắt cảm thông chứ không phải sự yếu đuối. 

 "Ngày xưa hai vợ chồng nghèo, bao nhiêu cát-xê tôi đều giao hết cho bà xã. Nguồn tiền nhỏ nhoi ấy tích cóp dần cũng thành lớn".

Ngày xưa anh ở chung cư cũ, đi xe gắn máy cũ, mặc quần áo bình dân. Bây giờ anh xây nhà lầu, sắm xe hơi, vẫn ăn mặc đồ…cũ, tại sao vậy? 

Một tâm hồn nông dân thì không thể nào có bề ngoài lòe loẹt được. Đó không phải là xì-tai của tôi. Tôi giản dị trong tất cả mọi thứ chứ không riêng chuyện ăn mặc. Điều quan trọng nhất là mình sống như thế nào chứ không phải mình ăn mặc gì. 

Ngày xưa hai vợ chồng nghèo, bao nhiêu cát-xê tôi đều giao hết cho bà xã. Nguồn tiền nhỏ nhoi ấy tích cóp dần cũng thành lớn. Bà xã tôi rất nhanh nhạy kinh doanh nên mang tiền đó đi đầu tư thứ khác. Dần dần cuộc sống của chúng tôi vững chãi hơn.

Chúng tôi rất vất vả để có được ngày hôm nay nên tôi hiểu được giá trị của đồng tiền tạo nên từ sự cần lao. Một người nghệ sỹ cần tâm hồn nghệ sỹ hơn là vẻ ngoài chải chuốt ra vẻ nghệ sỹ. 

Bây giờ anh đã hoàn toàn viên mãn với cuộc sống của mình?

Nghệ thuật là vô tận nên tôi ở thời điểm này không thể nói là viên mãn được. Tôi còn rất nhiều tác phẩm còn ấp ủ hy vọng được chia sẻ với công chúng. Về phía gia đình, các con tôi còn nhỏ nên vợ chồng tôi còn phải vất vả nhiều để lo cho chúng ăn học đến lúc trưởng thành. Chúng tôi còn một chặng đường rất dài để phấn đấu.

 
Các đây khoảng 10 năm, Trung Dân là diễn viên, đạo diễn gạo cội, nổi tiếng của sân khấu Idecaf. Sau này, nghệ sỹ Trung Dân nổi tiếng hơn nữa qua chương trình Trên Vườn Dưới Ruộng (xây dựng các tiểu phẩm hài liên quan đến thời sự của nông thôn và nông dân) của đài Bình Dương.

Năm 2010, anh thành lập công ty sản xuất phim ảnh và làm đạo diễn phim Bìm Bịp Kêu Chiều thu hút được sự quan tâm của giới truyền thông và khán giả.

Nguyễn Huy

Bình luận(0)