"Cơ chế của ta chưa tách bạch giữa sở hữu với quản lý điều hành. Nó đem lại lợi ích cho một bộ phận nào đó, không phải là cho toàn XH".
- Bộ Tài chính vừa đưa ra kết luận thanh tra tại 4 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu. Theo đó, việc các doanh nghiệp thua lỗ một phần vì chi hoa hồng quá cao cho các đại lý. Tuy nhiên, khi trò chuyện về vấn đề này, ông Đặng Như Lợi, nguyên phó chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội khẳng định, không chỉ có lỗi của doanh nghiệp mà còn có trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước.
[links()]
600đ/lít là cái gì?
Thưa ông, theo kết luận của Bộ Tài chính trong đợt kiểm tra 4 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu thì một trong những nguyên nhân gây thua lỗ của các doanh nghiệp này là chi hoa hồng cho các đại lý vượt định mức (600đ/lít xăng dầu bao gồm cả chiết khấu cho các đại lý). Ý kiến của ông thế nào về vấn đề này?
Từ trước tới nay, các tổng công ty xăng dầu "ăn" được bởi chiết khấu lưu thông. Hoa hồng chi cho các đại lý lại nằm trong khoản chiết khấu đó. Do đó, việc các tổng công ty chia hoa hồng cho các đại lý là theo quan hệ, sự thỏa thuận giữa họ. Trong cơ chế thị trường thì anh nào đặt ra hoa hồng bây giờ? Cái đó là do kinh tế thị trường quyết định chứ.
|
Ông Đặng Như Lợi |
Nghĩa là, việc nói rằng họ chi hoa hồng vượt định mức là không phù hợp?
600đ/lít là cái gì? Trước đây, Nhà nước định giá xăng dầu, nay giao cho các doanh nghiệp để họ tự công bố, sau đó trình lên Bộ Tài chính phê duyệt, nếu được đồng ý thì mới áp dụng. Họ đăng ký rồi thì anh có chấp nhận hay không? Cơ chế này là cơ chế thị trường cơ mà! Nhà nước điều chỉnh theo kinh tế thị trường là nguyên lý.
Giả dụ trước đây tôi bán 1 lít xăng dầu với giá 15.000đ, hoa hồng sẽ là 600đ. Bây giờ, giá bán lên 20.000đ thì hoa hồng sẽ giữ theo 600đ hay bao nhiêu? Giữ theo tỷ lệ hay theo một lít? Hoa hồng theo quyết định tuyệt đối hay tương đối? Anh làm sao mà biết được vì nó cứ lúc lên lúc xuống, chẳng lẽ anh cứ đi điều chỉnh tối ngày à? Anh đã đồng ý như thế rồi thì còn can thiệp cụ thể, chi tiết làm gì?
Doanh nghiệp tư nhân, không giảm chi phí thì chết
Sao lại không can thiệp? Vì nếu không can thiệp thì các công ty xăng dầu cứ tăng hoa hồng lên cao sẽ khiến thâm hụt, khoản lỗ tăng lên, rồi cứ thế mà đánh vào giá bán để bù lỗ, để người tiêu dùng phải è lưng ra mà gánh lỗ à?
Có ai can thiệp giá của thế giới đâu nhỉ? Nó nhảy múa hàng tuần đấy chứ.
Nhưng nếu không can thiệp thì có thể vốn đầu tư của Nhà nước thông qua các doanh nghiệp, tập đoàn sẽ bị thất thoát?
Tất nhiên, với doanh nghiệp Nhà nước một thành viên nếu sở hữu 100% vốn Nhà nước, công ty cổ phần mà Nhà nước giữ cổ phần chi phối thì Nhà nước cần kiểm soát vấn đề này. Nhưng thật ra, ngay chính cơ chế Nhà nước cũng lúc thế này lúc thế khác chẳng biết lối nào mà lần.
Hơn nữa, giá xăng dầu do ai quyết định? Thị trường tự điều chỉnh hay sự áp đặt của Nhà nước? Anh can thiệp vào thì mới nói là lỗ hay lãi chứ! Cơ chế giá cũng có rõ ràng gì đâu. Bảo người ta quyết định rồi nhưng thực tế lại do anh quản lý nhà nước quyết định, xong rồi lại đi bàn chuyện lỗ lãi thì thật sự là khó.
Nói như ông thì có vẻ các doanh nghiệp không phải chịu trách nhiệm? Trong khi đáng lẽ họ tiết giảm chi phí để giảm giá bán lẻ, bớt gánh nặng cho người dân cũng như nền kinh tế thì giờ lại đi tăng hoa hồng cho đại lý?
Giảm chi phí trong doanh nghiệp nhà nước là thế nào, ai quản lý? Còn mỗi cơ quan cuối cùng là thuế liệu có nắm được chi phí hợp lệ không? Hóa đơn chỉ là tờ giấy, họ kiểm soát tờ giấy có hợp lệ hay không chứ không thể kiểm soát được nội dung. Trong khi các doanh nghiệp bên ngoài thì chẳng bao giờ bàn đến chuyện đó, vì họ không giảm (chi phí) thì họ chết. Tất nhiên, doanh nghiệp cũng có một phần trách nhiệm. Nhưng để xảy ra sự lộn xộn này thì chính cơ quan quản lý phải chung trách nhiệm nữa chứ không phải chỉ đổ cho doanh nghiệp được.
Vẫn là cơ chế! Cái này người ta nói nhiều rồi đấy chứ?
Thì đương nhiên rồi. Cơ chế của ta hiện nay chưa tách bạch giữa sở hữu với quản lý điều hành, do đó nó đem lại lợi ích cho một bộ phận nào đó chứ không phải là cho toàn xã hội. Thêm nữa, Nhà nước lại bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo chứ có chọn đâu, mà việc bổ nhiệm lại là tín chấp, nghĩa là căn cứ vào mức độ tin cậy về phẩm chất đạo đức chứ có gì ràng buộc đâu, trong khi ở nước khác ông không có nhiều tiền thì không được bổ nhiệm. Tín chấp thì làm sao giữ mãi được. Dở là ở chỗ đó.
Nhưng chẳng lẽ các cơ quan quản lý không nhận ra?
Họ biết thừa. Có điều họ có muốn làm, làm triệt để hay không mà thôi.
Phải thay đổi phương thức quản trị
Cũng theo kết quả của đợt kiểm tra, trong hai tháng 7 và 8/2011, cả bốn doanh nghiệp trên đều có lãi. Tuy nhiên, thực tế thì họ vẫn kêu lỗ. Theo ông thì lý giải điều này như thế nào?
Vì họ là doanh nghiệp nhà nước. Chỉ có doanh nghiệp nhà nước mới kêu ca thôi, chứ doanh nghiệp tư nhân có bao giờ thấy kêu đâu. Họ kêu vì họ làm thuê chứ không phải của họ (vốn, tài sản của Nhà nước, thương hiệu được Nhà nước gán cho).
Mà lẽ thường, chỉ có anh làm thuê mới hay kêu, hỏi đến là bảo khó khăn, còn những cái anh ăn được thì có bao giờ anh nói ra. Nhà nước kiểm soát họ, đụng đến họ. Họ phải nhập xăng dầu thì giá cả phụ thuộc thị trường thế giới. Giá mua cao mà họ bán thấp thì họ phải kêu chứ, họ không kêu thì họ chết. Họ có kêu thì các ông quản lý mới tưởng là đúng chứ, mới điều chỉnh chứ.
Theo ông, để có một thị trường xăng dầu lành mạnh, không lộn xộn, nhập nhằng như hiện nay thì cần có những biện pháp căn cơ như thế nào?
Phải thay đổi phương thức quản trị, tách bạch giữa quản lý điều hành với sở hữu. Đó là việc quan trọng nhất. Khi đã thay đổi phương thức rồi thì lựa chọn con người vào vị trí lãnh đạo như thế nào, đặc biệt là người phụ trách công tác tài chính. Phải chọn người tin cậy của họ để làm. Các doanh nghiệp tư nhân làm được thì không có cớ gì doanh nghiệp nhà nước không làm được. Vấn đề là chúng ta phải quyết tâm thực hiện mới được. Thêm nữa, Nhà nước cũng phải kiểm soát hệ thống bán lẻ vì ta mới chỉ kiểm soát bán buôn, trong khi bán lẻ quyết định giá cả.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.
Theo kết quả kiểm tra tại 4 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối là Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Công ty TNHH MTV Dầu khí TPHCM (Saigon Petro), Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Công ty Thương mại dầu khí Đồng Tháp (Petimex) tại thời điểm ngày 30/6 và 26/8/2011, kết quả kinh doanh sáu tháng đầu năm của 4 doanh nghiệp đều lỗ. Cụ thể: Petrolimex lỗ 1.318 tỷ đồng, Petimex lỗ gần 136 tỷ đồng, Saigon Petro lỗ 7,5 tỷ đồng và PV Oil lỗ 382 tỷ đồng. Nguyên nhân chính được chỉ ra là do doanh nghiệp chi hoa hồng cho đại lý vượt định mức. Đơn cử, mức chi chiết khấu của Petimex trong tháng 6 cho các đại lý là 867đ/lít xăng (thay vì 600đ/lít bao gồm cả chiết khấu cho đại lý mà Bộ Tài chính quy định), Petrolimex chi thù lao cho các đại lý trong 6 tháng đầu năm là 210 - 830đ/ lít xăng dầu, khiến số chi cho kinh doanh vượt quy định lên tới hơn 516 tỷ đồng... |
Thanh Thủy (thực hiện)